Danh thắng Tràng An muốn thành di sản thế giới “kép”

21/03/2012 10:10 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Với ý tưởng có thể làm hồ sơ cho loại hình di sản “hỗn hợp” bao gồm hai yếu tố tự nhiên và văn hóa, khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) có cơ hội trở thành di sản đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận danh hiệu này.

Khác với hai loại  hình di sản tự nhiên và di sản thế giới xuất hiện từ năm 1972, khái niệm di sản hỗn hợp (còn gọi là Cảnh quan Văn hóa) phải tới năm 1992 mới được UNESCO đưa ra. Loại hình di sản này được yêu cầu đảm bảo đủ tính chất của hai loại hình trước với tổng cộng 10 tiêu chí xét duyệt (6 tiêu chí của di sản văn hóa và 4 của di sản tự nhiên). Sau 20 năm, hiện chỉ có 28 di sản trên thế giới được UNESCO công nhận theo cách này.

1. “Một số chuyên gia của UNESCO  khuyên chúng tôi nên chọn loại hình di sản này để xin xét duyệt”- ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Ban quản lý khu danh thắng Tràng An (DTTA), cho biết.

Theo lời ông Long, việc “ứng thí” theo loại hình này sẽ phát huy được hết các thế mạnh của DTTA trước những tiêu chí khắt khe từ UNESCO. Đặc biệt, trong bối cảnh mới chỉ có 28 di sản trên thế giới được công nhận là loại hình “kép” này (so với 725 di sản về văn hóa và 183 di sản thiên nhiên), khả năng thành công của DTTA xem ra cũng… sáng hơn đôi chút.

Theo kế hoạch, DT Tràng An sẽ “ứng thí” vào năm 2013

Rộng 10.000ha và bao gồm ba khu vực: khu sinh thái Tràng An, khu Tam Cốc - Bích Động, khu cố đô Hoa Lư, quần thể DTTA trước đây vẫn được nhắc tới như một ứng cử viên cho danh hiệu di sản thiên nhiên của UNESCO. Đơn giản, trong bốn tiêu chí mà UNESCO đưa ra cho loại hình này, vẻ đẹp sơn thủy của “Hạ Long cạn” đã đảm bảo được yêu tố về tính thẩm mỹ tự nhiên (chứa đựng các hiện tượng thiên nhiên siêu việt, khác thường). Hệ thống núi đá vôi và hang động kasrt khổng lồ với gần 100 hang các loại là một yếu tố khác để đảm bảo tiêu chí về địa chất - địa mạo (đại diện cho những giai đoạn quan trọng của lịch sử trái đất). Ngoài ra, tính đa dạng sinh học- một tiêu chí quan trọng khác – của DTTA cũng đang được các chuyên gia xem xét để đưa vào hồ sơ.

Phải nói thêm, năm 1991, Cố đô Hoa Lư (một phần của quần thể DTTA) đã thất bại trong việc xin UNESCO công nhận danh hiệu… di sản văn hóa. Còn lần này, triển vọng đạt 3/4 tiêu chí của danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới đã khiến tỉnh Ninh Bình và giới chuyên môn “tự tin” hơn khá nhiều. Tuy nhiên, sự tự tin ấy đang có cơ hội… nhân rộng, nếu lời tư vấn từ phía UNESCO được chấp nhận.

2. Điểm nhấn trong ý tưởng xin xét danh hiệu “kép” của DTTA nằm ở việc bổ sung vào hồ sơ một tiêu chí nữa của loại hình di sản văn hóa: “Là ví dụ nổi bật về một kiểu định cư truyền thống của con người hoặc một phương pháp sử dụng đất truyền thống, đại diện cho một nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược...”. Với trường hợp DTTA, các dấu vết của người tiền sử trong nhiều hang động được đặt hi vọng đảm bảo tiêu chí này.

Cụ thể, trong nhiều năm trước, các chuyên gia của Viện khảo cổ học Việt Nam và trường Đại học Cambridge (Anh) đã tiến hành những cuộc thăm dò và nghiên cứu trên khu vực này. Kết quả cho thấy, dấu ấn của người tiền sử xuất hiện khá đậm đặc tại hang Trống (khoảng 20.000 năm trước), hang Bói (khoảng 10.000 năm trước) và hàng loạt các hang Vượn, Thiên Tôn, Đá Máng… Bên cạnh những dấu vết về sinh hoạt của người tiền sử trong giai đoạn chuyển hóa từ thế Pleistocene sang thế Holocenne, khu DTTA còn cho thấy khá nhiều tư liệu về cách thức sinh hoạt của họ trong giai đoạn biến động địa chất về mực nước biển tại đây (khoảng 5000, 7000 năm trước) và giai đoạn định cư liên tục từ thời đại đồ đá tới đồ đồng rồi đồ sắt, gắn với các nền văn hóa khảo cổ học “tiền” Hòa Bình, Hòa Bình, Đa Bút, Đông Sơn... tại khu vực này.

Được biết, vào đầu tháng 5/2012 tới đây, sau cuộc họp bàn một lần nữa với các chuyên gia UNESCO, tỉnh Ninh Bình sẽ có quyết định cuối cùng về việc xác định hướng xây dựng hồ sơ cụ thể cho DTTA. Trong trường hợp ý tưởng ứng cử cho danh hiệu Di sản hỗn hợp được chấp nhận, dự kiến Ban quản lý DTTA sẽ mời Viện Khảo cổ học VN để phối hợp nghiên cứu và triển khai (Các vấn đề về cảnh quan, địa chất, sinh học… đã được chuẩn bị khá đầy đủ trước đó với sự tham vấn từ các cơ quan chuyên môn).

Dự kiến, tới tháng 9/2013, hồ sơ về DTTA phải được hoàn chỉnh để chuyển lên UNESCO, trước khi có kết quả chính thức vào năm 2014. Cùng “ứng thí” với DTTA trong dịp này sẽ còn có quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) cho danh hiệu Di sản thiên nhiên của UNESCO.

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm