30/04/2016 06:00 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Cựu binh 31 tuổi từng giành 9 HCV SEA Games này vừa đoạt suất chính thức dự tranh Olympic để hoàn tất trọn vẹn sự nghiệp của một kiếm thủ “độc cô cầu bại”.
4500 ngày mải đấu kiếm quên yêu
Ở tuổi 31 sau 15 năm gắn bó, trong khi các đồng đội cùng lứa đầu của đấu kiếm Việt Nam đã giải nghệ chuyển sang làm thầy và yên bề gia thất từ lâu một mình Lệ Dung vẫn bám trụ tới cùng. Cuộc sống của người phụ nữ vùng ngoại thành Sóc Sơn, Hà Nội không có gì thay đổi, với 10 tiếng mỗi ngày “giam mình” nơi 4 bức tường của phòng tập, trong bộ giáp phục, chiếc mặt nạ cùng những thanh kiếm.
Đôi lúc chính Dung cũng phải hoảng hốt khi nhìn lại hành trình đằng đẵng 4.500 ngày đáng kinh ngạc ấy. Chị từng nhiều lần quyết tâm dừng lại để lo cho tương lai của mình song không nổi. Điều mà Dung trăn trở nhất là từng vài lần thất hứa với bố mẹ. Một phần vì quá đam mê, phần quan trọng khác bởi không bứt ra nổi trước gánh nặng thành tích, trước niềm tin yêu, trông đợi của cả đội kiếm.
Lệ Dung trong giây phút mang vinh quang về cho TTVN
Các đấu thủ trẻ luôn lắc đầu lè lưỡi nể phục cường độ, chất lượng cùng tính chuyên nghiệp của Dung ở từng buổi tập, mỗi chuyến du đấu.
“Đệ nhất” làng kiếm Việt đã trở thành một mẫu hình thành công đặc biệt, nhất là sức vươn, sự bền bỉ mà như đánh giá của giới chuyên môn phải vài thập kỷ may ra mới có người thứ hai. Thế nhưng, chính nghiệp đấu kiếm đã khiến chị phải đánh đổi quá nhiều, không chỉ là những năm tháng tuổi trẻ mà phần nào đó cả hạnh phúc riêng tư.
31 tuổi, Dung dường như đang quên mất cả chuyện yêu đương và lập gia đình, cũng vì điều kiện quá bó buộc. Giờ đây, theo tuổi tác gắn với cuộc sống đặc thù của một nữ kiếm thủ, cơ hội ngày càng hẹp lại, và có thể thấy rõ cảm giác đơn độc và đôi chút bối rối của “độc cô” kiếm chém trong những khoảng lặng.
15 năm hợp đồng ngắn hạn
Khi Lệ Dung xuất sắc giành quyền tới Brazil tranh tài, cùng với niềm tự hào dâng trào, chính ông Phạm Anh Tuấn- Trưởng bộ môn đấu kiếm của Hà Nội đã phải ngậm ngùi vì sự thua thiệt quá lớn mà cô gái vàng này đang phải gánh chịu.
Mang danh tay kiếm nữ số 1 ĐNÁ với hàng loạt chiến tích, nổi bật là 9 HCV SEA Games song chế độ đãi ngộ dành cho Dung chẳng khác mấy ngày đầu khởi nghiệp cách đây 15 năm. Trong đó, cựu binh 31 tuổi này vẫn đang chỉ là VĐV thuộc diện hợp đồng ngắn hạn từng năm, hưởng mức tiền công, tiền ăn tính theo ngày.
Thu nhập lâu nay của Dung từ nguồn của đơn vị chủ quản chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. May nhờ chị liên tục tập huấn ĐTQG, và mới đây được đưa vào danh sách đầu tư trọng điểm nên có thêm vài triệu đồng nữa.
Đấu kiếm lại là môn cực khó để tranh chấp huy chương quốc tế, nên ngay cả một hảo thủ như Dung cũng 2 năm 1 lần mới có thêm một khoản thưởng ở một sân chơi vừa sức như SEA Games. Đã vậy không phải bao giờ môn này cũng có trong chương trình thi đấu, từng bị loại ở hai kỳ Đại hội 2009 và 2013.
Cũng giống như hầu hết VĐV Việt Nam, Lệ Dung xác định phấn đấu hết mình để có một vị trí, công việc ổn định trong ngành thể thao, cụ thể ở đây là một suất biên chế tại Hà Nội.
Tuy nhiên, đến giờ, nó vẫn giống như một mục tiêu xa vời, bất chấp bảng thành tích độc nhất vô nhị của chị, cùng vài lần đề xuất xét đặc cách từ bộ môn đấu kiếm. Tất cả mới dừng ở sự hứa hẹn, kèm theo cách lý giải từ những người có trách nhiệm, theo kiểu “Thể thao Hà Nội cũng... không vội được đâu”.
Sau Olympic 2016, Lệ Dung sẽ giải nghệ để chuyển sang làm HLV... hợp đồng của đấu kiếm Thủ đô. Lúc đó chuyện trở thành “người trong khung” với chị xem ra còn nan giản hơn nhiều, nếu nhìn từ trường hợp của một số cựu vô địch SEA Games, châu Á hay thậm chí thể giới ở các môn điền kinh, wushu, taekwondo, đá cầu.
Hình mẫu cho ai?
Dù phải chịu nhiều thua thiệt, kể cả trả giá, Lệ Dung khẳng định mình không hề nuối tiếc, chính xác hơn còn luôn tự hào khi đã theo nghiệp thể thao. Nó đã mang lại cho chị một cái tên, một sự nghiệp, một cá tính.
Thế nhưng, “độc cô” làng kiếm cũng thừa nhận mình sẽ khó có thể làm gì nếu phải rời xa đấu kiếm. Đích nhắm của chị vẫn là làm một HLV, hay trong trường hợp không mong muốn nhất cũng là một giáo viên thể chất. Dung hoàn toàn không có bất cứ sự chuẩn bị nào, trước hết là tâm thế, cho một sự thay đổi nào khác.
Có thể với vị thế của kiếm thủ số 1 Việt Nam cùng nội lực và sự kiên nhẫn, Lệ Dung cuối cùng sẽ hoàn thành mục tiêu khó hơn cả cuộc đấu tranh suất Olympic: Làm một HLV và một người trong định biên của thể thao Hà Nội. Chỉ có điều, tấm gương sáng giá và đặc biệt về chuyên môn ấy lại khó có thể đóng vai một hình mẫu để giới trẻ nhìn vào đó mà yên tâm đeo đuổi nghiệp thể thao.
Cả một sự thật khắc nghiệt và vấn đề nóng lại đặt ra cho TTVN từ những điển hình như “đệ nhất” đấu kiếm Lệ Dung. Thể thao có thể phát triển lành mạnh và tạo sức hút như thế nào khi mà một ngôi sao 31 tuổi từng giành 9 HCV SEA Games, đoạt suất Olympic chính thức vẫn phải hoang mang với những bản hợp đồng ngắn hạn, với mức thu nhập bèo bọt?
Sẽ ra sao một khi một tên tuổi hàng đầu đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, quên hạnh phúc riêng tư cho thể thao để rồi khép lại nghiệp đấu trong tình cảnh gần như không có một khoản tích lũy nào, và đáng nói hơn khó có thể làm được công việc gì khác ngoài thể thao?
May mắn như Hoàng Ngân Kết thúc 10 năm tập huấn thi đấu tại Nhật Bản, “nữ hoàng” kata Nguyễn Hoàng Ngân đã trở về nước làm HLV tại ĐT Hà Nội và quốc gia. Nhà cựu vô địch thế giới, đang là giảng viên của Liên đoàn Karatedo quốc tế này coi như cũng phải bắt đầu lại từ đầu cả về công việc lẫn cuộc sống. May mắn hơn nhiều hảo thủ khác, Ngân là trường hợp hiếm hoi được xét đặc cách vào biên chế. Tuy nhiên, qua gần 1 năm, Ngân cũng đang phải chờ vì thủ tục chưa hoàn thành, cho dù trong thời gian ấy, chị đã kịp lập đại công khi dẫn dắt học trò giành HCV giải vô địch thế giới 2015 và mới đây nhất là HCV giải vô địch châu Á. |
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất