26/02/2012 09:03 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Sáng mai, 27/2 (theo giờ Việt Nam), Lễ trao giải Oscar 2012, sẽ diễn ra tại nhà hát Kodak (Los Angeles, Mỹ) và truyền hình trực tiếp tới 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Trước giờ G của một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh này, từ "sân nhà", TT&VH và Trung tâm Truyền hình Thông tấn đã có cuộc trao đổi với đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, người mà vào năm 2010 đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ mời tham gia chương trình tôn vinh sự cống hiến của ông đối với điện ảnh Việt.
Năm 2010, cùng với các buổi tọa đàm của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh giới thiệu về những bộ phim của ông trước khán giả Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ phối hợp với Viện phim VN tổ chức Tuần lễ phim “New voices from Viet Nam”, trình chiếu: Cánh đồng bất tận, Bi, đừng sợ, Trăng nơi đáy giếng, Bẫy rồng, Cú và chim se sẻ, Chơi vơi…
* Đã gần 2 năm trôi qua, giờ đây, ông có thể nhắc lại một chút cảm xúc khi được tham gia sự kiện trên?
- Tôi rất bất ngờ khi được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, nơi hàng năm vẫn trao giải Oscar, mời sang để vinh danh, ghi nhận những đóng góp của tôi. Đây là bất ngờ lớn vì cả đời tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ được đặt chân tới Hollywood, vào trong rạp, nơi diễn ra lễ trao giải Oscar. Đây cũng là vinh dự cho tôi và điện ảnh Việt Nam.
NSND Đặng Nhật Minh (bìa phải) trong đêm tôn vinh
tại Mỹ tháng 11/2010. Nguồn Dantri
* Thưa ông, thực tế Việt Nam chính thức nhận được thư mời tham dự Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất từ năm 2005. Nhưng vì nhiều lý do, có những năm, chúng ta buộc phải lỡ hẹn với “cuộc chơi” danh giá này. Vậy ông đánh giá thế nào về chất lượng của những phim Việt đã được đề cử dự Oscar?
- Hàng năm Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ gửi thư mời cho khắp các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Nếu nước nào có phim hay thì gửi tới Viện chấm giải ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài. Có nghĩa là tất cả các nền điện ảnh thế giới tham gia Oscar chỉ tranh nhau một giải duy nhất này.
Trong vài năm gần đây, Việt Nam có được giấy mời tham dự và Bộ VH,TT&DL đã lập ra Hội đồng để chọn ra những phim hay nhất trong năm để dự thi. Những phim đó phải được Hội đồng chấm 9,5/10 điểm thì mới được gửi tham dự. Nhưng như chúng ta đã biết các phim gửi tham dự đều không lọt Top 5 đề cử. Cánh cửa đó rất hẹp.
Oscar là giải rất vinh dự cho tất cả những người làm điện ảnh, nhưng phải nhìn nhận lại một điều, đây là sân chơi chính dành cho điện ảnh Mỹ hay là các phim nói tiếng Anh chứ không phải là các phim nói tiếng nước ngoài, vì như chúng ta biết có hàng trăm nền điện ảnh trên thế giới mà tất cả thì chỉ “chen chân” vào một cái cửa rất hẹp để được một giải duy nhất đó là giải Dành cho phim nước ngoài, thế cho nên cuộc cạnh tranh này rất khốc liệt. Ngay cả những đạo diễn nổi tiếng như Trương Nghệ Mưu cũng chưa có cơ hội giành giải thưởng danh giá này. Nói thế để thấy cơ hội dành cho phim Việt Nam lại càng khó.
Tuy nhiên việc Việt Nam có mặt trong sân chơi này cũng là điều rất tốt, là cơ hội để cho thế giới biết đến nền điện ảnh của chúng ta.
* Theo ông, có phải vì cánh cửa đó quá hẹp mà các nhà điện ảnh Việt Nam đang khá thờ ơ với giải thưởng này? Và theo nhận định của ông, liệu ta hoàn toàn có đủ khả năng để gửi nhiều hơn số phim từng tham dự?
- Theo quy định của Bộ VH,TT&DL thì Hội đồng bình chọn phải bầu phiếu kín, các phim khi đưa ra hội đồng chấm điểm, khi cộng lại phải đạt điểm trung bình là 9,5 trở lên thì mới được gửi đi tham dự giải Oscar, có những năm không bộ phim nào đạt được số điểm trên nên không thể gửi tham dự.
* Tiêu chí hiện tại để chấm điểm các phim Việt tham dự giải Oscar là gì? Theo ý kiến của ông, phim Việt cần đạt “chuẩn” nào để có thể được ghi nhận tại giải Oscar?
- “Chuẩn” để chấm phim dự Oscar đơn giản đó là phim hay nhất trong năm, được cấp phép trình chiếu rộng rãi trong và ngoài nước. Không có tiêu chí gì ngoài tiêu chí là bộ phim đó phải mang tính nghệ thuật. Và điều đó là đương nhiên vì chúng ta cũng biết là những phim đoạt giải Oscar là phim nghệ thuật đỉnh cao, có nội dung sâu sắc. Hollywood là trung tâm sản xuất phim giải trí nhưng chưa có phim giải trí bom tấn nào đạt giải Oscar, bao giờ họ cũng chọn phim mang tính nghệ thuật cao, nội dung mang tính nhân văn sâu sắc, đó là điểm mà chúng ta phải lưu ý. Tôi ví dụ như phim Avatar là bộ phim giải trí bom tấn, thế nhưng sử dụng kỹ xảo nhiều và hướng về giải trí. Năm đó, nhiều người đinh ninh bộ phim này sẽ rinh giải nhưng cuối cùng không được.
Còn về tiêu chí với phim Việt như bạn hỏi, tôi không dám có nhiều lời khuyên bảo. Tôi chỉ muốn chúng ta hãy cố gắng làm phim cho hay, cho tốt, khi đã hay, đã tốt thì chất lượng sẽ nâng cao. Oscar là một diễn đàn quá cao. Cũng như trong bóng đá, chúng ta muốn bước vào vòng tứ kết World Cup đã là rất khó rồi. Nhưng không phải vì khó mà chúng ta nản chí, đây là quá trình phải làm từ từ, phải để điện ảnh Việt tạo được uy tín trong khu vực đã, sau đó là tới các LHP trung bình như Busan, rồi dần dần tiến đến những LHP lớn như Cannes, Berlin..., rồi sau đó là Oscar.
* Trở lại với danh sách đề cử giải thưởng Oscar lần thứ 84, so với các năm trước, những bộ phim năm nay đều ngang sức ngang tài và đều là những ứng cử viên nặng ký, ví dụ The Artist, The Descendants... Cá nhân ông có thể đưa ra một dự đoán cho giải Oscar năm nay?
- Tôi chưa có cơ hội được xem hết tất cả những bộ phim trong danh sách đề cử giải Oscar lần thứ 84. Tôi ấn tượng hai phim trong danh sách này, đó là Tree Of Life, phim cũng đã giành giải Gấu vàng tại LHP Berlin, ngoài ra còn có phim The Artist của đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicius. Phim này rất độc đáo vì nó là phim câm đen trắng. Mà tất cả những phim độc đáo, mới lạ thì lại rất dễ lọt vào “mắt xanh” của Ban giám khảo. Đó là hai phim tôi hy vọng sẽ giành giải.
* Trong hai phim đó thì cơ hội sẽ nghiêng về phim nào?
- Tôi đoán là The Artist.
* Xin cám ơn ông!
Đào Bích Hồng (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất