Đề xuất để phương tiện khác được đi chung làn đường buýt nhanh BRT

26/02/2018 11:43 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) đã có đề xuất thành phố cho phép các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho tuyến buýt nhanh BRT từ 4 giờ đến 23 giờ hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau.

23% khách từ bỏ xe cá nhân đi buýt BRT

Tuyến buýt nhanh BRT01 có lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã được thành phố chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/1/2017, đây là một loại hình buýt mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và cũng là tuyến buýt nhanh đầu tiên của cả nước được triển khai thực hiện tại thành phố Hà Nội.

Sau hơn một năm đưa vào vận hành, theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, sản lượng hành khách vận chuyển được 4,98 triệu lượt hành khách. Ngày cao điểm đạt 17.465 lượt khách/ngày. Khách bình quân lượt cả năm đạt 40,1 khách/lượt, trong đó khách bình quân giờ cao điểm lượng hành khách vận chuyển đạt 68,8 khách/lượt, bình quân giờ bình thường đạt 30,7 khách/lượt, giờ thấp điểm bình quân đạt 18,8 khách/lượt.

Chú thích ảnh
Đề xuất cho các phương tiện khác đi vào làn đường dành riêng của tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Yên Nghĩa. (Ảnh: Thi Uyên/Vietnam+)

Đặc biệt, sản lượng hành khách sử dụng vé tháng nói chung và vé tháng một tuyến nói riêng của tuyến BRT đang dẫn đầu so với các tuyến buýt khác trên toàn mạng, bình quân tháng là 2.100 hành khách (tăng 3% so với kế hoạch và chiếm gần 6,8% lượng vé tháng một tuyến của toàn mạng).

“Đây chủ yếu là nhóm hành khách có nhu cầu đi lại trong phạm vi hành lang tuyến BRT, bởi so với các phương tiện khác thì sử dụng BRT cảm thấy thực sự thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và có mức độ tin cậy cao,” ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết.

Theo ông Hải, đối tượng hành khách vận chuyển có sự khác biệt so với xe buýt thường đó là hành khách sử dụng tuyến BRT chủ yếu cho mục đích đi làm, đi chơi và mục đích khác chiếm 82%, nhóm đối tượng là người đi làm, cán bộ công chức-viên chức chiếm gần hơn 80%; học sinh, sinh viên đi học chiếm 18% (trong khi đối với các tuyến buýt thường, học sinh, sinh viên đi học chiếm tới 78%, người đi làm chỉ chiếm 22%).

Chú thích ảnh

Theo kết quả khảo sát, có 23% hành khách trả lời đã chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt nhanh BRT. Bên cạnh đó, tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ đạt 98,7%, tốc độ chạy xe trung bình gần 20km/giờ (nhanh hơn 30% so với buýt thường); thời gian chạy xe trung bình là 45 phút/lượt (giảm gần 20% so với xe buýt thường). Loại hình buýt BRT bước đầu đã được đa số nhân dân chấp nhận và đánh giá tốt về chất lượng phục vụ, sản lượng hành khách ngày càng tăng trưởng.

Khẳng định kết quả bước đầu của loại hình buýt BRT là loại hình có nhiều ưu điểm hơn xe buýt thông thường nhưng qua quá trình vận hành ông Hải nhìn nhận, buýt nhanh BRT vẫn chưa có hệ thống vé tự động (vẫn áp dụng loại vé giấy truyền thống); chưa có hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên cho BRT qua các nút giao thông nên mặc dù đã có làn đường riêng nhưng vẫn còn hạn chế trong việc đảm bảo lưu thoát cho BRT khi qua các nút ngã tư; khả năng tiếp cận cho hành khách hạn chế khi chỉ có 10/21 nhà chờ có cầu đi bộ sang đường, chưa có điểm gửi xe cá nhân cho hành khách tại các khu vực lân cận nhà chờ BRT…

Dùng vé điện tử, tăng tính tiếp cận BRT

Trong thời gian tới, để đảm bảo tuyến buýt nhanh BRT vận hành ổn định và cải thiện chất lượng nhằm thu hút hành khách, Trung tâm sẽ phối hợp với Tổng công ty vận tải Hà Nội rà soát, hợp lý hóa mạng lưới các tuyến buýt kết nối với tuyến buýt nhanh BRT tại 2 điểm đầu cuối và dọc hành lang BRT.

Trung tâm cũng đề xuất và thực hiện xén hè để di chuyển 10 điểm dừng xe buýt tiếp cận với nhà chờ BRT để giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển với xe buýt thường xuống dưới 100m, cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ BRT.

Chú thích ảnh
Tuyến buýt nhanh BRT đã phát huy hiệu quả của việc nâng cao nhận thức của người dân về vận tải công cộng. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Đơn vị này cũng tiếp tục đề xuất bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT, đảm bảo điều kiện vận hành của tuyến; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến BRT; rà soát và lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho hành khách sang đường tiếp cận nhà chờ sử dụng BRT.

Cùng với đó, tuyến buýt nhanh BRT cũng sẽ được tăng cường các dịch vụ tiện ích nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách như sử dụng thẻ vé điện tử để tăng sự thuận tiện, giảm thời gian tiếp cận cho hành khách.

Hiện nay, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đang phối hợp với Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) để triển khai thử nghiệm hệ thống thẻ vé điện tử cho tuyến xe buýt nhanh BRT, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2018.

Ngoài ra, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng có đề xuất thành phố cho phép các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho tuyến buýt nhanh BRT từ 4 giờ đến 23 giờ hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau.

Tháng 9 thử nghiệm thẻ vé điện tử trên xe buýt nhanh BRT

Tháng 9 thử nghiệm thẻ vé điện tử trên xe buýt nhanh BRT

Từ ngày 24/7, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã thay thế 16 xe mới có sức chứa 60 chỗ trên tuyến xe buýt số 31: Bách Khoa - Chèm (ĐH Mỏ) với đầy đủ các tiện ích như wifi miễn phí, trang bị bảng LED trên xe...

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm