Dạy Hán Nôm - cần thiết nhưng không bức thiết!

11/09/2016 06:46 GMT+7

(lienminhbng.org) - Câu chuyện dạy tiếng Hán trong các bậc học Phổ thông đang trở thành tâm điểm tranh cãi. Đặc biệt, trong cuộc Hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại PGS.TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: "Trước đây chúng ta cứ nói rằng không dùng chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng hiện nay phải nói ngược lại, phải học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt".

Cùng với phát ngôn này, PGS.TS Giang dẫn việc học tiếng Hán ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, những người nghiên cứu Hán Nôm cũng đưa ra những dẫn chứng về sự ảnh hưởng của tiếng Hán tới tiếng việc đương đại. Từ đó, ông Giang cùng nhiều học giả cho rằng, nên đưa Hán Nôm trở thành môn học vào các cấp học càng sớm càng tốt.

Thẳng thắn, quan điểm của PGS.TS Đoàn Lê Giang và những người đồng quan điểm không hẳn vô lý. Và, rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt của dư luận nhắm vào quan điểm này chỉ nhắm vào title bài báo "Cần dạy chữ Hán để giữ sự trong sáng của tiếng Việt" chứ không đọc hết những quan điểm khá rành rẽ của các nhà nghiên cứu Hán Nôm.

Đồng thời, việc chúng ta cần sòng phẳng với lịch sử. Việc chấp nhận những vấn đề lịch sử để hiểu rõ mình và phát triển là điều cần thiết. Bản thân người viết cũng đã từng học bộ môn Hán Nôm như một môn phụ trợ cho ngành Văn học ở cấp bậc Đại học.


PGS.TS Đoàn Lê Giang. Ảnh: Vietnamnet

Thực tế, bộ môn này hỗ trợ rất nhiều các môn nghiên cứu Văn học trung đại Việt Nam và môn Thực hành Tiếng Việt. Nói cách khác, Hán Nôm là cầu nối để chúng ta lắng nghe tâm tình của ông cha và hiểu hơn ngôn ngữ hiện tại của dân tộc mình.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc dạy Hán Nôm ở bậc Đại học với những chuyên ngành đặc thù như Văn học, Lịch sử là điều nên làm và đã làm. Nó khác so với chuyện dạy Hán Nôm ở mức độ phổ cập tại bậc phổ thông.

Lý do chính yếu không dựa trên vấn đề tinh thần dân tộc hay quan điểm chính trị. Xét về mặt khoa học cũng như giáo dục, việc dạy Hán Nôm ở cấp bậc phổ thông là chưa phải lúc. Bởi, quỹ thời gian học của học sinh phổ thông có hạn. Và trên bình diện chung, Hán Nôm chưa phải vấn đề bức bối cần đưa vào chương trình lúc này, để các em học sinh lại phải oằn mình gánh thêm một môn học "hóc búa".

Bên cạnh đó, bản thân môn Ngữ Văn ở phổ thông đã có những phần chú giải rất kỹ vấn đề âm Hán Việt. Cụ thể, phần Tiếng Việt có đề cập tới các yếu tố liên quan tới dấu ấn lịch sử của các ngôn ngữ khác ảnh hưởng tới tiếng Việt. Phần văn học, các bài giảng về văn học Trung đại cũng như  văn học Trung Quốc đều in cả phần nguyên âm tiếng Hán, bản dịch và bản dịch thơ với chú giải kỹ càng...

Hơn thế, trong tháng 8 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã quyết định tiến tới đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2.

Theo người viết, đây là điều cần kíp khi một thời gian dài, học sinh loay hoay học Tiếng Anh mà kết quả điểm thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua vẫn ở dạng bết bát. Hơn thế, việc Việt Nam gia nhập TTP là đòi hỏi bức thiết ngành giáo dục phải "phá tan" rào cản ngôn ngữ, tạo cạnh tranh trong lĩnh vực việc làm.

Và, khi đã chọn Tiếng Anh là ưu tiên, chúng ta không nên ôm đồm thêm Hán Nôm với vô vàn con chữ xa lạ bắt học sinh học. Bởi, khó chắc, việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Bộ có thành công hay không. Nhưng chắc chắn, quyết định này sẽ thất bại khi học sinh phải học cùng lúc dàn trải học quá nhiều ngôn ngữ!

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm