18/12/2016 14:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Kim Ki Duk là nhà làm phim Hàn Quốc, song dường như ông nổi tiếng ở hải ngoại hơn thông qua những bộ phim của mình. Qua các tác phẩm điện ảnh, Kim Ki Duk muốn nêu bật những gì chung của loài người.
Có điều, theo Ủy ban Điện ảnh Hàn Quốc, phim Stop mới chỉ đón được 241 lượt người xem, còn phim Pandora đã đón được 1,78 triệu lượt người và đang đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu ở xứ kim chi.
Nhưng thật không công bằng khi so sánh lượng vé bán ra giữa hai bộ phim mới của Kim Ki Duk, bởi Stop chỉ được dàn dựng với số kinh phí vỏn vẹn 10 triệu won (8.541 USD), chỉ được trình chiếu tại một hãng phim độc lập và phát hành trên IPTV, trong khi phim Pandora được làm với kinh phí 10 tỷ won (8,5 triệu USD) và có mặt tại các rạp chiếu khắp Hàn Quốc.
Đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk
Kim Ki Duk vừa có cuộc chuyện trò với báo giới. Ông nói về cuộc sống ở Pháp, New York, Los Angeles và ở Almaty (Kazakhstan), nơi ông tìm thấy những chất liệu vô cùng thú vị cho dự án điện ảnh mới.
* Phải chăng tính triết lý trong các bộ phim của ông là nguyên nhân chính để giải thích tại sao phim của ông nhận được sự chú ý ở hải ngoại hơn?
- Nhiều nhà báo nước ngoài hỏi tại sao phim của tôi được yêu thích ở hải ngoại hơn ở Hàn Quốc. Tôi phải nói rằng, bởi vì những câu chuyện của tôi dựa vào những gì chung của loài người. Có nghĩa là đất nước nào cũng đều quan tâm tới dân tộc của mình. Nhưng người Hàn Quốc có niềm tự hào mạnh mẽ hơn khi được dạy mình vượt trội hơn các dân tộc khác.
Song khi đi và quan sát khắp thế giới, tôi nhận thấy mỗi quốc gia đều có nét độc đáo riêng và tôi thích đưa những yếu tố đó vào các bộ phim. Phim của tôi được đón nhận ở khắp thế giới, ở Nam Mỹ, Nga và Trung Quốc, có lẽ do trong các câu chuyện tôi đào sâu vào những gì chung của loài người.
* Khi làm phim về thảm họa có rất nhiều ví dụ để ông có thể chọn lựa. Vậy tại sao ông lại chọn thảm họa hạt nhân Fukushima?
- Hiện chúng ta đang phải chịu sự đe dọa từ nhiều thảm họa như bão, động đất có cường độ mạnh và bão tuyết. Song mức độ thiệt hại và số nạn nhân trong vụ nổ của một nhà máy điện hạt nhân lại là chuyện khác hẳn. Chúng ta chưa hiểu được hết những tác hại mà rò rỉ phóng xạ gây nên. Nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc đang ngày càng phát triển các nhà máy điện hạt nhân, trong khi nhiều nước như Mỹ đang dựa vào điện hạt nhân. Tôi muốn ngăn chặn thực tế đó thông qua bộ phim của mình.
Phim Stop không chỉ chiếu cho khán giả Hàn Quốc, mà hướng tới công chúng toàn cầu. Đó chính là lý do tại sao câu chuyện trong phim diễn ra ở Nhật Bản và phim có sự tham gia của một số diễn viên xứ hoa anh đào.
Cảnh trong phim "Stop" của Kim Ki Duk
* Ông có những thế mạnh gì khi quay một bộ phim về thảm họa?
- Thành thực mà nói quay phim về đề tài thảm họa cực kỳ khó. Tôi cảm thấy bối rối khi nói rằng đây là một bộ phim về thảm họa. Ban đầu, tôi sử dụng đồ họa máy tính trong cảnh quay về một tòa tháp bằng thép đổ sụp ở Tokyo, nhưng sau đó đã bỏ vì thấy không chuyên nghiệp.
Bởi vậy, tôi quyết định biến nó thành phim chính kịch, thay vì đề cập những thiệt hại kinh tế và những tổn hại khác, tôi mô tả sự thay đổi tâm lý của một con người, khi những rò rỉ hạt nhân từ vụ nổ một nhà máy điện hạt nhân đã ảnh hưởng tới người đó như thế nào, đặc biệt là ảnh hưởng tới gen.
* Ông muốn nghe được phản ứng gì từ phía khán giả?
- Với phim Stop, tôi đã được mời tham gia LHP Yubari ở Nhật Bản và đã được chuyện trò với khán giả địa phương. Họ biết bộ phim của tôi được làm với kinh phí thấp và có một số chỗ cần phải được chỉnh trang song họ không nói tới chuyện đó nhiều mà họ thấy lạc quan khi có một đạo diễn Hàn Quốc làm phim về một thảm họa xảy ra ở Nhật Bản, trong khi các nhà làm phim Nhật Bản lại không đụng chạm tới. Họ hy vọng phim sẽ được chiếu rộng khắp Nhật Bản.
* Các bộ phim của ông chủ yếu xoáy đến tâm lý của các nhân vật chính. Tại sao vậy?
- Tôi làm phim đã 20 năm nhưng tất cả đều là những câu chuyện về con người. Tôi sẽ vẫn làm phim theo cách đó chừng nào tôi vẫn phải tự đầu tư cho những bộ phim của mình. Tôi không thể chi quá nhiều tiền cho phần kỹ xảo điện ảnh hay nghệ thuật.
Song cách tạo cảm xúc của nhân vật một cách có ý nghĩa có lẽ là cách duy nhất để phát triển một bộ phim mà không cần có nguồn đầu tư lớn. Nếu phim không có kịch tính hay câu chuyện thì nó không có giá trị là một bộ phim. Vì vậy khi xem phim của tôi các bạn sẽ nhận được thông điệp của tôi.
* Phim của ông thường có những cảnh đáng sợ và khó chịu. Tại sao ông liên tục làm phim theo cách đó?
Trong 20 năm làm phim, Kim Ki Duk đã tung ra 22 bộ phim, trong đó có Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân, phim đậm triết lý Phật giáo từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế; 3-Iron, phim đoạt giải Sư tử Bạc cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Venice lần thứ 61 và Pieta, phim đoạt giải Sư tử Vàng tại LHP Venice lần thứ 69. |
Trong xã hội có quá nhiều những bộ phim làm chiều lòng khán giả. Nếu phim của tôi chỉ có một số ít khán giả xem, tôi muốn làm những bộ phim mà khi xem họ có thể đồng cảm. Tôi có thế giới riêng trong các bộ phim của mình và nó là trọng tâm của câu chuyện. Mọi người có thể hiểu các câu chuyện của tôi theo cách khác nhau qua thời gian và khi họ xem lại phim.
* Điều gì quan trọng nhất đối với ông khi làm phim?
Sự thật. Kim Ki Duk là Kim Ki Duk. Khi nào tôi làm phim theo thị hiếu của khán giả và thị trường, có dàn diễn viên nổi tiếng thì tức là tôi đã biến mất và sự thật của tôi không có trong phim. Tôi muốn nói rằng, trong các bộ phim của mình, tôi chỉ nghe thấy nhịp đập trái tim của tôi.
Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất