Phim truyện cải lương: 'Hôn nhân' khiên cưỡng giữa điện ảnh và sân khấu

08/07/2014 08:17 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Sau thời gian duy trì đều đặn mỗi tuần một số vào 21h thứ Tư hàng tuần thì lịch phát sóng phim truyện cải lương của HTV thưa dần. Lý do cũng bởi thể loại phim “pha” cải lương này khiến không ít khán giả… ức chế.

Khoảng năm 2008, bên cạnh những kịch bản cải lương được dựng và quay tại phim trường như thông thường thì trên sóng HTV xuất hiện thêm một hình thức cải lương mới với tên gọi khá lạ là: Phim truyện cải lương (PTCL). Nhiều người cho rằng PTCL chẳng qua chỉ là cách gọi mới của video cải lương (từng chiếm lĩnh đời sống cải lương vào thập niên 90 thế kỷ trước). Nhưng thực tế hai hình thức lại khác nhau.

Khi điện ảnh “kết duyên” sân khấu

Trên thế giới, việc kết hợp các thủ pháp điện ảnh trên sân khấu hay điện ảnh hóa một tác phẩm sân khấu là chuyện không hiếm. Các bộ phim nhạc kịch như: Cối xay gió đỏ, Chicago, Sweeney Todd: Gã thợ cạo ma quỷ trên phố Fleet, Những người khốn khổ… đều thành công về mặt chuyên môn và được sự đón nhận của công chúng. Vì thế, việc thể hiện kịch bản sân khấu cải lương theo ngôn ngữ điện ảnh cũng là điều hoàn toàn có thể.


Cảnh trong phim truyện cải lương Bài ca giữ nước. Ảnh: Minh Hoàng

Video cải lương ngày trước chỉ là quay ngoại cảnh một kịch bản cải lương. Ngoài việc sử dụng ngoại cảnh ra thì cách dàn dựng, cảnh quay của video đều đặc trưng sân khấu với chủ yếu là các khung hình toàn cảnh, trung cảnh, chuyển cảnh theo lớp lang bản dựng sân khấu. PTCL lại sử dụng thủ pháp điện ảnh với các góc máy cận, cắt cảnh nhiều, chú trọng hiệu ứng hình ảnh. Người nghệ sĩ cũng tiết chế diễn xuất so với trên sàn diễn mà nhập vai như một diễn viên điện ảnh.

Nếu video vẫn tạo cảm giác cho khán giả như xem một vở cải lương đúng nghĩa thì PTCL lại là một bộ phim có chen ca cải lương. Nếu cắt bỏ phần ca hoặc chuyển lời ca thành lời thoại thì đây hoàn toàn trở thành một bộ phim bình thường.

Không thể phủ nhận rằng đây là một nỗ lực nhằm “làm mới” cải lương, cố gắng xóa bỏ ấn tượng về sự cũ kỹ, nhàm chán mà sân khấu cải lương đã thể hiện nhiều năm qua. So với video, PTCL rất thu hút ở phần nhìn với phần hình ảnh được chăm chút, những cảnh quay đẹp mắt đúng chất “cine”. Phần thoại được thu trực tiếp (thay vì chỉ nhép theo băng như video) cũng khiến nghệ sĩ tập trung diễn xuất hơn. Nhiều nghệ sĩ cho biết việc thu tiếng trực tiếp, được thoại thoải mái không phải canh tiếng theo băng giúp họ dễ nhập vai, diễn xuất có cảm xúc hơn hẳn lúc chỉ là “máy nhép”.

Vẫn chỉ là sự lai ghép thiếu tự nhiên

Tuy nhiên, khán giả dường như không mấy đồng cảm với sự “thoải mái” của nghệ sĩ. Vì dù là thoại trực tiếp nhưng phần ca vẫn phải thu tiếng trước để nhép thì làm sao cân bằng được cảm xúc giữa hai phần ca và thoại? Chưa kể,  nếu xử lý kỹ thuật âm thanh không khéo thì độ “lệch tông” giữa âm thanh phòng thu của phần ca và âm thanh trực tiếp từ phần thoại thực sự gây khó chịu, phản cảm cho người xem.

HTV hiện duy trì phát sóng PTCL mỗi tháng một lần vào sáng thứ Bảy tuần cuối cùng trong tháng. Tương tự, kênh thuần Việt của HTVC cũng chỉ dành sóng cho PTCL vào trung tuần mỗi tháng. Từ tháng 7/2011, SCTV7 cũng khai sinh chương trình Giờ vàng phim truyện cải lương vào 19h30 hàng ngày nhưng cũng đuối dần, phải dãn sóng ra hàng tuần (và cũng thường xuyên phát lại phim đã lên sóng).
Trong khi kịch bản cải lương lời thoại thường chắt lọc, ngắn gọn và nhanh chóng dẫn vào lời ca thì để đúng chất phim, PTCL thường kéo dài, thêm thắt phần thoại cho nhân vật có “đất diễn”. Vì thế có thể bắt gặp cảnh các nhân vật nói qua nói lại suốt 15 phút mà không hề ca – hoàn toàn xa lạ với đặc trưng nghệ thuật cải lương.

Với tình hình sân khấu cải lương hiện nay thì bất cứ sự sáng tạo, thử nghiệm nào cũng là đáng quý. Nhưng thay vì có những kịch bản mới được sáng tác riêng phù hợp với hình thức này thì các đài chủ yếu lại đưa hàng loạt tác phẩm kinh điển như: Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Bão táp Nguyên Phong, Tô Hiến Thành xử án, Nửa đời hương phấn… lên phim. Đây đều là những chuẩn mực sân khấu được xem là hoàn hảo trong từng lớp diễn mà nếu dựng mới trên sân khấu đã khó thì việc bị chỉnh sửa, cắt ghép để đưa vào một thể loại lai ghép thì không thể gọi là “làm mới” mà chỉ là sự “phá hoại”.

Và ý kiến thẳng thừng của đạo diễn Vũ Minh, một khán giả trung thành của nghệ thuật cải lương, về cái gọi là “phim truyện cải lương”: “Phim là phim, cải lương là cải lương. Ai mà đem trộn lẫn lại như thế? Coi mà ức chế!” cũng là điều dễ hiểu!

Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm