Đầu năm bàn về chuyện 'cướp'

27/02/2016 06:44 GMT+7

(lienminhbng.org) - Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới, ông Đinh La Thăng, tân Bí thư TP. Hồ Chí Minh đã liên tiếp có những phát ngôn, hành động làm nức lòng người dân. Một trong số đó là “tuyên chiến” với nạn cướp giật ở Sài Gòn.

Theo đó, tân Bí thư TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các lực lượng an ninh trong vòng 3 tháng phải kéo giảm rõ rệt tình hình tội phạm của Thành phố. Sở dĩ, chỉ thị này của ông Đinh La Thăng được nhiều người hoan nghênh bởi nó đánh trúng vào nỗi bất an thường trực của người dân Sài Gòn. Theo con số thống kê, năm 2015, TP. Hồ Chí Minh xảy ra 6.004 vụ phạm pháp hình sự. Chỉ trong hai tuần công tác đầu tiên, ông Đinh La Thăng đã liên tiếp “ghi điểm” bởi việc quan tâm, thấu cảm với người dân bằng những chỉ dụ như vậy.

Trong những ngày đầu năm mới, làng Showbiz cũng ồn ào vì một nghi án cướp khác. Đó là việc nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà bị cho là “cướp chồng”. Cả cộng đồng (đặc biệt là những những bà mẹ bỉm sữa) đã đăng đàn chỉ trích gay gắt nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà vì cho rằng cô đã “phá nát hạnh phúc gia đình” người khác. Nhưng, người đàn ông bị cho là bỏ vợ theo nữ ca sĩ lại không nhận nhiều lời chỉ trích.


Cảnh cướp hoa quả, đồ thờ tự diễn ra tại Đền Trần ngay sau thời điểm diễn ra Lễ khai ấn. Nguồn: Internet

Kỳ lạ nữa, trong các comment động viên người vợ khốn khổ của “đại gia”, có không ít những lời động viên kiểu như: Anh nhà chị bị bỏ bùa mê rồi, anh ấy không còn là anh ấy nữa. Chỉ trách cô tình nhân “xảo quyệt” kia... Thậm chí, đến lúc người chồng đăng đàn ủng hộ tình nhân, lời chỉ trích vẫn đổ dồn về Hồ Ngọc Hà.

Cụm từ “cướp chồng” ở câu chuyện này thể hiện rõ nhất sự u mê, tăm tối của xã hội nam trị. Mọi lỗi lầm đều đổ lên vai người phụ nữ. Hồ Ngọc Hà và người vợ của “đại gia” kia, người thì bị trách là không khôn khéo giữ chồng, kẻ thì bị coi là “cướp chồng”. Những người phụ nữ tấn công nhau để hả hê bức xúc cá nhân còn người đàn ông ở giữa, mặc nhiên vô can giữa vô vàn lầm lạc.

Chuyện cướp giật trong những ngày đầu năm còn làm kinh động chốn linh thiêng. Cụ thể, trong hàng loạt lễ hội đầu năm xảy ra tệ cướp bóc mang hình hài văn hóa. Mồng 6 tháng Giêng Âm lịch, tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội), các thanh niên cầm gậy vụt nhau để cướp hoa tre. Ngày 13 tháng Giêng, ở lễ hội Hiền Quan (Phú Thọ), những người trai làng cũng ẩu đả tới đổ máu để cướp những quả phết. Đỉnh điểm, đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng, tại đền Trần (Nam Định), người dân đã cướp lộc ngay trên bàn thờ các đức thánh Trần.

Không

Không "cướp ấn" thì "cướp lộc"

Với mong muốn được hưởng may mắn vào đúng giờ “thiêng” người ta sẵn sàng chen lấn, giẫm đạp lên nhau để giành giật “lộc thánh”. Vì thế lễ khai ấn Đền Trần vẫn không tránh được những cảnh “chướng tai gai mắt” ngay trong ngày đầu khai ấn.


Nếu như nghi lễ cướp hoa tre đền Sóc, cướp phết Hiền Quan vẫn gây tranh cãi vì yếu tố truyền thống thì việc cướp lộc trên bàn thờ đền Trần là hành vi bị các chuyên gia văn hóa đánh giá là tăm tối tới mông muội. Bởi, việc cướp lộc trên bàn thờ các vị anh linh thể hiện sự tham lam, vô lễ với tiền nhân. Trong lịch sử, việc này chỉ xảy ra những năm gần đây.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu nói của cô đồng nghiệp chuyên theo dõi văn hóa lễ hội: Lễ hội toàn cướp: cướp lộc, cướp lương, cướp ấn, cướp phết...  Thế mới hiểu tại sao, suốt cả mấy nghìn năm lịch sử, đi đâu, nhìn thấy mặt nhau là hỏi: Ăn cơm chưa?

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm