Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Phong trào làm phim ngắn ở Việt Nam chưa đâu vào đâu

20/06/2014 09:40 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - “Phim ngắn hiện nay mới chỉ dừng ở mức phong trào, loạn cào cào. Các bạn trẻ học mót ở chỗ này một ít, chỗ kia một tí. Họ thiếu nền tảng, và quan trọng họ không nhận được sự hỗ trợ nào. Mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu cả”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trả lời khi được hỏi về sự phát triển của phim ngắn tại Việt Nam.

Trong vài năm trở lại đây, thỉnh thoảng lại rộ lên một phim ngắn khiến giới trẻ “phát sốt”. Ngày càng nhiều bạn trẻ, những nhóm của các bạn trẻ yêu điện ảnh tự làm phim ngắn để đi tìm khán giả cho mình. Tiệc phim Yxine FF, một sân chơi điện ảnh uy tín mỗi năm lại giới thiệu rất nhiều phim ngắn. Gần đây có phim ngắn của Việt Nam như: 16h:30 (Trần Dũng Thanh Huy), Tôi ba mươi (Hoàng Trần Minh Đức)... tham gia Góc phim ngắn tại Liên hoan phim (LHP) Cannes danh giá. Có cảm giác phong trào làm phim ngắn đang lên, nhưng theo nhận định của Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, phim ngắn ở Việt Nam mới chỉ dừng ở mức phong trào.

* Anh nói phim ngắn ở Việt Nam mới chỉ là một phong trào tự phát, thiếu nền tảng. Tuy nhiên, không dưng mà phim ngắn phát triển nở rộ như bây giờ, phải có lý do nào đó chứ?

- Tôi nghĩ là do sự bùng nổ của kỹ thuật. Bây giờ một chiếc điện thoại cũng có thể quay được Full HD, phần mềm biên tập, dựng phim quá nhiều. Làm phim xong lập tức có thể đưa lên Internet và có rất nhiều người xem. Đây là thời đại kỹ thuật số, thời mà ai cũng muốn thể hiện bản thân, chia sẻ bằng hình ảnh. Với bọn trẻ thì làm phim là một trò chơi mới quá hay và rất hợp thời nữa.

* Phim ngắn có vai trò như nào với sự nghiệp của đạo diễn trẻ?

- Có thể coi phim ngắn là một tấm giấy thông hành, giới thiệu bản thân của một đạo diễn trẻ. Quan điểm điện ảnh của anh là gì, phong cách của anh là gì, anh có thẩm mỹ hay không... tất cả sẽ được thể hiện qua một bộ phim ngắn. Những đạo diễn như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng cũng tìm được tài trợ làm phim dài nhờ những phim ngắn đầu tay đấy.

Với người mới bắt đầu cố gắng làm càng nhiều phim ngắn càng tốt. Đó là cách để các bạn luyện tập, để sau này còn chịu được sức ép khi làm phim dài. Làm phim dài căng thẳng lắm, quay trong hai ba tháng, ngày nào cũng làm việc mười mấy tiếng, nếu không có khả năng chịu đựng thì không thể làm được đâu.

* Mỗi khi có một phim ngắn ở Việt Nam đi dự LHP Cannes, truyền thông lại coi đây như một “hiện tượng”. Thực chất Góc phim ngắn (Short Film Corner) ở Cannes có vị trí như thế nào?

- LHP Cannes được Bộ Văn hóa Pháp tổ chức. Họ có những hạng mục chính thức, những phim tham gia hạng mục này đều được dán mác Official Selection (lựa chọn chính thức). Theo tôi nhớ về phim ngắn thì có hai hạng mục chính thức, một là Short Film (phim ngắn) dành cho phim dưới 15 phút, hai là hạng mục Cinefondation (phim của các trường điện ảnh) dành cho phim ngắn khoảng trên 15 phút. Trong các hạng mục chính thức phim được tuyển cực kỳ chặt chẽ, gắt gao, chỉ có phim hay mới được tuyển. Còn các hạng mục bên lề như Góc phim ngắn chẳng hạn, có thể là bộ sưu tập phim từ các nước, mỗi nước chọn một phim ngắn tốt nhất đem đến giới thiệu tại đây.

Nhưng nên nhớ LHP Cannes được coi là LHP “đỉnh” của thế giới nên những sự kiện bên lề cũng được họ làm rất tử tế. Chúng ta không nên quan niệm thật hay giả ở đây, mà chỉ có thể phân chia làm cấp độ 1, cấp độ 2... Dù sao được tham dự LHP Cannes là một trải nghiệm rất quý giá với người làm phim trẻ.


Phim ngắn Tôi ba mươi của đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức được giới thiệu tại Góc phim ngắn trong LHP Cannes vừa qua

* Từ phong trào phim ngắn, anh có thấy những mầm tài năng mới?

- Cá nhân tôi trong quá trình dạy ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh thấy rất nhiều em thông minh, cá tính, nhạy cảm. Các em là những cái mầm cây chứa đựng gen tốt, vấn đề làm sao để nuôi dưỡng những cái mầm này lớn lên, nếu không chăm thì sẽ héo hắt ngay. Ở một môi trường điện ảnh như thế này, đến một người làm phim có nhiều thuận lợi như tôi còn thấy đơn độc. Điện ảnh của ta không còn sức sống nữa, như ở Hà Nội này làm gì có đoàn làm phim nào, cũng chẳng có nhiều dự án mới. Nếu trông chờ vào phim nhà nước thì một năm có vài ba phim, làm ra chẳng ai xem. Còn các bạn trẻ nhiều người tự bỏ tiền túi làm phim dài, nhưng chẳng ai khuyến khích họ. Tôi có cảm giác mọi kết nối đang bị đứt gãy.

* Anh nói các bạn trẻ bây giờ rất cần sự hỗ trợ, sự hỗ trợ ở đây là gì?

- Các bạn trẻ bây giờ, có người không cần cho tiền làm phim, nhưng tất cả bọn họ đều cần được nhìn nhận, cần được khuyến khích sự sáng tạo. Nhưng cơ chế kiểm duyệt quá khắt khe của ta vô tình đã làm thui chột sự sáng tạo đó. Đợt vừa rồi chúng tôi có mang nhiều phim ngắn lên Hội đồng Trung ương thẩm định phim ngắn, đã có rất nhiều phim tốt không được duyệt với lý do “không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật”. Đây là những phim tài liệu ngắn, mà phim tài liệu trực tiếp không thể quay đẹp như phim điện ảnh được. Hơn nữa phim ngắn không để phục vụ chiếu tại rạp, tại sao lại cấm? Tôi phải viết thư cho Cục trưởng Cục Điện ảnh, sau đó hội đồng mới duyệt lại lần hai và thông qua.

Phim ngắn chủ yếu là để thể nghiệm, sáng tạo. Ở mình vẫn có thói quen úp lên đầu trẻ một cái “lồng kính”, nghĩ rằng đó là an toàn, tốt cho nó. Nhưng trong lồng kính đứa trẻ không được vùng vẫy, không được chạy nhảy, kết quả nó sinh ra èo uột. Sao không để nó tự thở, nó khỏe thì nó sống, nó yếu thì nó chịu?

Mà giờ kiểm duyệt phim ngắn thì kiểm duyệt thế nào? Chỉ có những đơn vị “chính danh” như TPD, Doclab, Varant mới cần qua kiểm duyệt. Còn lại các cá nhân vẫn làm phim và phát tán trên Internet, có ai quản được đâu.

* Rất nhiều nhà làm phim trẻ sau khi làm xong bộ phim dài đầu tay thấy kiệt sức. Họ thừa nhận họ thấy mệt mỏi, cô đơn và hoang mang...

- Điều đó là sự thật vì môi trường như thế này họ cô đơn là phải. Làm phim ngắn có thể coi là một cuộc chơi. Nhưng rồi cũng đến lúc phải làm phim dài. Rất thiếu những người làm âm thanh, quay phim, hóa trang, thiết kế mỹ thuật để “chơi” cùng với các bạn trẻ. Còn thuê những người chuyên nghiệp, họ lấy đâu ra tiền thuê. Làm phim bây giờ quá nản. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, vẫn có người tìm cách thoát ra được, với điều kiện họ phải rất giỏi.

* Theo anh những người trẻ cần sự hỗ trợ từ đâu?

- Sự hỗ trợ phải đến từ Nhà nước. Nhưng nhiều năm nay chuyện phát triển giáo dục, đào tạo của ta có được để ý đâu. Không có quỹ điện ảnh nào cả. Giá mà có những quỹ dành cho phim ngắn, mỗi lần cấp cho khoảng chục triệu thôi, cũng là động viên người làm phim trẻ lắm rồi. Tôi cho rằng những quỹ như vậy nếu có cũng chỉ nên để các tổ chức phi chính phủ quản lý mới minh bạch, hiệu quả.

* Anh là người trực tiếp đào tạo nhiều người trẻ làm phim tại TPD, anh có lo lắng cho tương lai học trò của mình?

- Tôi có đào tạo gì đâu, tôi chỉ tổ chức sân chơi cho họ, dạy cho họ các khóa ngắn ngày để họ hình dung ra những thứ đơn giản về điện ảnh. Với điện ảnh có thể chỉ cần thế là đủ. Các bạn trẻ bây giờ thuận lợi hơn vì ít ra còn có sự hỗ trợ này. Chứ thế hệ chúng tôi ngày xưa đã làm phim từ những khái niệm rất bé nhỏ như vậy, rồi tự mày mò là chính.

Năm nay Trung tâm TPD của chúng tôi dẫu phải tự túc về tài chính nhưng lại đạt kết quả tốt hơn trước. Trước đây chúng tôi tổ chức 9 lớp một năm, các học viên làm được 60 phim. Năm nay, mới được nửa năm đã tổ chức được 8 lớp, nhưng các học viên đã làm ra 90 phim. Giới trẻ ngày càng quan tâm đến việc làm phim, đăng ký học đông hơn trước rất nhiều. Thậm chí TPD còn thu hút cả những người tầm 40 tuổi đến học. Thế cũng là vui rồi.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm