Bóng đá Việt Nam: Khi giọt nước làm tràn ly

10/09/2015 10:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Trong Kinh Dịch, nguyên lý phổ biến của vũ trụ là Cùng Biến Thông Cửu: "Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu". Có nghĩa: một sự vật phát triển đến tột cùng thì phải thay đổi, chỉ khi thay đổi thì mới hanh thông, có hanh thông mới được trường cửu.

Giọt nước và chiếc ly đã đầy

Chúng ta cũng hay có câu: giọt nước làm tràn ly. Một chiếc ly không thể vô lượng, chắc chắn phải có một giọt nước cuối cùng có sứ mệnh làm tràn ly.

Tương tự như cuộc chiến giữa mới và cũ, lượng và chất. Tích lũy về lượng, sẽ làm biến đổi về chất. Một cuộc tranh đấu đúng nghĩa và không hẳn lúc nào cái mới, cái tích cực đã giành phần thắng.

Liệu bóng đá Việt Nam, đã ở giai đoạn chiếc ly kiên nhẫn của dư luận đã sắp đầy, chỉ chờ một vài giọt nước sẽ làm tràn cái ly đó?

Không nghiễm nhiên mà việc thắng Đài Loan (Trung Quốc), dư luận phàn nàn ghê gớm như thế. Đấy là một chuỗi thời gian (hơn một năm HLV Miura cầm quân) chờ đợi, hy vọng, chiêm nghiệm và nhận thức được một sự thật: sau hơn một năm, các ĐTQG không có biểu hiện của sự phát triển.

Đấy là đã trải qua 1 năm, 6 tháng, VFF nhiệm kỳ 7 đã điều hành nền bóng đá. Thử hỏi, chúng ta đã thấy được sự khác biệt gì, so với tiền nhiệm. Thành tích  ĐTQG và U23 QG cũng thế. V-League 2015 cũng thế.

Đại hội bất thường, tại sao không?

Người viết nghĩ, bóng đá Việt đang ở giai đoạn chiếc ly sắp đầy, sắp có “biến” rồi. Còn biến có thông, có cửu hay không, lại là chuyện khác. Nội bộ VFF đang phân tán, đấy là điều cảm nhận quá rõ, chính bầu Đức cũng nhiều lần ám chỉ điều đó.

Và mới nhất, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức đã tuyên bố chán nản bóng đá Việt. Ông đăng đàn chỉ trích HLV Miura là dở nhất trong lịch sử các đời thầy ngoại nắm ĐTQG và U23 QG. Rằng, còn HLV Miura thì bóng đá Việt không thể đi lên được. Rõ ràng, phản ứng của bầu Đức là một “giọt nước” rất to, có trọng lượng.

Một vết nứt lớn dài tới 56 km đã xuất hiện giữa sa mạc Afar của Ethiopia, có thể là giai đoạn đầu trong sự hình thành một đại dương mới. Cuộc đại phẫu bóng đá Việt Nam năm 2005, nên nhớ bắt đầu từ tin nhắn từ máy trọng tài Lương Trung Việt.

Một cuộc thay đổi lớn dẫn đến việc ra đời Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và nhân sự VFF nhiệm kỳ 7 được điều hành bởi doanh nghiệp, bắt đầu từ việc Hòa Phát Hà Nội bỏ giải, do bị trọng tài hạ gục ở sân Lạch Tray lượt về, V-League 2011. Chỉ tiếc rằng, các đợt “biến” đó không mang lại thành công như mong muốn.

Trong mỗi chúng ta, hẳn ai cũng nhận thức việc kêu gọi sự ủng hộ của toàn xã hộ tổ chức một “Hội nghị Diên Hồng” bóng đá thật nghiêm túc là tốt. Nhưng, với VFF liệu họ có mặn mà hay không?

Sau hơn năm rưỡi vận hành, tình hình bóng đá Việt Nam đang lao dốc không có dấu hiệu vãn hồi, lãnh đạo VFF đang có dấu hiệu ngãng ra (như bầu Đức đã nói nản), hoàn toàn có thể tổ chức Đại hội bất thường để tái cấu trúc và rà soát toàn bộ hoạt động của VFF.

Đại hội bất thường là chuyện bình thường mà bất cứ tổ chức nào cũng có quy định và hợp pháp. Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) VFF (Phê duyệt kèm theo Quyết định số 243/QĐ-BNV ngày 21/03/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ) quy định việc triệu tập Đại hội bất thường rất nhiều điều khoản.

Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào Điều 30, cũng có thể thực hiện Đại hội bất thường. “BCH triệu tập Đại hội bất thường khi có một trong các lý do sau: a) Có ít nhất 2/3 tổng số Ủy viên BCH hoặc ít nhất 1/2 tổng số thành viên đề nghị”.

Đến đây, sẽ gặp rắc rối ở chỗ, giả như một cuộc họp lấy ý kiến của các Ủy viên BCH (vốn bị coi là thích cầu an) để tiến hành Đại hội bất thường, e rằng số ủy viên tán đồng là không nhiều, dù biết là bóng đá nước nhà đã bê bết lắm rồi. Đấy mới là bi kịch!

Sợ hãi với sự thay đổi, hay thậm chí là sợ biến động lớn, chưa hẳn là tốt cho nền bóng đá lúc này.

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm