Nadal: Ông vua mới của US Open

12/09/2013 19:37 GMT+7 | Tennis

(lienminhbng.org) - Cách đây một năm, Rafael Nadal ngồi xem trận chung kết US Open qua truyền hình ở ghế sô-pha nhà anh tại Mallorca. Cái đầu gối mong manh khiến anh vắng mặt giai đoạn đầu mùa giải, trong đó có cả Australian Open.

Sau bảy tháng nghỉ đấu, Nadal trở lại với tennis vào tháng 2 ở một địa điểm hẻo lánh, Vina del Mar ở Chile. Anh vào đến trận chung kết, thua tay vợt ít tên tuổi Horacio Zeballos, mọi người, trong đó có cả Nadal, nghi ngờ: tương lai nào cho anh. Nhưng sự nghi ngờ là thừa thãi, tại New York, Nadal hoàn tất sự trở lại của anh một cách không thể tuyệt vời hơn. Mất ba giờ 20 phút, Nadal hạ số một thế giới Novak Djokovic 6-2, 3-6, 6-4, 6-1 để giành chức vô địch US Open thứ hai trong sự nghiệp.

Djokovic cơ động và chơi đa dạng hơn trong trận đấu thứ 37 giữa hai tay vợt. Cú backhand hai tay của anh có lẽ là vũ khí mạnh nhất bên cạnh cú forehand tay trái rất xoáy và nặng của Nadal. Djokovic cũng là người trả giao bóng hay nhất làng tennis. Anh có đủ mọi vũ khí để khắc chế Nadal.



Nadal vô địch US Open 2013

Nếu cả hai tay vợt đều chơi với 100% khả năng thì Djokovic sẽ là người chiến thắng. 80% của Nadal chắc chắn sẽ hơn 80% của Djokovic. Vấn đề là, Nadal luôn chơi với ít nhất với 80% khả năng của anh suốt mùa đấu năm nay, trừ trận thua Steve Darcis ở vòng một Wimbledon khi anh không là chính mình. Còn Djokovic khá phập phù, lúc chơi rất hay, lúc không đạt đến 50% khả năng của anh, giống như trong trận bán kết gặp Stanislas Wawrinka khi anh phạm lỗi đánh hỏng khá nhiều ngay cả trong các cú giao bóng hai thiếu uy lực của đối thủ.

Sự phập phù của Djokovic hiện diện trong trận chung kết. Set đầu, anh chóng vánh đầu hàng trước Nadal. Set thứ hai, Djokovic chơi tuyệt vời, đặc biệt là khi thắng điểm trong điểm đánh kéo dài đến 54 lượt bóng chạm vợt giữa hai bên. Anh bẻ game giao bóng của Nadal hai lần để chiến thắng set này.

Sang set ba, Djokovic sớm bẻ game giao bóng của Nadal. Anh có thể bỏ túi chiến thắng nếu bẻ thêm game giao bóng nữa của đối thủ để nâng tỉ số lên 3-0 khi đứng trước break-point. Nhưng Djokovic không làm được và để Nadal bẻ lại game giao bóng. Khi tỉ số là 4-4, Nadal cầm giao bóng, Djokovic hai lần đánh ngay chân Nadal khiến Nadal sính vính ngã nhào ra sân, ai cũng nghĩ đó là ngày của Djokovic.

Tỉ số là 4-4, 0-40, Nadal như võ sĩ bị dồn vào sát dây ring, nhưng anh không bỏ cuộc, gỡ dần từng điểm và thắng lại game then chốt đó, dẫn 5-4. Đó là bước ngoặt của trận đấu. Djokovic mất tinh thần, mất game giao bóng sau đó, dâng chiến thắng ở set ba cho Nadal. Và anh xuống sâu hơn nữa ở game thứ tư. 



Nadal đã có 13 cúp vô địch Grand Slam trong sự nghiệp

**

Set ba là set bản lề với Nadal, nhưng có lẽ set đầu tiên quan trọng hơn. Trong 20 năm qua ở chung kết U.S. Open, chỉ duy nhất một tay vợt giành chức vô địch sau khi thua set đầu tiên, đó là Juan Martin del Potro năm 2009. Chín trong 10 lần gặp nhau gần đây nhất giữa Nadal và Djokovic, cứ tay vợt nào thắng set đầu trước, tay vợt đó sẽ giành chiến thắng chung cuộc.

Các danh hiệu Grand Slam của Rafael Nadal: Australian Open 2009, Roland Garros 2005, 2006, 2007, 2008, 2010, 2011, 2012, 2013, Wimbledon 2008, 2010, U.S. Open 2010, 2013.

Nadal yên tâm có lịch sử chống lưng mình, kiên cường phòng ngự trước những pha tấn công dũng mãnh của Djokovic vào phía backhand hai tay, cú đánh bị coi là yếu nhất của anh. Mỗi một lần Nadal trả lại bóng về phần sân Djokovic, anh như muốn nói: Tớ ra đề cho cậu đó, hãy giải đi. Djokovic có 46 cú winner so với 27 của Nadal. Nhưng Djokovic phạm đến 53 lỗi tự đánh bóng hỏng so với chỉ có 20 của Nadal. Những bài toán Nadal đưa ra đều hóc hiểm.

Trong trận đấu tứ kết Nadal gặp đồng hương Tommy Robredo, huyền thoại John McEnroe ngồi trong cabin bình luận đã hét lên: “Với những gì chúng ta đang xem ở đây, chàng trai này là Leonardo da Vinci trong tennis”. Nadal là Da Vinci trong tennis? McEnroe có nhầm lẫn gì không? 

Nadal luôn đi vào trong tâm trí chúng ta như một hình ảnh dũng mãnh của bò mộng, với tấm áo ướt đẫm mồ hôi và khuôn mặt đanh lại. Hình ảnh này dính dáng gì đến Da Vinci? Không, McEnroe không nhầm đâu. Da Vinci không chỉ là một họa sĩ, mà Da Vinci còn là một kỹ sư thiên tài, một nhà khoa học cha đẻ của nhiều ngành. McEnroe muốn nói với chúng ta rằng Nadal mang bộ óc của Da Vinci, biết chính xác từng loại vật liệu nào đặt vào đâu là hợp nhất, biết thông tuệ vật thể nào mang hình dáng gì là đắc cách nhất.

**

Nadal dù bị cái đầu gối hành hạ nhưng chín năm qua, năm nào anh cũng có ít nhất một Grand Slam, chuỗi năm dài nhất trong số tất cả các tay vợt trong lịch sử. Anh là vua đất nện, điều đó không thể phủ nhận. Và mùa này anh còn chứng tỏ mình là vua sân cứng, mặt sân anh vốn không ưa nhất. Cả 22 trận trên sân cứng năm nay, Nadal thắng cả 22 trận. Mùa giải còn tiếp tục ở phía trước, ngôi số một cuối năm chắc chắn sẽ thuộc về Nadal. Với thành tích 60 trận thắng, ba trận thua từ đầu năm, Nadal có cơ hội vượt qua mùa giải hay nhất ở Federer năm 2005: 81 thắng, bốn thua.

Ở tuổi 27, Nadal đã có 13 Grand Slam, chỉ còn thua Pete Sampras với 14 Grand Slam, thua Roger Federer với 17 Grand Slam. Vua đất nện đã mở rộng địa hạt sang mặt sân cứng, vậy điều gì có thể cản trở được Nadal san bằng số lần vô địch Grand Slam với Federer để trở thành tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại? Điều này được nói trong ngữ cảnh số Grand Slam của Federer chỉ dừng lại ở con số 17. Mà đúng thôi, nhìn Federer chơi, không ai tin anh sẽ nâng số Grand Slam của anh lên thêm nữa.

Các tay vợt giành nhiều Grand Slam đơn nam nhất:

Roger Federer: 17

Pete Sampras: 14

Rafael Nadal: 13

Roy Emerson: 12

Bjorn Borg: 11

Rod Laver: 11


Khúc Dương


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm