11/08/2016 07:08 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Điểm giống nhau giữa ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng- MTP với We don't Talk Any More có được xem là đạo nhạc? Phải giống bao nhiêu % thì được coi là đạo nhạc?
"Theo luật sở hữu trí tuệ, sẽ bị coi là đạo nhạc hoặc vi phạm bản quyền nếu như sao chép một phần, một đoạn hoặc toàn bộ. Vấn đề tranh cãi ở đây là: Thế nào gọi là một phần? Ngắn bao nhiêu thì được xem là một phần? Đây chính là nguồn cơn để các bên được cho là vi phạm bản quyền bám vào nhằm bác bỏ vi phạm.
Thực ra, trong kinh nghiệm thực tiễn xử lý vi phạm bản quyền thì vi phạm phát sinh khi copy hoặc chép một nội dung mà không phải tự nhiên mà ai cũng nghĩ ra được dù có ngắn đến đâu. Ví dụ như câu "giọt sương trên mí mắt". Câu này dù ngắn nhưng không dễ nghĩ ra được nên một ai khác copy cụm này mà không trích dẫn nguồn sẽ được coi là vi phạm bản quyền.
Tiếp, nếu ai từng trót được đi Tây học đều biết chỉ cần trong bài viết có một câu, một cụm từ trùng với một bài viết có trước rồi mà không trích dẫn nguồn thì cũng được xem là "đạo". Khi phát hiện nhẹ thì cho 0 điểm, nặng thì đuổi học.
Như vậy, có thể thấy chỉ bị coi là đạo nhạc nếu như trích dẫn mà không ghi chú nguồn gốc khiến người khác lầm tưởng đó chính là tác phẩm của người viết.
Luật sư Phạm Duy Khương
* Vậy sao quốc tế cư xử ra sao khi vướng vào đạo nhạc, thưa anh?
Vấn đề đạo nhạc vẫn nóng trên toàn thế giới, từ ca sĩ đạt giải Grammy hay những bài hát thuộc Top 1 Billboard cũng vướng phải cáo buộc đạo nhạc. Mỗi ca sĩ khi gặp phải tình huống này sẽ có cách cư xử riêng. Tôi có thể kể ra những trường hợp sau:
Vụ Sam Smith với "Stay With Me": Cho rằng là tình cờ.
Mặc dù chiến thắng giải Grammy cho bản thu âm và ca khúc của năm, Stay With Me bị cáo buộc có sự tương đồng về giai điệu giữa đoạn điệp khúc của Stay With Me và I Won’t Back Down (1989) của Petty và Jeff Lynne. Sam Smith cho rằng đây chỉ hoàn toàn là tình cờ. Tuy nhiên, sau đó Smith và công ty đồng ý chi trả một phần cho Petty và Lynne.
Vụ Robin Thicke và HLV The voice Pharrell Williams: Phủ nhận.
Tòa phán quyết rằng hai ca sĩ của ca khúc Blurred Lines sẽ phải bồi thường cho những người thừa kế của Marvin Gaye vì vi phạm bản quyền ca khúc Got to Give It Up. Khi làm chứng, cả Williams và Thicke đều thừa nhận giữa ca khúc của họ và Gaye có nhiều điểm giống nhau. Tuy nhiên, họ phủ nhận việc đánh cắp nhạc từ người cố nhạc sỹ này. Mặc dù vậy Toà vẫn yêu cầu cặp nghệ sỹ này trả 7,3 triệu USD.
Vụ George Harrison với “My Sweet Lord": Đạo nhạc một cách "vô thức".
My Sweet Lord được Apple phát hành và chiếm giữ vị trí số 1 trong 5 tuần liên tiếp. Tuy nhiên, rắc rối đã xảy ra liên quan đến bài hát He’s So Fine của Chiffons. Các thẩm phán cho hay mặc dù họ không cho rằng George Harrison cố ý ăn cắp ý tưởng nhưng về cơ bản, hai bài hát giống nhau, chỉ có sự khác biệt nhỏ ở phần hợp âm. George Harrison đã bị kết tội "đạo nhạc một cách vô thức" và khoản tiền phạt mà nam ca sĩ này phải nộp là 587,000.00 đô la Mỹ.
Như vậy, có thể thấy dù các ca sĩ bị cáo buộc có thừa nhận hay không việc đạo nhạc thì họ vẫn phải trả một khoản phí lớn cho những lỗi có thể được xem là "vô thức" này. Nếu không, uy tín và hình ảnh của họ sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Chính vì vậy, rất hiếm khi trên thế giới một ngôi sao nào vướng đến nghi ngờ đạo nhạc trên 1 lần. Đơn giản, họ sẽ tìm mọi cách để tránh vướng phải bằng cách nhờ nhiều chuyên gia nghe và đánh giá ca khúc trước khi chính thức phát hành. Sau đó, sẽ điều chỉnh nếu có ý kiến cho rằng có thể gặp vấn đề về bản quyền.
* Vậy còn trường hợp của Sơn Tùng – MTP?
- Đây không phải lần đầu tiên ca sĩ này mắc phải cáo buộc về vi phạm bản quyền và cái tên: "Ông vua đạo nhạc" cũng từ đây mà sinh ra.
Trở lại với những cáo buộc dành cho Sơn Tùng - MTP trong ca khúcChúng ta không thuộc về nhau. Đầu tiên là nói việc dùng hàng fake Gucci, tôi cho rằng cái này khó nói vì không có đủ cơ sở. Tiếp đến là đánh cắp ý tưởng ngã vào buồng tắm có thể là sự trùng lặp về ý tưởng. Tuy nhiên, những ý tưởng đơn giản như thế này không được bảo vệ bản quyền nên không thể cáo buộc ai đánh cắp một cái gì đó không thuộc sở hữu của riêng ai..
Vấn đề thứ 3 và gây tranh cái nhiều nhất là đạo nhạc: có thể thấy được sự tương đồng nếu như lắng nghe hai bài nhạc của hai bài hát Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng- MTP với We don't Talk Any More (https://www.youtube.com/watch?v=71TQuYad8R8).Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã lên tiếng bởi là họ chuyên gia nên sẽ biết có sự giống nhau về mặt nhạc hay không?!
Còn về mặt pháp lý nếu có sự giống nhau như vậy đã là cơ sở để xem là vi phạm bản quyền bất kể do vô thức.
* Thế thì những vụ như thế này có làm cho ra nhẽ được không, thưa anh?
- Đã đến lúc chúng ta cần phải lên tiếng mạnh mẽ đối với những hành vi đạo, copy, ăn cắp bản quyền. Đặc biệt, nếu như hành vi đó lại đến từ thần thượng của nhiều giới trẻ. Chúng ta đang tích cực kêu gọi các bạn trẻ tôn trọng bản quyền. Không “đạo văn” trong học đường để đẩy mạnh sáng tạo. Mục tiêu này sẽ khó đạt được nếu như nhìn ngay sang thần tượng cũng có hành vi không được đẹp.
Tuy nhiên, kết luận Sơn Tùng - MTP đạo nhạc không dễ bởi thực tế chưa ai đủ thẩm quyền về mặt pháp lý (thậm chí cơ quan chức năng, toà án, nhạc sĩ) để kết luận như vậy. Về mặt pháp lý, do đây là vụ việc dân sự nên chỉ khi có tiếng nói của chủ thể quyền bị xâm phạm thì cơ quan chức năng mới đủ thẩm quyền vào cuộc. Nói vậy để thấy, để làm trắng và đen vụ việc này không dễ.
Nhưng, dẫu chỉ là ước mơ, tôi vẫn ước mong sau nhiều cáo buộc một lần được làm trắng đen với Sơn Tùng khi vụ việc được mang ra toà như cách mà các trường hợp nêu trên đã làm được. Khi đó chúng ta biết gọi anh sao cho phù hợp: "Ngôi sao V-pop" hay "Ông vua đạo nhạc"?
Giờ thì tất cả phụ thuộc vào sức ép công luận và cái tôi lớn của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, tôi sợ cái tôi đó bị các thói quen đã thành nết che phủ.
Hỏi đáp với luật sư: Thủ tục khởi kiện đạo nhạc “xuyên quốc gia” - Hỏi: Nếu có một nhạc sĩ Việt Nam (nhạc sĩ này có ủy thác cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC - bảo hộ quyền tác giả đối với những tác phẩm của mình) bị một nhạc sĩ Singapore đạo nhạc, VCPMC sẽ làm gì để giúp nhạc sĩ này lấy lại bản quyền? Nhạc sĩ này muốn kiện nhạc sĩ Singapore nói trên thì họ phải làm những thủ tục gì? Trung tâm có thể giúp nhạc sĩ những điều gì?
- Phần trả lời của Luật sư Lê Thị Mai Hương, Trưởng ban Pháp chế của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - Chi nhánh phía Nam như sau: “Trường hợp tác phẩm của tác giả đã ủy quyền cho VCPMC bị đạo nhạc, VCPMC sẽ có thư đề nghị tổ chức Compass (Tổ chức Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tại Singapore) giải quyết vấn đề này vì theo hợp đồng hợp tác song phương về quyền tác giả thì tổ chức Compass có trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xảy ra tại Singapore và ngược lại VCPMC có trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả âm nhạc Singapore xảy ra tại Việt Nam. Nếu nhạc sĩ Việt Nam muốn khởi kiện nhạc sĩ Singapore, nhạc sĩ Việt Nam phải chuẩn bị tài liệu chứng minh tác phẩm bị đạo nhạc thuộc quyền sở hữu của nhạc sĩ (giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền cấp hoặc các giấy tờ tài liệu khác có giá trị chứng minh quyền tác giả), tài liệu, chứng cứ chứng minh việc nhạc sĩ Singapore đạo nhạc. Khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, nhạc sĩ làm đơn khởi kiện (theo Luật tố tụng của Singapore) nộp tại Tòa án Singapore để được giải quyết. Nếu nhạc sĩ muốn tự mình khởi kiện, Trung tâm sẽ giới thiệu nhạc sĩ với tổ chức Compass ở Singapore để tổ chức này hướng dẫn nhạc sĩ làm thủ tục và nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Singapore”. BM |
Ngọc Võ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất