26/02/2015 17:18 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Mùa Xuân là mùa của đơm hoa kết trái, mùa của tình yêu đôi lứa. Bởi thế, nhiều đôi trai gái người Cơ tu (Tây Giang- Quảng Nam) cũng không thể bỏ qua mùa yêu thương này để nên vợ nên chồng.
Trong phong tục cưới của người Cơ tu - Tây Giang, ngoài những lễ vật đáng giá, nhà trai phải mang đến một con trâu để họ nhà gái giết thịt. Nhà nghèo không có tiền sắm lễ vật thì không thể lấy vợ hoặc phải làm những công việc của phụ nữ suốt đời.
Ngày xưa...
So với các dân tộc thiểu số khác, tục cưới xin của người Cơ tu- Tây Giang có phần giống với người Kinh hơn cả. Đầu tiên là lễ Ganoo (dạm ngõ), sau đó đến lễ Bhrớ Bhiếc (lễ cưới). Tuy nhiên, lễ cưới của người Cơ tu có quy mô rất hoành tráng. Vào ngày cưới, nhà trai phải mang lễ vật đến nhà gái là: rượu, gạo, nếp, ché,…đặc biệt là một con trâu và chiếc quan tài. Sau những lễ nghi cần thiết của hai họ nhà trai và nhà gái là đến lễ đâm trâu cùng điệu múa tung tung za zá, cầu điều may mắn cho đôi vợ chồng. Chiếc quan tài có ý nghĩa như sự báo hiếu của con gái với bố mẹ đẻ khi về nhà chồng, từ nay, sẽ không được bén bảng đến "nhà đẻ" nữa dù cho bố mẹ có lìa đời.
Đàn ông Cơ tu lấy vợ rất tốn kém nên có nhiều người không đủ tiền lấy vợ. Xưa kia, nhà giàu, cho con trai lấy vợ sớm để có người làm. Cái giá của con trâu ấy được đổi lại bằng cả đời lao động cực khổ của người phụ nữ ở nhà chồng. Đàn ông Cơ tu quan niệm, họ đã bỏ tiền ra mua vợ thì không phải làm việc gì nữa. Bởi thế, trên những nẻo đường lên vùng cao, chúng ta thường thấy, phụ nữ phải gùi những gánh củi rất nặng, còn đàn ông chỉ cầm cây rựa lững thững theo sau.
Ngược lại, nếu con trai lấy vợ mà không có lễ vật là con trâu, thì phải làm những việc nặng nhọc trong gia đình, phụ nữ có thể làm việc nhẹ hoặc không làm gì cả. Những đàn ông lấy vợ mà gia đình vợ không có con trai thì phải ở nhà vợ để gánh vác việc gia đình.
Một cụ già ở xã A Nông, không còn nhớ nổi tên mình, nhưng vẫn y nguyên câu chuyện kén chồng “Thằng chồng đầu của tao phải mang đến trâu, ché, và nhiều lễ vật khác. Sau khi nó chết bệnh, tao lấy thằng chồng này, không có tiền nên chỉ yêu cầu nó mang lợn đến thôi.”
Người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau nhiều câu chuyện tình yêu ngang trái của những đôi trai tài gái sắc không đến được với nhau vì nhà của người con trai quá nghèo. Có những đôi đã tìm đến cái chết để bên nhau suốt đời. Có những người phụ nữ vì nhận trâu trong ngày cưới mà lao động cực khổ, cam chịu suốt đời, không được coi trọng bằng con trâu, con ngựa trong nhà.
Ngày nay
Ngày nay, người Cơ tu vẫn giữ được nét văn hóa trong tục cưới xin như hát lý, múa tung tung za zá,…Nhưng những yêu cầu khắt khe đã không còn, trâu được thay bằng thú 4 chân như heo hoặc con vật khác.
Anh Bríu Bằng (47 tuổi, xã A Nông) cho biết: “Ngày xưa, mình lấy vợ cũng phải mang trâu đến làm lễ vật. Xong đám cưới, hai vợ chồng làm cật lực để trả nợ cả chục năm trời. Một con trâu là cả cơ nghiệp chứ có ít ỏi gì đâu. Nhưng giờ, bọn trẻ tiến bộ hơn rồi. Chúng thay trâu bằng heo. Còn việc nhà, thì phải cùng nhau chia sẻ thôi. Phụ nữ chân yếu tay mềm không thể làm việc nặng được”.
Mới cưới vợ được nửa tháng, anh Alăng Yêu (25 tuổi) vui mừng: “Ông bà mình lấy nhau tốn kém quá. Giờ chúng tôi chỉ yêu nhau là được, không quan trọng giàu nghèo, lễ vật lớn hay nhỏ đâu. Như đám cưới của tôi, lễ vật là con heo. Mà phải cho vợ về thăm bố mẹ nó nữa chứ, không nên cấm tuyệt giao với gia đình vợ”.
Như những dân tộc thiểu số khác, người Cơ tu cũng nghiêm cấm việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Thanh niên ngày nay quan hệ trước mà có bầu thì phải cưới mà không cưới thì phải đền trâu bò cho nhà gái.
Phong tục cưới hỏi của mỗi dân tộc ở Việt Nam là những nét văn hóa truyền thống độc đáo, phải bảo tồn, lưu giữ. Tuy nhiên, những hủ tục cần được loại bỏ để những đôi trai gái yêu nhau nên vợ nên chồng, để không còn những người phụ nữ “ở lâu trong khổ, đã quen khổ rồi” như cô Mỵ nữa.
Một số hình ảnh tại đám cưới của người Cơ tu, huyện Tây Giang ngày nay:
Hồng Thúy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất