Cải lương lại đi tìm… khách Tây

16/01/2014 07:41 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Tối 14/1, vở cải lương Bà chúa thơ Nôm của sân khấu Mekong Artist đã chính thức trở lại sau thời gian dài bị động về điểm diễn. Đây là nỗ lực lần thứ ba của nghệ sĩ Linh Huyền trong việc gây dựng một sân khấu cải lương dành cho du khách quốc tế.

1. Khán phòng sân khấu IDECAF tối thứ Ba bỗng thưa vắng hẳn hơn ngày thường với những suất diễn kịch quen thuộc. Nhưng những khán giả ít ỏi đó đều nán lại đến phút cuối và đã có những phút giây thực sự đồng cảm cùng số phận người phụ nữ thuộc hàng tài hoa bậc nhất giới văn nhân Việt Nam: nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Tác giả Linh Huyền đã lựa chọn những lát cắt “đắt” nhất từ cuộc đời nữ sĩ và tái hiện nó bằng ngôn ngữ cải lương mộc mạc, giàu trữ tình giúp khán giả cảm nhận trọn vẹn những thăng trầm của cả đời người: từ một nàng Xuân Hương tuổi hoa cá tính, tài năng vượt trội đến người phụ nữ từng trải khao khát yêu thương và cuối cùng đọng lại là nỗi đau của người đàn bà mang bi kịch “sinh nhầm thế kỷ”.


Cảnh trong vở cải lương Bà chúa thơ Nôm

Sân khấu không hoành tráng, sang trọng, cũng không có những tên tuổi ngôi sao nhưng ngôn ngữ cải lương vẫn đầy sức hút và lặng lẽ đi vào lòng người. Chỉ 6 du khách nước ngoài có mặt tại đêm diễn nhưng sự chú tâm theo dõi từng lớp diễn, những cái gật gù mỗi đoạn cao trào của họ chứng tỏ nghệ thuật cải lương hoàn toàn có thể vượt được rào cản ngôn ngữ để chinh phục khán giả đến từ những nền văn hóa khác.

Nghệ sĩ Linh Huyền cũng thẳng thắn bày tỏ “tham vọng” muốn chuyển tải những câu chuyện hay của dân tộc (cuộc đời của các danh nhân Việt như: Hồ Xuân Hương, Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Bỉnh Khiêm…) qua loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc mà chị hằng gắn bó là cải lương đến bạn bè quốc tế. Đồng thời tìm sự đồng cảm từ những người yêu mến phong cách chuẩn mực, chân phương của cải lương xưa. Tuy nhiên “đi ngược dòng” đâu dễ…

2. Năm 2010, phiên bản Bà chúa thơ Nôm đầu tiên với lực lượng gạo cội: NSƯT Thanh Vy, Phượng Loan, nghệ sĩ Tuấn Thanh, Tô Châu, Bảo Trí… cùng cô đào tài sắc bậc nhất làng cải lương đất Bắc Thanh Thanh Hiền vào vai Hồ Xuân Hương ra mắt trên sân khấu Nhà hát TP.HCM đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn lẫn báo chí.

Nhưng Nhà hát TP.HCM vốn không phải là điểm đến của khán giả cải lương và cái tên Mekong Artist vẫn chưa kịp quen với giới làm du lịch, vở không thể thu hút khán giả. Khi về rạp Kim Châu lại vướng ngay công trình thi công trước rạp gây cản trở giao thông lẫn việc quảng bá, sân khấu phải đình chỉ.

Sau hai “cú ngã” đau điếng những tưởng Linh Huyền đã không còn dám làm cải lương nữa thì chương trình Cải lương tối thứ Ba của IDECAF lại mở ra. Linh Huyền cho biết khác với chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc Hồn Việt là sân khấu chủ yếu phục vụ du khách quốc tế đến Việt Nam, Cải lương tối thứ Ba hướng đến những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam và muốn tìm hiểu văn hóa Việt cùng những khán giả mộ điệu vẫn nặng lòng với cải lương. Vì thế chương trình không dàn dựng ở dạng trích đoạn với những mảng miếng đặc biệt như các chương trình sân khấu du lịch mà dàn dựng những vở diễn hoàn chỉnh giàu chất văn học về những danh nhân văn hóa Việt, những câu chuyện hay từ lịch sử, văn hóa nước nhà. Các vở diễn sẽ đều có tờ bướm giới thiệu từng màn, từng cảnh bằng tiếng Anh để khách nước ngoài nắm bắt được nội dung vở diễn.

Chia sẻ với TT&VH, Linh Huyền có một niềm tin rất “nghệ sĩ”: “Tôi chỉ hy vọng qua chất lượng của chính vở diễn sẽ thu hút được những khán giả yêu cải lương thực sự. Bên cạnh những người chủ yếu đến xem thần tượng, xem ngôi sao thì vẫn còn đó những khán giả bị thuyết phục bởi câu chuyện, bởi sức hút bản chất của nghệ thuật cải lương”. Điều đó khiến Linh Huyền trở thành “người lạ” trong giới làm nghệ thuật hiện nay.

Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm