Để mọi người được xem rối nước, ít nhất một lần trong đời...

27/05/2015 16:01 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tối 24/5, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã diễn ra lễ ra mắt Đoàn nghệ thuật múa rối nước Sài Gòn do Công ty TNHH Nghệ thuật – Giải trí Sài Gòn (S.E.Arts) tổ chức. Rối nước sẽ được đưa vào các trường học biểu diễn cho học sinh xem.

Ngoài rối nước, các môn nghệ thuật dân tộc, như: đờn ca tài tử Nam bộ, cải lương, hát bội và các trò chơi dân gian cũng sẽ được đưa vào chương trình. Đặc biệt, trước khi sân khấu rối nước mở màn, khán giả sẽ được thưởng thức đờn ca tài tử do các nghệ nhân của Công ty TNHH Đờn ca tài tử Xuân Tình biểu diễn. Ngoài ra, khán giả nhí còn được các nghệ nhân nặn tò he tặng những món quà xinh xắn.

Theo giáo sư Trần Văn Khê: “Múa rối nước Việt Nam là một bộ môn nghệ thuật độc đáo và duy nhất ở Việt Nam lấy mặt nước làm sân khấu. Đây đích thực là nghệ thuật của Việt Nam, không bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa nào, do người nông dân Việt Nam sáng tạo và được truyền qua bao đời, từng được tiến cung để phục vụ vua quan”.


Ra mắt Đoàn nghệ thuật múa rối nước Sài Gòn

Bộ môn nghệ thuật này có từ thời vua Lý Nhân Tông khoảng năm 1121, tái hiện những sinh hoạt đời thường của người nông dân Việt cổ - một nền văn hóa lúa nước lâu đời. Thế nhưng có bao nhiêu người được trực tiếp xem bộ môn nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam biểu diễn?

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, có mặt tại buổi ra mắt Đoàn nghệ thuật múa rối nước Sài Gòn, cho biết: “Tôi vừa hỏi một số thanh niên và cháu nhỏ có xem múa rối chưa, hầu hết trả lời là chưa và có cháu còn ngạc nhiên hỏi lại: múa rối nước là gì? Tại sao bộ môn nghệ thuật có 1.000 năm tuổi như múa rối nước lại không được biết đến? Lỗi này thuộc về người lớn chúng ta”.

Các buổi biểu diễn của Đoàn nghệ thuật múa rối nước Sài Gòn sẽ được xã hội hóa khi vào trường học. Cụ thể các suất diễn sẽ được tài trợ bởi doanh nghiệp hay các tổ chức xã hội. Ngay trong buổi ra mắt, Đoàn nghệ thuật múa rối nước Sài Gòn đã nhận được sự tài trợ các suất diễn của các hiệp hội,các doanh nghiệp…

Ngoài ra, Đoàn còn được hỗ trợ về điểm diễn của: Nhà văn hóa Thanh niên, Ban quản lý di tích lăng Lê Văn Duyệt và nhiều trường học tại TP.HCM. Sắp tới, Đoàn nghệ thuật múa rối nước Sài Gòn sẽ diễn lưu động tại các tỉnh, các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Nhạc sĩ Kỳ Anh, thành viên sáng lập chương trình này, cho biết: “Chúng tôi mong muốn dựng sân khấu rối nước làm trung tâm, để xoay quanh đó là các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc. Đối tượng chúng tôi hướng đến không chỉ là học sinh, sinh viên mà còn cả với công nhân hay bất cứ ai muốn ít nhất một lần trong đời được tận mắt xem múa rối nước hay nghe đờn ca tài tử”.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm