Đảo giấu vàng?

29/12/2015 13:54 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Ăn mày, chủ thầu xây dựng, cao bồi màn bạc hay tổng thống Mỹ - tất cả đều từng vác cuốc xẻng tìm đến hòn đảo nhỏ xíu Oak Island ở Canada để tìm may mắn. Từ 220 năm nay. Dù ít ai biết rõ tìm gì. Thế mới biết cái gọi là “vật chất thấp hèn” có sức thu hút con người ra sao.

Nếu tin vào những lời đồn đại

… thì mọi chuyện bắt đầu với ba thằng bé và một chiếc thuyền độc mộc ở vùng đất hôm nay là tỉnh Nova Scotia. Vào một ngày xấu trời năm 1795, giữa đêm thì đúng hơn, chúng nhìn thấy những quầng sáng bí hiểm trên đảo Oak, một trong 360 hòn đảo nhỏ phủ đầy cây xanh thuộc một quần đảo trong vịnh Mahone thuộc Đại Tây Dương. Chúng chèo thuyền ra đó và phát hiện ra một hố đất lấp sơ sài giữa một khoảng trống trong rừng, và quan trọng hơn cả là một hệ thống tời buộc trên cây sồi già.  


Từ tháng 1/2014 vụ tìm vàng ở đảo Oak được truyền trực tiếp trên màn ảnh nhỏ

Dĩ nhiên là cả ba đứa hì hục đào, và chẳng mấy chốc phát lộ một đường ống nhỏ, tuy nhiên đường ống đó sau vài mét bị chặn bởi nhiều thanh gỗ sồi, đá tảng, các mạch trát kín bằng xơ dừa. Rõ ràng có ai đó chủ tâm bảo vệ một báu vật ẩn kín dưới gốc sồi già. Trí tưởng tượng tiếp sức cho ba thằng bé đào tiếp vào những ngày sau đó. Ở độ sâu 30 mét chúng phát hiện ra tảng đá với những ký tự kỳ lạ, không ai giải mã nổi.

Đến đây là truyền thuyết kết thúc, và ai muốn tin thì tùy, vì đó chỉ là một trong vô số truyền thuyết được phát tán ở xứ này và thậm chí ngày càng được thêu dệt thêm từ hai thế kỷ qua. Hai thế kỷ không ngừng tiếng cuốc xẻng xào xạo xuyên vào lòng đất, tiếng máy khoan, tiếng mìn nổ hướng đến một kho báu mà chẳng ai biết rõ nó là gì. Nhưng những kẻ phiêu lưu hoặc có trí tưởng bở bay bổng thì không thể tuyệt chủng, và ai cũng tin là có kho báu nào đó trên đảo Oak kỳ bí.

Lý do quan trọng nhất

… khiến họ không bỏ cuộc là cấu trúc tinh vi bằng những lớp thảm xơ dừa không có nguồn gốc địa phương, nặng hàng tấn. Mỗi khi nước triều lên, lớp thảm ấy ở bờ nước phía Nam lại ngậm no nước và truyền từ từ vào hố, nghĩa là cứ qua đêm là hố lại ngập nước ở độ sâu 18 mét. Bên dưới mỗi lớp thảm còn có cả một hệ thống ống chằng chịt bằng đá. Nếu không có châu báu bên dưới, hà cớ gì phải bỏ công chế ra một cấu trúc bảo vệ tinh vi như vậy?


Không ai thống kê có bao nhiêu người đến đây thử vận may

Nhưng châu báu đó là gì thì mỗi người nghĩ một nẻo. Người thì phỏng đoán đó là nơi chôn cất chiến lợi phẩm của tướng cướp biển William Kidd khét tiếng. Người khác cho rằng dưới đất có kho tàng của cướp biển Blackbeard không kém phần lừng lẫy. Lại những người khác nữa cho rằng trị giá của kho báu dưới đó không ở dạng vật chất, mà chính là tập bản thảo viết tay của Sir Francis Bacon, cha đẻ chủ nghĩa duy vật Anh và cũng được coi là một trong nhiều tác giả thực sự viết ra kho tàng tác phẩm sân khấu mang tên Shakespeare (!?).

Những lời đồn thổi có cánh ấy

… thu hút vô số kẻ đào vàng ra hòn đảo Oak rộng 57 ha. Nhiều người trong số họ là thương gia như gia đình Frederick Blair. Cuối thế kỷ 19 họ kéo ra Oak Island sinh cơ lập nghiệp và ba thế hệ nối nhau đào bới. Cũng không hiếm người khuân kỹ thuật hiện đại ra đây để đánh bạc với số phận. Năm 1965 nhà địa chất học Robert Dunfield từ California chuyển một máy xúc gầu nặng 100 tấn đến công trường, để rồi thụt vào hố bùn vĩnh cửu ở độ sâu 40 mét. 


Bề mặt đảo ngày càng giống Mặt Trăng

Năm 1909 một nhóm thương gia New York chung tay lập Công ty Old Gold Salvage & Wrecking Company, trong đó có một cổ đông chính là Franklin D.Roosevelt. Vị này mất sạch tiền hụi vào vụ tìm châu báu, bù lại thì sau này trở thành Tổng thống thứ 32 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Cho đến khi bước chân vào Tòa Bạch ốc, Roosevelt cũng chưa hết mơ tưởng đến đảo giấu vàng: năm 1939, khi đi thăm Halifax, ông sai tàu thả neo trước đảo Oak để tận mắt theo dõi tiến độ cuộc chơi xổ số vĩ đại. Kế hoạch thăm thú bất thành vì Thế chiến II đang đến đỉnh điểm gay cấn.      

John Way, nổi tiếng với 50 năm đóng phim miền Tây hoang dã và đương nhiên không nghèo, cũng tham gia đầu tư vào Công ty Triton Alliance Ltd. của thầu xây dựng Daniel Blankenship. 1967 họ mua đứt cả đảo cho tiện bề đào xới tới tận 70 mét sâu và thả máy quay phim xuống dò.

Trên những thước phim lờ mờ

… có thể nhận ra ba hòm gỗ và một bàn tay người. Rất tiếc, theo lời Blankenship, dây cấp điện cho máy quay bị đứt và sau đó lỗ khoan bị bít kín nên không có chứng cứ. Năm 2005 họ bán lại bất động sản đầy rủi ro ấy vì hết tiền hoạt động.  

Dù cho đến nay chưa tìm được vàng bạc gì, song người ta cũng bắt được nhiều hiện vật lý thú như vũ khí thô sơ hồi thế kỷ 18 hay giấy bằng da thuộc từ thế kỷ 16. Oak Island là mồ chôn tiền triệu và 7 công nhân xấu số.

Về những nạn nhân này, người ta không bỏ lỡ cơ hội vẽ thêm truyền thuyết: một thầy mo da đỏ từng phán là phải chết đến 7 người thì mới tìm được kho báu! Nghĩa là cuộc truy lùng lại càng sôi nổi hơn. Từ tháng 5/2014 kênh truyền hình cáp History cử phóng viên đi theo từng người để làm phóng sự trực tiếp - có lẽ là đồng tiền đầu tiên kiếm được trên đảo Oak xưa nay.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm