09/07/2015 11:05 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - SLNA thể hiện phong độ không mấy ấn tượng ở VCK U17 QG 2015. Các đội bóng trẻ xứ Nghệ cũng không tạo được tiếng vang ở những giải đấu họ tham dự thời gian qua.
Hai HLV Nguyễn Phúc Nguyên Chương (PVF) và Nguyễn Thành Công (Viettel), những người trong cuộc lý giải gì về thực tế này?
HLV Nguyễn Phúc Nguyên Chương: “PVF không rút ruột tài năng trẻ Nghệ An”
“Tôi nghĩ rằng việc SLNA thi đấu không ấn tượng ở các giải trẻ thời gian qua là do sự trỗi dậy của các lò đào tạo trẻ, trong đó có PVF. Như tôi đã lý giải thành công của PVF trong thời gian gần đây là do chúng tôi có quân tốt, HLV có chuyên môn, yêu nghề, yêu trẻ, kinh tế ổn định, kế hoạch đúng đắn. Sóng lớp sau đè sóng lớp trước là bình thường.
Tại PVF hiện tại, trong số gần 200 học viên thì chỉ có vài cầu thủ gốc Nghệ An, còn lại là tập hợp của rất nhiều địa phương khác. Vì thế, sẽ là không đúng khi nói rằng do PVF rút ruột tài năng của Nghệ An nên khiến lò đạo trẻ này suy yếu. So với nhiều địa phương có đào tạo trẻ khác thì cách đào tạo cầu thủ của PVF bây giờ cũng tiên tiến hơn. Chúng tôi có nguồn lực cầu thủ đa dạng hơn, điều này đã là một sự khác biệt mà SLNA không có. Bạn cứ để ý từ ngày PVF ra đời năm 2009, SLNA cũng không phải là đối trọng quá lớn của chúng tôi. Đơn cử là những năm gần đây ở giải U17 QG, SLNA không có thành tích tốt như chúng tôi. Điều đó cũng nói lên hướng đi đúng đắn của PVF trong việc trồng người".
HLV Nguyễn Thành Công: “Đây là giai đoạn thoái trào”
“SLNA nổi lên với công tác đào tạo trẻ tốt từ đầu những năm 2000. Bóng đá Nghệ An cung cấp cầu thủ cho các CLB cả nước còn hiện tại, tôi nghĩ đào tạo trẻ SLNA đang thoái trào. Đây cũng là chuyện bình thường thôi vì mỗi CLB có một thời, trên thế giới cũng như thế thôi.
Lý do thì có lẽ nằm trong 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên là sự trỗi dậy của những lò đào tạo trẻ như PVF, Viettel, Hà Nội T&T, HAGL. Những cái tên này có tiềm lực kinh tế mạnh hơn hẳn SLNA và cách làm của họ rất tiên tiến. Kinh phí cho đào tạo trẻ của SLNA cũng không dồi dào như những lò đào tạo đó. Ngoài ra, SLNA cũng mất khá nhiều cầu thủ trẻ chất lượng sau khi những lò đào tạo khác đến đây tuyển người.
Nhưng tôi không nghĩ rằng SLNA sẽ đánh mất vị thế dẫn đầu trong đào tạo trẻ về lâu dài bởi ở đây vẫn duy trì được hệ thống đào tạo từ dưới lên rất căn cơ. Bóng đá Nghệ An được nhân dân yêu mến là thuận lợi cho việc trồng người. Như tôi đã nói, sau khoảng lặng mọi thứ có thể sẽ trở lại như trật tự cũ. Bóng đá Nghệ An vẫn giữ được bản sắc địa phương. Vì điều này nên có thể nhìn thấy đội 1 SLNA dù khó khăn ở V-League nhưng luôn luôn trụ được vững vàng.
Bản thân tôi là người Nghệ An, gia đình, người thân vẫn sinh sống ở Vinh nên có tình cảm đặc biệt với quê hương mình. Tôi đi tìm thử thách cho bản thân từ năm 2011 ở Hà Nội T&T cùng anh Văn Sỹ Hùng đào tạo trẻ cho đội bóng này. Sau đó đến Viettel để thử thách bản thân nhiều hơn nhưng nếu quê hương cần, tôi sẵn sàng trở lại trong tương lai để giúp phát triển bóng đá Nghệ An”.
Phan An (ghi)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất