Cách mạng tháng Tám và 'nét riêng' của trí thức Hà Nội

18/08/2015 06:26 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Những mẩu chuyện nhỏ, cũng như các nghiên cứu về đóng góp của những người trí thức Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám, đã trở thành một nội dung được quan tâm trong Hội thảo Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển.

1. Diễn ra tại Hà Nội sáng 17/8, đây là cuộc Hội thảo do thành phố Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Thực tế, bề dày văn hóa ngàn năm, cộng với sự xuất hiện của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (và tiếp đó là các trung tâm giáo dục của người Pháp) đã tạo tiền đề cho sự ra đời của giới trí thức Tây học tại Hà Nội từ đầu thế kỷ XX.

Theo nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Khánh (ĐH Quốc gia Hà Nội), từ giai đoạn 1940, các trí thức yêu nước tại Hà Nội đã tự động tập hợp trong một số nhóm như nhóm Tri Tân (có khuynh hướng khai thác và giới thiệu các giá trị văn hóa lịch sử dân tộc), nhóm Thanh Nghị (có khuynh hướng hiện đại hóa, muốn áp dụng tri thức hiện đại để nâng cao đời sống nhân dân).


Những ngày tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Hoặc từ những năm 1942, tổng hội sinh viên Hà Nội (thành lập từ 1935) đã sớm có nhiều hoạt động yêu nước như tổ chức diễn các vở kịch lịch sử Đêm Lam Sơn, Hội nghị Diên Hồng, sáng tác các bài hát Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Tiếng gọi sinh viên... Các thủ lĩnh của tổ chức này như Dương Đức Hiền, Cù Huy Cận đã sớm được mặt trận Việt Minh tiếp xúc để thuyết phục đi theo con đường cách mạng.

Cũng theo PGS Trần Viết Nghĩa (ĐH Quốc gia Hà Nội), từ việc tham gia phong trào yêu nước tại Hà Nội, nhiều nhóm sinh viên Trung Bộ và Nam Bộ tại đây đã chủ động lên kế hoạch trở về quê hương để truyền bá tinh thần đấu tranh đang sục sôi.

Hầu hết những gương mặt này đều đóng vai trò quan trọng trong ngày khởi nghĩa và trở thành lãnh đạo cốt cán của nước VN Dân chủ Cộng hòa sau ngày độc lập.

Đặc biệt, sau ngày 19/8, Tổng hội sinh viên Hà Nội (được đổi tên là Tổng hội sinh viên cứu quốc) đã tổ chức một cuộc họp có sự tham gia của nhiều trí thức lớn tại Hà nội để biểu thị sự ủng hộ Việt Minh. Ngay sau buổi họp, 4 trí thức là Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường đã cùng nhau đánh một bức điện vào Huế, yêu cầu Bảo Đại thoái vị.

2. Bên cạnh những nghiên cứu chuyên sâu, một số câu chuyện về đóng góp của các trí thức Hà Nội trong mùa thu lịch sử 1945 cũng được chia sẻ tại Hội thảo.

Một thông tin đặc biệt được GS Phạm Hồng Tùng (ĐH Quốc gia Hà Nội) cung cấp: nhạc sĩ Văn Cao – người từng viết nhiều ca khúc lãng mạn thời tiền chiến – trong những ngày tiền khởi nghĩa cũng chính là tổ trưởng một tổ công tác đặc biệt chuyên trừ gian, diệt ác, bảo vệ Trung ương.

Trong tay có cả vali vũ khí, ông từng tự nhận - trong một lần tự bạch rằng mình là người "lão luyện trong nghề". Vậy nhưng, đúng vào ngày 19/8, do bị ốm, Văn Cao không cầm súng mà đóng vai trò đứng bắt nhịp cho quần chúng say sưa  hát bài Tiến quân ca trước thềm Nhà hát lớn.

"Một câu chuyện thú vị: Văn Cao thành danh tại Hà Nội, cầm súng theo cách mạng và lại được trở lại đúng với con người nghệ sĩ của mình trong ngày lịch sử của Hà Nội ấy" – GS Phạm Hồng Tung nhận xét. "Hình ảnh nhạc sĩ – chiến sĩ đó là tiêu biểu cho một nét rất riêng của Hà Nội văn hiến trong mùa thu lịch sử 1945".

Còn  PGS Trần Viết Nghĩa (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhắc đến một nhân vật đặc biệt khác trong ngày 2/9/1945. Cùng nữ du kích Đàm Thị Loan, một nữ sinh trường Đồng Khánh Hà Nội có tên Lê Thi đã bước lên lễ đài, trực tiếp kéo cờ Độc Lập.

Cô chính là con gái GS Dương Quảng Hàm và tham gia cách mạng trước khởi nghĩa trong tổ "Phụ nữ cứu quốc" (thuộc Đoàn thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu).

Tương tự, trong cuộc mít tinh được chính quyền cũ tổ chức ngày 17/8/1945 tại Nhà hát Lớn (để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim), một nữ sinh Đồng Khánh 17 tuổi, mặc áo dài huyết dụ đã bất ngờ bước lên giành micro, đọc lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh. Cô là Trang Anh, con gái trong một gia đình cơ sở cách mạng tại số 6 phố Hàng Đào.

Không chỉ ở những con người cụ thể, sự lãng mạn và nhiệt thành của trí thức Hà Nội trong những ngày Cách mạng còn được thấy ngay từ những câu chuyện nhỏ.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đã xúc động khi nhà sử học Dương Trung Quốc nhắc tới mấy câu thơ khuyết danh được đề trên một tấm bích chương được trưng bày trong dịp Hà Nội ủng hộ Nam Bộ kháng chiến: "Ai vào Nam Bộ cho ta gửi/ Tất cả niềm thương của Bắc Hà/ Dẫu rằng cách trở ngàn sông núi/Con cháu Rồng Tiên một tổ ra"...

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm