Frida Kahlo: Tự họa nỗi cô đơn tột đỉnh

06/05/2010 13:07 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Frida Kahlo (1907-1954) là một họa sĩ Mexico nổi tiếng, thế nhưng phải vài thập kỷ sau khi bà qua đời, vào những năm 1980, các tác phẩm của Kahlo mới được đánh giá cao. Thời gian này, bảo tàng Martin- Gropius-Bau ở Berlin (Đức) đang tổ chức một triển lãm hồi cố nhằm tôn vinh danh họa này.

Frida Kahlo đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Bà được nhìn nhận là một phụ nữ mạnh mẽ, người tình đầy đam mê, nghệ sĩ không theo quy ước và luôn chiến đấu hết mình cho nữ quyền.

Gồm hơn 150 bức tranh và phác họa, sự kiện được tổ chức tại bảo tàng Martin- Gropius-Bau nói trên là triển lãm lớn nhất về Kahlo ở Đức. Helga Priegnitz-Poda, người tổ chức triển lãm, cho biết: “Chúng tôi phải mất 3 năm mới thu thập được các họa phẩm trưng bày trong triển lãm này. Đây quả là một công việc mang tính thách thức cho đến phút cuối cùng. Hầu như mỗi nhà sưu tầm chỉ có một họa phẩm của Kahlo nên họ rất miễn cưỡng tham gia, thậm chí siêu sao pop Madonna đã nhất quyết không cho mượn tranh để trưng bày trong cuộc triển lãm này”.

Cuộc đời hằn những nỗi đau

 Nữ họa sĩ Frida Kahlo và chồng năm 1932
Cha là người Đức và mẹ có nguồn gốc Tây Ban Nha, Frida Kahlo sinh ra ở Coyoacan, Mexico, vào ngày 6/7/1907. Sau này Kahlo tuyên bố bà sinh năm 1910 nhằm muốn có sự gắn kết trực tiếp với cuộc Cách mạng Mexico.


Ở tuổi 18, Kahlo bị tai nạn ô tô khủng khiếp khiến bà mất khả năng sinh nở. Kahlo phải mất một năm nằm trên giường để phục hồi các cấu trúc xương đòn và xương sườn, xương chậu bị vỡ cũng như nhiều vết thương ở vai, chân. Bà đã phải chịu đựng hơn 30 cuộc phẫu thuật trong cuộc đời mình. Trong quá trình hồi phục, Kahlo bắt đầu vẽ.

Năm 22 tuổi, bà kết hôn với họa sĩ vẽ tranh tường Mexico nổi tiếng Diego Rivera, người hơn Kahlo tới 21 tuổi. Mối tình giữa họ đầy đam mê nhưng cũng không ít giông tố khi trải qua nhiều rắc rối, ly dị rồi tái hôn, do các mối quan hệ đồng giới cộng thêm sức khỏe yếu kém của Kahlo. “Tôi đã phải chịu hai tai họa lớn trong cuộc đời. Một là bị tai nạn ô tô trên đường, còn tai họa kia thì do Rivera gây ra”, bà từng thổ lộ.

Những chân dung tự họa lột tả nỗi cô đơn

Rất nhiều bức tranh của Kahlo là chân dung tự họa. Nữ họa sĩ Mexico đã tạo nên “thương hiệu” khi mô tả chân dung mình với đôi lông mày rậm và hàng ria mép mờ. Thỉnh thoảng Kahlo cũng vẽ tranh tĩnh vật nhưng ẩn chứa sau đó là các chân dung tự họa. “Kahlo tự vẽ mình vì cảm thấy cô đơn và buồn chán. Bà thường tặng tranh cho bạn bè kèm theo dòng chữ: Để bạn không quên tôi”, Priegnitz-Poda cho biết.


Các bức chân dung tự họa của Kahlo bộc lộ sự cô đơn và nỗi buồn
Trong các bức chân dung của mình, Kahlo bộc lộ rõ bà muốn có sự giao cảm với người xem tranh. “Cách đối thoại nội tâm với Kahlo như vậy làm mê hoặc công chúng khắp thế giới. Cái nhìn của Kahlo dường như khiến nữ họa sĩ này tới gần hơn với chúng ta và hầu như ai cũng cảm thấy có sự giao cảm với bà”, Priegnitz-Poda nhận xét.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trên đường đời song Kahlo không thù ghét cuộc sống và luôn hưởng thụ nó. Bà thường mặc những bộ trang phục dân gian nhiều màu sắc và làm đẹp khi gặp gỡ bạn bè.

Để tách biệt tiểu sử với các tác phẩm của Kahlo song vẫn giúp khách tham quan có được cái nhìn thấu đáo về cuộc đời nữ họa sĩ này, cuộc triển lãm còn bổ sung một bộ sưu tập ảnh lớn của gia đình và bạn bè bà. Các bức ảnh đó nêu bật những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của người phụ nữ khác thường này: khi Kahlo còn là một cô gái trẻ, lúc ở bên người chồng Diego Rivera hoặc khi đeo những món đồ trang sức đẹp với cái nhìn hết sức tự tin... “Hiện tượng Frida Kahlo là sự hòa trộn mạnh mẽ giữa tiểu sử và tác phẩm của bà. Nhưng do câu chuyện cuộc đời Kahlo được quan tâm một cách quá mức, thậm chí lúc sinh thời bà thường được nhớ đến với vai trò vợ của Rivera hơn là một họa sĩ nên nhiều khi tác phẩm nghệ thuật của bà bị lu mờ đi”, Cristina Kahlo, người phụ trách bộ sưu tập ảnh trong triển lãm, bình phẩm.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm