13/01/2015 14:03 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Thị trường đĩa hài Tết nhiều năm vẫn bị khán giả khó tính nhận xét là nhảm, là nhạt hoặc cố chọc cười khán giả. Thế nhưng, “trùm hài đất Bắc” - đạo diễn Phạm Đông Hồng - lại đang có ý tưởng mang phim hài chiếu rạp. PV Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với đạo diễn không chỉ về phim hài...
Gần hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng đã có trên chục phim hài tung trailer chờ ngày ra mắt: Quan trường - Trường quan; Lắp ghép vợ chồng; Thế mới sướng; Đại gia chân đất 2015; Cưới nhanh kẻo Tết...
* Các nhà sản xuất, đạo diễn phim hài Tết năm nay có vẻ đã biết tận dụng thế mạnh của internet để quảng bá sản phẩm trên mạng. Còn ông - đạo diễn của ba bộ phim hài Tết - đã chuẩn bị ra sao?
- Các đĩa hài Tết của chúng tôi vẫn theo truyền thống phát hành dưới dạng DVD trước Tết nguyên đán vài tuần. Riêng đĩa hài Thần kê, Thánh cẩu (làm theo đơn đặt hàng của một tập đoàn) thì phát hành chủ yếu bằng hình thức tặng kèm khách hàng. Hai đĩa còn lại là Chôn nhời 2 và Quan trường - Trường quan.
Trong đó, đặc biệt nhất là: Quan Trường – Trường quan dài 100 phút, được sản xuất với quy mô như một phim chiếu rạp. Quá trình quay phim áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như Flycam. Và đây cũng là phim hài được đầu tư cao nhất từ trước tới nay.
* Với quy mô lớn vậy, tại sao ông không mang chiếu rạp?
- Đây là điều tôi trăn trở. Nhưng phải nói thật, với phim chiếu rạp, yếu tố quan trọng nhất là thị trường. Tôi đã đi khảo sát thì thấy rằng 70% doanh thu là ở thị trường TP.HCM, 30% còn lại là Hà Nội và các tỉnh lân cận. Do vậy, các hãng phim ở TP HCM mới làm phim chiếu rạp. Nhiều người bảo phim của Thái Hòa hay, là “vua phòng vé”, nhưng “ăn” là 70 % doanh số ở trong đó, còn ở phía Bắc thì cũng chưa chắc.
Làm phim chiếu rạp phải có sự ủng hộ của các “ông chủ rạp”, đó mới là điều quan trọng. Năm ngoái, tôi đã đưa phim của mình chiếu trên toàn bộ hệ thống rạp HD ở 63 rạp trên toàn quốc, thì thấy chưa hiệu quả. Bởi vậy, tôi đang tìm đối tác để biến phim chiếu rạp thành cuộc chơi chung, có các ông chủ rạp góp cổ phần vào thì may ra mới ăn thua...
* Trở lại câu chuyện đĩa hài Tết. Ông cạnh tranh thế nào với đĩa lậu bán tràn lan ở “chợ giời” và đặc biệt là phát tán luôn trên mạng?
- Chúng tôi đau đầu bao nhiêu năm vì tác phẩm bị in lậu, bị xài chùa. Nhưng nhìn chung tôi dám tự tin vào những đĩa hài của tôi, dù 5 năm trở lại đây doanh số bán hàng của chúng tôi có tụt giảm vì người ta xem trên mạng. Nhưng không riêng chúng tôi, các hãng khác cũng thế. Tuy nhiên, từ năm nay, chúng tôi đã ký hợp đồng với một công ty quản lý các phim hài của chúng tôi trên Youtube. Nếu thành công, từ năm sau, chúng tôi sẽ đi theo hướng đó. Tôi cũng rất tự tin vì phim của tôi được các kênh truyền hình đăng ký mua để phát sóng trong dịp Tết nguyên đán.
* Mấy năm gần đây người xem bắt đầu “ném đá” vì có nhiều đĩa hài nhảm, rồi “ít hài nhiều quảng cáo”... và bản thân ông cũng đã bị những khán giả khó tính “soi”?
- Đúng vậy, trước kia ít người làm, giờ hình thành một… cái chợ. Nhưng tôi nghĩ, thị trường thì phải thế, ai làm không tốt không tồn tại được lâu dài. Nhưng có nhiều người làm không phải để kinh doanh mà để in lậu càng nhiều đĩa càng tốt, phát tán được bao nhiêu tốt bấy nhiêu bởi sản phẩm họ làm có quảng cáo vào nội dung phim, hình ảnh quay không đẹp, thậm chí phim cũng không cần giấy phép...
Là chủ doanh nghiệp, lại làm đạo diễn, nhưng nhiều khi vì lợi nhuận chúng tôi cũng phải nhận những hợp đồng như thế, nhưng với tư cách cá nhân tôi không làm. Thà rằng làm đạo diễn đơn thuần đi nó lại khác, kinh doanh mà... Bởi thế người xem cũng phải thông cảm với doanh nghiệp, khó khăn lắm mới có nhà tài trợ để làm phim, nhưng quan trọng là người đạo diễn có bản lĩnh để lái phim sao cho khéo, cho hấp dẫn mới tồn tại được...
* Xin cảm ơn ông!
Hoa Chanh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất