Không chỉ Ferguson, M.U nhớ cả David Gill

01/08/2013 06:37 GMT+7

(lienminhbng.org) - Khi còn tại vị, GĐĐH David Gill chưa bao giờ là người được lòng các CĐV M.U. Ông bị chỉ trích chỉ là tay sai của gia đình tài phiệt Mỹ Glazer chất đống nợ nần lên đội bóng, bị chỉ trích dữ dội hơn vì tuyên bố “nợ nần là cách vận hành một CLB” và trở thành kẻ giơ đầu chịu báng mỗi lần M.U công bố các khoản nợ của họ. Nhưng…

David Gill không phải là người thẳng thắn bộc trực, nhưng cách ông điều hành CLB xứng đáng nhận được những lời khen ngợi, nhất là khi so với những người Edward Woodward đang làm. Và vì thế, các fan Quỷ đỏ lại thấy nhớ những ngày xưa cũ đẹp đẽ với Gill, người đã theo chân Sir Alex Ferguson rời M.U vào tháng 5 vừa rồi.

Woodward dưới cái bóng của Gill

Có thể nói rằng người kế nhiệm chiếc ghế giám đốc điều hành ở Old Trafford cũng phải sống trong cái bóng của người tiền nhiệm không kém gì tân HLV David Moyes, người đang bị che mờ bởi tượng đài vĩ đại Ferguson.

Các fan M.U đang rất nhớ bộ đôi Alex Ferguson – David Gill


Ngày 17/7, Woodward bỏ dỡ chuyến du đấu đầu mùa của CLB để trở về Anh “xử lý những vấn đề chuyển nhượng khẩn cấp”, theo buổi họp báo của M.U. Hôm thứ Tư, HLV David Moyes và đội hình của ông đã trở về nhà từ chuyến đi xa. Ngoài Guillermo Varela, một cậu nhóc người Uruguay chỉ được biết đến nhờ World Cup U20 vừa rồi, sẽ không có gương mặt mới nào chào đón Moyes và phái đoàn còn chưa hết say máy bay của ông ở sân tập Carrington.

Nếu như Woodward không mua vé máy bay chợ đen và phải quá cảnh bốn lần ở Bali, Bahrain, Addis Ababa và Vienna trên đường từ Sydney về Manchester, ông đã có mặt ở Anh vào ngày 19/7. Nhưng từ đó tới nay đã hai tuần trôi qua, và không ai biết “những vấn đề khẩn cấp” là gì, ngoài điều khẩn cấp nhất là M.U chưa có một chữ ký mới nào ra hồn.

Robert Lewandowski, Thiago Alcantara, Cristiano Ronaldo và Cesc Fabregas đều sẽ không tới Manchester. Không sai, M.U từng bỏ lỡ các mục tiêu chuyển nhượng lớn trước đó, nhưng chưa bao giờ tình hình đáng tuyệt vọng như mùa hè này. Sir Alex đã không mua được khá nhiều ngôi sao lớn, những vụ bỏ lỡ rất đáng tiếc: Paul Gascoigne, Alan Shearer, Marcelo Salas, Ronaldinho, Mesut Oezil và Wesley Sneijder. Nhưng nhờ có Ferguson, M.U vẫn chiến thắng đều đặn.

Trong suốt thập kỷ cuối cùng của Ferguson ở Old Trafford, ông đã luôn có Gill bên cạnh. Cùng nhau, họ đã đưa CLB vượt qua thời kỳ có lẽ là nhiều thách thức nhất với M.U trong lịch sử Premier League. Tiền tấn của Chelsea và Manchester City đã không thể đánh bại họ và trật tự tại Anh vẫn là: 1. M.U và 2. Phần còn lại. Ferguson có thể tập trung hết tinh lực vào những vấn đề chuyên môn, còn Gill lo toàn bộ phần còn lại, bởi ông là một nhà điều hành giỏi và có quan hệ rất rộng, cả ở Anh lẫn tầm mức UEFA và thế giới.

Chẳng ai muốn tới M.U?

Woodward, tân phó chủ tịch điều hành, chỉ thuần túy là một tay điều hành doanh nghiệp. Ông là nhân vật quan trọng trong việc giúp M.U tăng doanh thu từ các hoạt động thương mại để trả bớt nợ cho nhà Glazer, nhưng cựu quan chức nhà băng này, chỉ hơn Ryan Giggs vài tháng tuổi, còn non nớt trong thế giới bóng đá, nhất là trên thị trường chuyển nhượng. Gill có thể chỉ nghĩ tới việc làm giàu cho nhà Glazer, nhưng ông đã dàn xếp được không ít hợp đồng lớn và những mục tiêu bỏ lỡ thì được giấu kín. Còn bây giờ, Woodward và Moyes đang tạo ra cảm giác chẳng ngôi sao nào muốn tới M.U.

Gill cũng có lợi thế nhờ sự hợp tác từ Ferguson. Khi Robin van Persie được đưa về năm 2012, thỏa thuận chỉ hoàn tất sau khi đích thân HLV người Scotland gọi cho đồng nghiệp Arsene Wenger. Các cầu thủ trẻ chỉ cần nghe tới tên Ferguson là đã nhảy cẫng lên. Wilfried Zaha là người gần nhất, nhưng tiếc thay, cũng là cuối cùng. Một kỷ niệm khác là chữ ký của Dimitar Berbatov tháng 8/2008, một thỏa thuận hoàn tất sau khi đích thân Sir Alex ra đón anh ở phi trường và chở về sân tập Carrington trong chiếc Audi của ông.

Moyes chưa (và có lẽ không thể) có được sức hút và sự tinh ranh đó. M.U vẫn còn lại tháng 8 để sửa sai, nhưng thời gian thực sự đang cạn rất nhanh với những mục tiêu khả thi ít ỏi còn lại.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

0,8 Chi thuần chuyển nhượng (chi chuyển nhượng trừ thu chuyển nhượng) trung bình của David Moyes ở Everton chỉ là 0,8 triệu bảng. Chi thuần chuyển nhượng của M.U năm 2012 là 35 triệu bảng, năm 2011 là 44 triệu bảng và năm 2010 là 17 triệu bảng.

15 Hợp đồng đắt giá nhất mà David Moyes từng thực hiện là khi ông bỏ ra 15 triệu bảng để mua Marouane Fellaini về Everton từ Standard Liege năm 2008, quá nhỏ bé so với những đối thủ chính của ông ở Premier League.

50 Tổng chi chuyển nhượng của M.U mùa hè năm ngoái là 50 triệu bảng. Mùa hè này, họ mới chi 1 triệu bảng cho Guillermo Varela.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm