Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Lúc này, điện ảnh Việt Nam không cần sự an ủi

03/12/2012 14:00 GMT+7 | Phim

 

(lienminhbng.org) - Từng mang dự án phim đầu tay: Đập cánh giữa không trung lúc còn ở dạng kịch bản tới nhiều LHP quốc tế trên thế giới, Nguyễn Hoàng Điệp - giải thưởng Tài năng trẻ xuất sắc nhất Trại sáng tác do Hiệp hội Điện ảnh Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trao tặng tại LHP Quốc tế Hà Nội - trò chuyện thẳng thắn về LHP vừa diễn ra.

Nguyễn Hoàng Điệp sinh năm 1982, không phải là cái tên xa lạ của làng điện ảnh - truyền hình (với vai trò đạo diễn của Chít & Pi, Bộ tứ 10A8…) và được kỳ vọng là đại diện một thế hệ đạo diễn trẻ tiếp theo của điện ảnh Việt. Dự án phim đầu tay của Nguyễn Hoàng Điệp: Đập cánh giữa không trung sau khi chu du qua LHP Cannes, LHP Berlin, và mới nhất là nhận 50.000 euro tài trợ từ World Cinema Fund, dự kiến sẽ bấm máy vào 2013.

* Tôi không cảm thấy bất ngờ khi chị giành giải Tài năng trẻ xuất sắc tại Trại sáng tác của LHP Quốc tế Hà Nội. Nhưng hơi băn khoăn vì đáng lẽ chị phải đi xa hơn thế rồi, chứ không chỉ dừng ở hạng mục phim ngắn hay trại sáng tác?

- Tôi thì nghĩ không có gì là băn khoăn. Hai, Tư, Sáu (phim của Nguyễn Hoàng Điệp dự thi hạng mục Phim ngắn của LHP Quốc tế Hà Nội - PV) từng đến Cannes cùng với dự án Đập cánh giữa không trung hay được mời tới một LHP khác ở Paris. Còn ở LHP Quốc tế Hà Nội, đây là lần đầu tôi gửi phim dự thi. Lý do rất đơn giản: Muốn phim được chính thức chiếu rộng rãi.

Nói rằng phim của tôi đi các LHP quốc tế thì khi dự LHP ở ngay Việt Nam nó phải được giải, đó không phải suy nghĩ của người làm phim. Thậm chí, ngay ở sân nhà, phim của tôi còn không có lợi thế về mặt địa lý nếu so sánh với việc gửi đến một nước mà điện ảnh Việt Nam còn xa lạ.

* Từng tham dự nhiều LHP trên thế giới, chị nhận xét thế nào về LHP quốc tế của VN?

- Tôi nghe một thông tin ngoài lề, tiền đầu tư cho LHP này là hai tỉ đồng thì phải. Một số bạn bè quốc tế đến LHP năm nay có vài lời băn khoăn tại sao nó thế này, thế khác hay khó tính hơn thì phàn nàn. Nhưng khi nghe tôi nói rằng LHP này được tổ chức với số tiền, trong một hoàn cảnh và với tổng nhân lực như vậy, họ choáng váng. Vì số tiền ít ỏi đó ở nước ngoài chỉ có thể tổ chức một hạng mục mà thôi.

Xét một cách công bằng, LHP Quốc tế Hà Nội không thua kém bất kỳ LHP nào đó trong khu vực. Những LHP mà mọi người đang lấy ra so sánh là LHP lâu năm và có nguồn kinh phí dồi dào. Thực tế, tôi đã từng tham dự những LHP quốc tế quy mô nhỏ, rất đơn giản. Nếu từng đến một LHP trong lòng Paris thì chị ngạc nhiên khi nó không có thảm đỏ, chỉ khai mạc bằng sâm-banh, và ăn mừng bằng pháo giấy, thế nhưng tôi và nhiều người khác đều yêu nó.

Ở LHP Quốc tế Hà Nội, tôi bắt gặp áp lực của nhà tổ chức về việc hình thức cũng phải đủ đầy, chuyên nghiệp? Nếu được ước, tôi ước LHP này nhỏ hơn.

* Và đi vào thực chất hơn?

- Tôi đánh giá LHP này khá thực chất, nhất là Trại sáng tác.

* Ban đầu Điều lệ LHP Quốc tế quy định: Phim truyện dự thi phải chưa từng tham dự bất kỳ LHP quốc tế nào ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau đó “chuẩn” này hạ xuống là chưa từng tham dự bất kỳ LHP quốc tế nào ở khu vực Đông Nam Á. Việc hạ chuẩn này khiến người ta nghĩ rằng, LHP Quốc tế HN thiếu phim?

- Bất kỳ LHP quốc tế nào cũng muốn tạo dấu ấn. Họ ra quy chế nhằm bảo vệ tiêu chuẩn bằng mọi cách. Những LHP hàng đầu trên thế giới cực kỳ khắt khe trong những tiêu chuẩn này. Phim dự thi phải chưa từng chạm chân tới bất kỳ LHP nào. Cái khó nhất của LHP Quốc tế Hà Nội là nó còn quá mới. Nếu mới mà đặt ra nhiều tiêu chuẩn thì khó mở đường hay thu hút được nhiều phim chất lượng.

Theo tôi, việc hạ chuẩn nói trên là hạ chuẩn thông minh. Khi nào ta mạnh như những LHP hàng đầu khu vực như Busan lúc đó sẽ đưa ra những quy định khó hơn. Tôi không theo dõi LHP lần thứ nhất nên không thể nhận xét có hệ thống về chất lượng phim. Nhưng phải nói rằng phim năm nay đa dạng về mặt quốc tịch. Thực tế, nhiều nước khi tổ chức LHP quốc tế phải tận dụng phim nội địa. Nhưng điều đó không xảy ra ở LHP của ta. Vì thế, nó là sân chơi công bằng và rộng mở. Đó là ấn tượng tốt nhất ở LHP.

Duy chỉ có điều băn khoăn, đó là giải thưởng của BGK trao cho Thiên mệnh anh hùng. Với thông tin phản ánh trên báo chí, tôi hiểu đó là giải an ủi hoặc giải giao hữu. Nhưng nếu như thông lệ ở LHP quốc tế, giải này được đánh giá cao như một giải nhà nghề dành để tôn vinh tính cá nhân và không lệ thuộc vào bất cứ tiêu chí nào của giải thưởng.

* Việc BTC xếp giải này ở vị trí thứ hai từ dưới lên khiến người ta ngầm hiểu nó là giải… phụ. Chính đạo diễn Jan Schuette - Chủ tịch BGK- đã trả lời báo TT&VH rằng đó là giải thưởng nhằm khuyến khích những sáng tạo mới lạ. Chị có bất ngờ khi "Thiên mệnh anh hùng" giành giải này?

- Vâng. Tôi đã xem Thiên mệnh anh hùng và tôi bất ngờ khi phim được giải của BGK. Điều đó cho tôi biết rằng, LHP không phải nơi treo biểu ngược chiều với phim thương mại.

* Và được trao giải để an ủi điện ảnh Việt Nam?

- Tôi không cho rằng điện ảnh VN cần an ủi. Đó không phải là thái độ ngạo mạn hay cáu giận nhưng theo tôi, điện ảnh Việt Nam cần sự thật, cần sự thẳng thắn, biết mình là ai, đang đứng ở đâu một cách sòng phẳng và trung thực…

* Nếu trả lời cho tất cả các băn khoăn trên, chị sẽ nói gì?

- Tôi quá trẻ để trả lời tất cả. Những gì tôi quan sát được ở điện ảnh không nhiều, hơn nữa, số phim ra rạp mỗi năm cũng không quá hai bàn tay. Ngay cả như vậy thì không có nghĩa chúng ta cần an ủi. Trong vài năm, có một số phim đến với những LHP hạng A, như: Chơi vơi, Bi, đừng sợ, Tâm hồn mẹ… Nhưng điều đó không đủ để có một kết luận. Nhìn một phim có mặt ở LHP nào đó rồi vội kết luận là tín hiệu đáng mừng. Như thế là quá sớm, vì chúng ta cần nhiều thời gian hơn thế.

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm