Triển lãm ảnh Văn Cao của Nguyễn Đình Toán: 'Người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa...'

16/11/2013 10:23 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trong không gian đặc biệt của ngôi nhà Khai Trí Tiến Đức (nay là Không gian văn hóa Việt), nhân sĩ trí thức cùng văn nghệ sĩ Hà thành cùng lặng người nhìn lại những khuôn hình về nhạc sĩ Văn Cao. Ai nấy đều nao lòng trước những giai điệu Xuân man mác trong mùa Xuân thứ 90 của tác giả Quốc ca.

Triển lãm ảnh Văn Cao 18 năm trước - triển lãm ảnh đầu tiên của nhiếp ảnh gia kỳ cựu Nguyễn Đình Toán - đã khai mạc hôm qua (15/11) và sẽ kéo dài tới 17/11 tại Không gian văn hóa Việt, số 16 Lê Thái Tổ.

Khó như chụp chân dung Văn Cao

“Địa điểm triển lãm, ngôi nhà Khai Trí Tiến Đức xưa đã khiến sự kiện vượt qua quy mô của một cuộc triển lãm ảnh. Tại đây, đầu thế kỷ 20, nhiều sự kiện văn hóa đặc biệt của tri thức yêu nước Hà thành đã được tổ chức như: tưởng niệm thi hào Nguyễn Du (năm 1924), truy điệu doanh gia ái quốc Bạch Thái Bưởi, buổi diễn thuyết và tranh luận nổi tiếng về Truyện Kiều, hay ra bản “tuyên ngôn” giáo dục bất hủ “Văn minh Tân học Sách”... Và giờ, sau bao năm vắng bóng, triển lãm ảnh nhạc sĩ Văn Cao của Nguyễn Đình Toán lại làm không gian văn hóa đặc biệt này như sống lại một lần nữa”- nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ tại triển lãm.

Nhạc sĩ Văn Cao (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịp Tết Nhâm Thân 1992. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Trong không gian hẹp của sảnh và sân của ngôi nhà Khai Trí Tiến Đức xưa, 27 bức ảnh chân dung nhạc sĩ Văn Cao của Nguyễn Đình Toán được bày gần gụi mà trang trọng. Hai nội dung chính của triển lãm là Chân dung Văn Cao và Văn Cao cùng những người bạn.

Những bức ảnh chân dung Văn Cao được Nguyễn Đình Toán chụp từ nhiều góc độ suốt hơn chục năm ròng. “Văn Cao là một trong những nghệ sĩ đầu tiên trong sự nghiệp chụp ảnh chân dung văn nghệ sĩ của tôi. Và tôi thấy đây là cơ duyên may mắn cho tôi khi “khởi nghiệp” bằng một người vĩ đại, rất khó nắm bắt cái hồn. Nhờ ông, tôi chụp ảnh chân dung tốt hơn rất nhiều”- nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của Nguyễn Đình Toán, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Quang Phùng chia sẻ thêm, mặc dù ông đã có một thời gian dài làm ngoại giao và chuyên chụp ảnh chân dung, nhưng khi chụp ảnh nhạc sĩ Văn Cao, ông vẫn rơi vào bế tắc. “Văn Cao cử động chậm, để chụp ảnh dùng được rất dễ. Nhưng chụp được thần thái của nhạc sĩ thì khó  vô cùng. Và khi thấy những tấm ảnh Văn Cao ánh lên những nét tinh anh ở ngôi nhà Khai Trí Tiến Đức bên Bờ Hồ này, cùng những điệu nhạc của anh, ông già 80 như tôi bỗng thổn thức lạ”- NSNA Quang Phùng nói.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán (phải) tặng ảnh cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao

“Đóa sen trắng” trọn đời thanh bạch

Triển lãm còn trưng bày những bức ảnh Văn Cao với những người bạn như: Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, nhạc sĩ Thanh Tùng,... và đặc biệt là tấm ảnh nổi tiếng Văn Cao và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán kể: “Hôm đó là mồng 5 Tết Nhâm Thân (1992). Tôi có nhận được bức thư tay của nhạc sĩ Văn Cao nhờ tôi đến chụp ảnh cho ông trong ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm.

“Bình thường, nhạc sĩ Văn Cao không thích chụp ảnh. Nhưng hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm, nhạc sĩ vui vẻ lắm. Và đó cũng là một trong số ít lần nhạc sĩ Văn Cao viết thư nhờ bạn bè chụp ảnh”- Nguyễn Đình Toán chia sẻ.

Bức ảnh cuối cùng Nguyễn Đình Toán chụp Văn Cao là vào ngày 3/7/1995 khi nhạc sĩ  đang trong Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô và trên chiếc bàn cạnh đó là những đóa hoa sen trắng đang dần tàn do nghệ sĩ điêu khắc Lê Liên tặng.

Theo chia sẻ của Nguyễn Đình Toán, lúc ấy, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao nhất định không cho ông Toán chụp. “Vì người cũng như hoa, đều đã tàn tạ hết cả, bà Băng lúc đó nói với tôi, song tôi vẫn quyết chụp vì Văn Cao cũng như đóa sen trắng ấy, trọn đời thanh bạch, dâng hương cho đời”-  Nguyễn Đình Toán trao đổi với TT&VH.

Nhận định về giá trị những khoảnh khắc của nhạc sĩ Văn Cao do Nguyễn Đình Toán chụp, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Không gian “thiêng” của ngôi nhà Khai Trí Tiến Đức (đây cũng là nơi đặt trụ sở Quốc hội khóa I năm 1946) đã khiến những người con đất Việt ở đây lại nghẹn ngào. Và dù Văn Cao đã về đất mẹ 18 năm thì như lời ca của nghệ sĩ Lộc Vàng vừa hát: “Người Nam còn, nghe lời chim nhắn lúc xa”

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm