28/03/2023 20:30 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
"Tôi có người bạn, trong ba năm đại học luôn đứng đầu top đầu của trường, nhưng khi sắp trở thành ủy viên Hội Học sinh của trường thì bị vạch trần hành vi lôi kéo phiếu bầu không hợp lệ, vì vậy bị mất sự tín nhiệm của Hội. Sau đó, anh ấy biến mất tăm, sau mấy tháng mới xuất hiện trở lại dáng vẻ gầy gò và nói thời gian này là những ngày vô cùng chán chường. Sau khi tốt nghiệp, anh ấy đổi mấy công việc, không thể nói là thất bại, nhưng cũng lận đận long đong, không hề thuận lợi.
Nhiều năm trôi qua, khi nhắc lại chuyện cũ, anh ấy vẫn nói chuyện ngày đó thực sự là một cú sốc lớn với anh. Chúng ta có thể hiểu được cảm nhận này của bạn tôi, nhưng năm đó, anh và các bạn mình hoàn toàn không phải nhận bất cứ hình phạt mang tính thực chất nào. Những người có liên quan đến câu chuyện ngày trước giờ đây đã có lựa chọn và sự nghiệp riêng trong cuộc sống mới, họ cũng đã sớm quên chuyện cũ rồi, riêng anh ấy vẫn mãi day dứt". Đây là một trong rất nhiều câu chuyện mà tác giả Dương Nghị Hoằng chia sẻ trong cuốn sách "Dạy con không sợ thất bại" của mình.
Có một số trẻ từ nhỏ đã không nếm trải chút khổ cực nào, luôn sống trong sự chăm sóc yêu thương của gia đình, học hành không xuất sắc nổi trội, cũng không có tài năng đặc biệt nào, nhưng khi bước ra ngoài xã hội, gặp phải nghịch cảnh khó khăn lại rất dẻo dai, bền bỉ.
Một số trẻ khác từ nhỏ đã sống và trưởng thành trong môi trường quản lý nghiêm khắc và chặt chẽ, hạnh kiểm và thành tích học tập đều tốt, luôn được nhà trường thầy cô giáo ngợi khen. Nhưng khi bước ra xã hội, gặp phải khó khăn nghịch cảnh thì trở nên rối bời, thậm chí trượt dốc không phanh.
Chúng ta thường lo lắng về việc học hành của con cái, gửi chúng đến các lớp học thêm, năng khiếu với mong muốn con giành chiến thắng ngay từ vạch xuất phát. Nhưng cuộc đời của một đứa trẻ không phải là một cuộc chạy nước rút 100 mét, mà là một hành trình dài với nhiều thăng trầm không biết trước, nhất định sẽ có những trở ngại và thất bại chờ đợi trẻ trên đường đi. Chỉ những đứa trẻ chịu được nhiều thử thách mới có thể giành được thành công thực sự.
Huyền thoại bóng rổ Micheel Jordan từng tâm sự: "Trong sự nghiệp của mình, tôi đã ném hỏng hơn 9.000 lần, để thua hơn 300 trận đấu, đã từng thua 26 trận đấu cực kỳ quan trọng mà mọi người đã tin tưởng giao trọng trách cho tôi. Tôi đã trải qua hết thất bại này đến thất bại khác, nhưng đó mới là nguyên nhân giúp tôi thành công".
Con người ta khi đối diện và va vấp với nghịch cảnh sẽ có những kết quả khác nhau. Trong "Dạy con không sợ thất bại", tác giả chỉ ra 4 kiểu người: Kiểu người thứ nhất: Rối loạn chức năng, giống như việc phát sinh những hành vi xấu ở thanh thiếu niên. Kiểu người thứ hai: Cảm giác bản thân không còn giá trị, trở nên tự ti, tự phủ nhận bản thân, dẫn đến mất năng lực. Kiểu thứ ba: Có thể tìm lại được cân bằng, bước vào trạng thái ổn định mới. Kiểu thứ tư: Thông qua nghịch cảnh để tạo ra khả năng khắc phục nghịch cảnh.
Có thể thấy, khả năng vượt qua nghịch cảnh giống như một kho báu tiềm ẩn. Cha mẹ vì thế không nên bao bọc con quá mức. Ngược lại, cần "tàn nhẫn" đúng cách, cho phép con thất bại để con biết cách đứng trên đôi chân mình và vượt nhiều thử thách trong cuộc sống; để bồi dưỡng và phát triển các nhân tố vượt qua nghịch cảnh của con. Khi có áp lực từ ngoại cảnh, nếu một người đủ các nhân tố bảo vệ sẽ khởi động và kích thích khả năng vượt qua nghịch cảnh.
Vậy nhân tố bảo vệ là gì? Trong "Dạy con không sợ thất bại", các bậc phụ huynh sẽ tìm thấy câu trả lời. Không chỉ thế, 6 chương của cuốn sách giúp bố mẹ nhận biết mình thuộc loại hình cha mẹ nào; Cha mẹ cần phải làm gì để giúp trẻ không sợ thất bại; Giúp con xây dựng nguyên tắc không sợ thất bại"; Nghệ thuật khơi thông giao tiếp để bồi dưỡng khả năng vượt qua nghịch cảnh cũng như cách để cùng con đối diện với khó khăn...
Những câu chuyện có thật từ chính trải nghiệm của tác giả, từ phim ảnh, thí nghiệm hay nhân vật nổi tiếng được viết một cách tự nhiên, gần gũi như lời tâm sự... sẽ giúp phụ huynh tiếp cận thông tin trong cuốn sách một cách nhẹ nhàng, không quá lý thuyết.
Những kiến thức, dẫn chứng sâu sắc và chính xác khiến nhiều bố mẹ nhìn thấy chính mình trong cuốn sách, cùng các ngộ nhận về việc yêu thương và chăm sóc con cái. Nhiều "bài tập" thực hành kiểu "cầm tay chỉ việc" rất cụ thể và thiết thực mà tác giả Dương Nghị Hoằng đưa ra cũng có thể được áp dụng dễ dàng trong thực tế. Phụ huynh có thể giải quyết, đối diện với tình huống cụ thể, càng thấu hiểu, giao tiếp hiệu quả với con, đồng hành cùng con đúng cách.
Tác giả khuyến khích phụ huynh nên đặt mình vào vị trí của con để hiểu và khuyến khích con phát huy điểm mạnh của bản thân. Quan điểm của tác giả không phải ba mẹ nào hoàn hảo thì con cũng giỏi, mà là ba mẹ cần chỉ dẫn để giúp con thích thì hãy làm, đã làm thì phải kiên trì hoàn tất, dù làm gì cũng được.
“Không có trẻ thất bại, chỉ có sự việc thất bại - đây là một quan điểm, một nguyên tắc trẻ cần phải thấm nhuần. Khi đối diện với những khó khăn, những việc không phải sở trường của trẻ, hãy để trẻ suy nghĩ xem phải làm thế nào mới không thất bại, khuyến khích trẻ tạo không gian để mình tự suy nghĩ và can đảm đưa ra phương án ứng phó với tình hình”, tác giả Dương Nghị Hoằng viết.
Các bậc cha mẹ có thể thiết lập sự đồng cảm với trẻ thông qua những câu như: “Mẹ đã quan sát thấy hôm nay con đã làm những gì và đạt được những gì”, “Khi mẹ còn trẻ, nếu mẹ gặp phải trường hợp giống như con, mẹ chắc chắn sẽ rất buồn”, “Bài này thật sự rất khó, mẹ cũng chưa hiểu hết được. Sẽ thật tuyệt nếu ở bài tiếp theo, chúng ta có thể làm tốt”...
Theo tác giả, trách phạt, mắng mỏ con mỗi khi con mắc lỗi, hay dùng phần thưởng để khuyến khích con mỗi khi con đạt được thành tích mà cha mẹ đã áp đặt trước đó sẽ khiến trẻ dễ mất đi “động lực nội sinh”. Đây không còn là cách nuôi dạy hiệu quả trong thời đại ngày nay.
Đồng thời, Dương Nghị Hoằng cũng chỉ ra 5 phương pháp cơ bản để thể hiện tình yêu thương vô điều kiện với con trẻ mà không cần dùng đến hình phạt hay phần thưởng: Phương pháp khuyến khích đúng đắn: Khen ngợi; Giúp con tìm phương pháp thay vì trách mắng; Động viên trẻ chứ đừng treo thưởng; Giữ gìn hứng thú học tập của trẻ; Cùng chia sẻ cảm xúc với trẻ. Các phương pháp đều nhấn mạnh yếu tố tạo ra tình huống, trao cho trẻ cơ hội quyết định và tự tưởng tượng ra thế giới quan của mình.
Lật giở những trang sách “Dạy con không sợ thất bại”, Dương Nghị Hoằng tập trung hướng dẫn phụ huynh giúp con trở thành người có trách nhiệm mà không can thiệp, bảo bọc con quá mức vì điều đó chỉ khiến con trở thành người ích kỷ và mất đi năng lực sống tự chủ.
Qúa trình đồng hành cùng con trưởng thành là quá trình cha mẹ và con cái cùng nhau hoàn thiện bản thân. Làm thế nào để đối diện với thất bại, làm thế nào để quản lý cảm xúc và làm thế nào để xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp. Đây là bài học chung bắt buộc của cả cha mẹ và con cái.
Tên sách: Dạy con không sợ thất bại
Tác giả: Dương Nghị Hoằng
Người dịch: Nguyễn Minh Tâm
Nhà phát hành: ZENBOOKS
Hình thức: Bìa mềm, nội dung sách in đen trắng
Đối tượng đọc: Các bậc phụ huynh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất