Vé tăng, uy tín giảm

05/04/2011 12:06 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Hôm qua, tôi đem câu chuyện sân Hàng Đẫy tăng giá vé và hỏi một thành viên có vai vế trong Ngân hàng Eximbank: “Mỗi năm các ông bỏ 30 tỷ tài trợ cho giải đấu đấy nhưng người ta lại sợ khán giả đến sân nhiều và sợ khán giả quậy và ngăn bằng cách tăng gấp 8 giá vé để giảm CĐV đến sân thì liệu có đáng để các ông bỏ tiền tài trợ không?”. Vị quan chức này nhíu mày rồi lắc đầu than thở: “Có thật là họ làm thế không hả ông? Sao họ lại xử sự một cách tệ hại như thế. Như vậy là giết bóng đá, giết giải đấu rồi…”.

>> Chuyên đề: Giá vé “khủng” ở sân Hàng Đẫy


Chuyện ngược đời quanh cái sân Hàng Đẫy tăng giá vé những ngày qua được đề cập nhiều trên các cơ quan ngôn luận. Tối qua, chuyên mục Thể thao 24/7 của VTV đã đưa ý kiến của người hâm mộ và cả ý kiến của bầu Hiển về việc làm tréo ngoe trên. Toàn là những ý kiến phản đối và bất bình về cái gọi là công tác tổ chức chuyên nghiệp của một giải đấu chuyên nghiệp sang tuổi 11 và ai cũng vống lên đấy là giải đấu số 1 Đông Nam Á.

Thật kỳ lại khi 1 giải bóng đá đối phó không cần khán giả mà vẫn cứ tô vẽ lên là số 1 Đông Nam Á

Cũng tối qua, VTV đã gửi đến người xem hình ảnh tiền âm phủ được rải trên sân Hàng Đẫy trong khi những khán đài còn lại thì vắng ngắt. Nghịch lý của bóng đá V-League là khán giả thì vẫn vắng đến độ có sân xả cửa cho vào không thế mà cái sân Hàng Đẫy lại tăng giá vé đột ngột để… hạn chế khán giả và để giảm bớt áp lực cho những người làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn trận đấu. Càng lạ hơn khi quyết định ngược đời đấy lại được chính ông trưởng giải lên tiếng rằng họ có quyền và bản thân ông cũng ủng hộ điều đấy (!?). Hóa ra là người ta đang chạy theo khuynh hướng làm bóng đá theo kiểu đối phó chứ không phải là làm mọi cách để bóng đá tốt hơn. Càng không thể xem đấy là vì người hâm mộ, vì chất lượng giải. Chính các thành viên trong Hội CĐV Việt Nam khi nói về vấn đề này đã trách cứ: “Chúng tôi chưa từng thấy ai làm bóng đá theo kiểu không cần khán giả đến sân để đảm bảo an toàn. Ai cũng chơi như thế, cũng nghĩ như vậy thì thà cứ đóng cửa các sân lại cho các cầu thủ đá chay với bảng quảng cáo có lẽ hay hơn”.

Nghe câu chuyện không giống ai trên lại thấy tủi thân với cái cách làm bóng đá chuyên nghiệp của LĐBĐ Thái Lan. Cái giải mà thời gian gần đây được trực tiếp liên tục trên hệ thống truyền hình cáp tại Việt Nam. Từ chất lượng tổ chức, chất lượng cầu thủ đến chất lượng CĐV… Quan trọng hơn là sự kết hợp giữa các bộ phận, các nhóm đấy lại với nhau để T-League nâng lên tầm cao mới mà chính cựu HLV ĐT Việt Nam – ông Calisto cũng phải thừa nhận và gắn bó với giải này.

Qua câu chuyện tăng giá để ngăn khán giả càng cho thấy uy tín của những nhà làm bóng đá đang xuống rất thấp bởi họ không biết bảo vệ những cái gì thuộc về bóng đá.

Ôi bóng đá đối phó không cần khán giả mà vẫn cứ tô vẽ lên là số 1 Đông Nam Á!

Ôi những nhà tài trợ ngây thơ mang tiền tỷ đổ vào hàng năm cho những tư tưởng làm bóng đá không cần khán giả.

NGUYỄN NGUYÊN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm