07/11/2023 07:28 GMT+7 | Giải trí
Phim Người vợ cuối cùng do Victor Vũ làm đạo diễn đã ra rạp từ cuối tuần qua (3/11) và bước đầu gây sốt phòng vé. Đáng nói, phim đánh dấu sự trở lại của Victor Vũ sau hơn 1 thập kỷ với dòng phim cổ trang, kể từ Thiên mệnh anh hùng (2012).
Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Victor Vũ cho biết:
- Hơn 10 năm nay tôi đã dành nhiều tâm sức cho những dự án khác, như Scandal, Quả tim máu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Người bất tử, Mắt biếc. Nhưng trong thời gian đó tôi luôn luôn tìm đề tài cho một phim cổ trang, vì đây cũng là một thể loại tôi rất đam mê - một thể loại để khai thác yếu tố văn hóa Việt Nam một cách trực tiếp nhất.
* Vậy đâu là những thuận lợi và khó khăn khi anh làm "Người vợ cuối cùng"?
- Thể loại cổ trang có rất nhiều thử thách và đòi hỏi sự đầu tư lớn, không chỉ về phục trang, mà còn ở phần bối cảnh và thiết kế mỹ thuật. Do vậy, cơ hội và điều kiện để làm phim cổ trang cũng khá đặc thù. Nhưng khi đọc tiểu thuyết Hồ oán hận của tác giả Hồng Thái, tôi thấy việc thực hiện bộ phim này rất khả thi.
Trước hết, câu chuyện hoàn toàn hư cấu, gói gọn trong một ngôi làng ven hồ và một thị trấn nhỏ. Trong quá trình khai thác kịch bản và chuẩn bị cho dự án, chúng tôi phải tham khảo rất nhiều tài liệu, sách vở và làm việc với một số nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa. May mắn, những người cố vấn - kể cả tác giả Hồng Thái - rất nhiệt tình và tâm huyết, để giúp đưa ra những quyết định tốt nhất cho dự án.
Đặc biệt, anh Ghia Ci Fam, Giám đốc mỹ thuật và phụ trách phục trang cho bộ phim, là người rất tỉ mỉ, cầu toàn và đam mê tìm tòi để phim có vẻ đẹp độc đáo nhưng vẫn tôn vinh những nét đẹp của bản sắc dân tộc Việt Nam. Trong nguyên tác, câu chuyện xảy ra vào đầu thế kỷ 19, nhưng tôi và anh Ghia đã mạnh dạn chuyển sang bối cảnh giữa thế kỷ 19 để có nhiều nguồn tư liệu hơn, đồng thời đó cũng là thời kỳ có sự phát triển văn hóa phong phú hơn.
Một may mắn nữa: Chúng tôi chọn được hồ Ba Bể là bối cảnh để phục dựng làng Cua Ngộp trong phim. Đó là nơi vừa đẹp hoang sơ, vừa đầy chất thơ, rất hợp với câu chuyện. Trong quá trình quay, thời tiết luôn luôn hoàn hảo một cách kỳ lạ. Khi nhân vật khấp khởi hy vọng, cần cảnh nắng là có nắng, còn khi tâm trạng buồn, cần sương mù là có sương mù (cười). Cộng thêm sự ủng hộ chân tình từ chính quyền và người dân Bắc Kạn, Hà Nội, Đắk Nông, chúng tôi như có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa vậy.
* Gần đây, khán giả thường "soi" rất kỹ những bộ phim có yếu tố văn hóa truyền thống, đặc biệt là về trang phục hay bối cảnh. Phim "Người vợ cuối cùng" phần nào cho thấy rõ sự dụng công trong việc thiết lập không gian văn hóa của người Việt xưa, trong từng nếp áo, khung nhà, mâm cỗ… Hẳn anh và các cộng sự đã phải nghiên cứu rất kỹ để không xảy ra sai sót?
- Đây cũng là lý do tôi và anh Ghia Ci Fam đã có tới 4 nhóm cố vấn khác nhau. Mỗi bên có thế mạnh riêng: Có người chuyên về cổ phục, người chuyên về ngôn ngữ, văn hóa hay lịch sử. Và sẽ có những trường hợp trong lúc nghiên cứu, một số thông tin không khớp với nhau, nên cần kiểm tra "chéo" để đưa ra những quyết định phù hợp nhất cho bộ phim.
* Có ý kiến cho rằng "Người vợ cuối cùng" được anh chăm chút tối đa phần nhìn với những cảnh quay đẹp đẽ, tinh tươm nhưng lại chọn "an toàn" trong khâu kịch bản. Ý kiến của anh?
- Mong muốn của tôi từ ban đầu là mang đến cho khán giả một câu chuyện giàu cảm xúc và đậm chất Việt Nam. Lần này, tôi không muốn dựa vào yếu tố giật gân hay những plot twist (bước ngoặt bất ngờ) để kể câu chuyện, mà muốn tập trung vào việc xây dựng đường dây cảm xúc của 2 nhân vật chính.
* Thường trong những bộ phim của anh đa phần anh chọn diễn viên mới, trẻ, không cần tới những ngôi sao phòng vé. Vậy hẳn anh phải có lý do khi chọn Kaity Nguyễn vào vai Linh trong "Người vợ cuối cùng"?
- Thật ra, có những dự án trước đây tôi cũng mời diễn viên tên tuổi. Có thể nói, diễn viên mới hay không mới, không quan trọng. Trong việc chọn diễn viên, tôi không chỉ cần một diễn viên hợp vai, tôi còn muốn tạo ra sự bất ngờ và đột phá. Kaity chắc chắn là một lựa chọn thú vị, vì vai mợ Ba Linh trong Người vợ cuối cùng là hoàn toàn khác so với những vai diễn cô trước đây. Đó là một sự phá cách của bộ phim.
* Câu hỏi cuối: Anh thấy gì từ văn hóa đi xem phim của khán giả Việt Nam ngày nay? Và theo anh, điện ảnh Việt Nam cần những gì để trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn?
- Tôi nghĩ khán giả càng ngày càng kỹ tính hơn khi chọn xem phim ở ngoài rạp. Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng vậy. Điều này sẽ tạo áp lực lớn cho nhà làm phim và nhà sản xuất.
Nhìn chung, những tác phẩm điện ảnh có thể thật sự thu hút người xem luôn cần được đầu tư nghiêm túc, không chỉ ở khâu sản xuất, mà từ khâu ý tưởng và nội dung kịch bản. Nhà làm phim cũng cần được tạo điều kiện để có thể khai thác những nội dung đa dạng và gai góc một cách trọn vẹn nhất.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đôi nét về "Người vợ cuối cùng"
Người vợ cuối cùng xoay quanh nhân vật Linh (Kaity Nguyễn) - người vợ thứ ba của một viên quan tri huyện. Giữa những tủi nhục của phận làm vợ lẽ nhà hào môn, Linh gặp lại Nhân (Thuận Nguyễn) - người yêu thời thanh mai trúc mã - và kể từ đó dẫn đến nhiều biến cố cho cuộc đời...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất