09/06/2019 08:09 GMT+7
(lienminhbng.org) - Xung quanh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động đã, đang khiến nhiều lãnh đạo nhà hát, các đơn vị nghệ thuật vô cùng lo lắng cùng những băn khoăn: Nghệ sĩ ở tuổi 60, 62 thì lấy sức đâu để múa, hát, biểu diễn?
Lâu nay, “bài toán” giải quyết nghỉ hưu sớm cho nghệ sĩ lớn tuổi không còn khả năng biểu diễn để thay thế lực lượng nghệ sĩ trẻ luôn là vấn đề nan giải, khiến các nhà quản lý nghệ thuật đau đầu. Trong xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu ấy, nhà nước cần có biện pháp giải quyết đặc thù về tuổi nghỉ hưu cho riêng lực lượng nghệ sĩ biểu diễn.
Đâu công thức tuổi nghỉ hưu đối với nghệ sĩ?
Ở góc độ nghệ thuật biểu diễn, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị nhà nước cần có cách tính đặc thù, một phương án riêng và sát với thực tiễn đối với lực lượng nghệ sĩ biểu diễn. Đến nay tuổi nghỉ hưu của nghệ sĩ biểu diễn vẫn cứ bị “cào bằng” như nhiều đối tượng khác. Chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngành nghệ thuật biểu diễn “bắt tay” để giải quyết những bất cập của lực lượng nghệ thuật biểu diễn, trong đó có việc giải quyết chế độ nghỉ hưu cho nghệ sĩ.
Ai cũng biết đối với những loại hình nghệ thuật như xiếc, múa… thì không thể nào áp dụng khung tuổi nghỉ hưu giống như các đối tượng khác. Họ cần có một cách tính như việc giải quyết cho nghỉ hưu non khi đến độ tuổi đặc thù không thể lao động sáng tạo được nữa. Nếu cứ áp dụng tính lương, phân hạn ngạch giống như “công thức” chung như đối với công chức, viên chức hành chính thì sẽ thiệt thòi đối với nghệ sĩ. Ngay như trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng cần có sự phân biệt giữa các loại hình ở độ tuổi nghỉ hưu. Có những vị trí như nghệ sĩ biểu diễn thì căn cứ vào tuổi nghề để nghỉ hưu, nhưng có những vị trí khác như quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy thì lại cần có cách tính khác. Chúng tôi rất mong cấp có thẩm quyền đưa ra những biện pháp mở khi tính tuổi nghỉ hưu, tính ngạch bậc lương cho lực lượng nghệ sĩ biểu diễn nói riêng và nghệ thuật nói chung. Cách tính đó cần dựa trên hiệu quả thực tế chứ không phải căn cứ theo học hàm, học vị như các đối tượng khác. (NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn).
Nghệ sĩ biểu diễn về đâu khi hết tuổi nghiệp?
Với những bộ môn nghệ thuật xiếc như uốn dẻo, đu bay, nhào lộn trên cao, diễn viên phải vào nghề từ 11, 12 tuổi và khi ra trường làm nghề cũng chỉ đến 40, 45 tuổi là không còn có thể ra sân khấu được nữa khi sức lực, độ phản xạ, độ dẻo trong cơ thể ngày càng bị hạn chế do tuổi tác. Một số nghệ sĩ có điều kiện thì đi học nâng cao nghề nghiệp để vào các vị trí khác trong đơn vị, nhưng cũng có những nghệ sĩ không thể có bằng cấp để chuyển đổi. Nếu chúng ta vẫn giữ cách tính tuổi nghỉ hưu, cách tính lương như hiện nay thì sẽ ngày càng ít người theo con đường này làm diễn viên xiếc.
Đối với xiếc sự đào thải lại rất cao. Khi tuyển sinh được 60 người, khi ra trường chỉ còn 20 người. Hoạt động nghề nghiệp của xiếc vô cùng khắc nghiệt khi đối diện với sự rủi ro bởi tai nạn, bởi bệnh nghề nghiệp. Vậy mà độ tuổi nghỉ hưu và khung bậc lương của nghệ sĩ vẫn tính như lương hành chính sự nghiệp, như độ tuổi nghỉ hưu của các đối tượng khác trong xã hội là những bất cập từ nhiều năm nay mà vẫn chưa có hướng giải quyết. Nhà nước đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu cho nhiều đối tượng trong xã hội nhưng đối với nghệ sĩ biểu diễn thì nhất định cần thay đổi cách tính. Mặt khác, có một lực lượng nghệ sĩ hết tuổi nghề song bằng tình yêu và cả sự cố gắng họ đã tự học thêm bằng đại học, hoặc thêm quản lý nhà nước để vào các vị trí quản lý trong các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật. Cũng cần phải có sự linh động cho đội ngũ làm quản lý nghệ thuật chứ không thể đổ đồng mọi tiêu chuẩn giống như các vị trí quản lý của các cơ quan hành chính. Nếu không chúng ta sẽ bị hổng đi một thế hệ lãnh đạo quản lý am hiểu về chính ngành nghề của mình. (NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam).
Cần một chính sách và cơ chế thực sự mang tính đặc thù
Đối với nghệ thuật thì không thể không nhắc đến cụm từ “thầy già con hát trẻ”. Điều đó cho thấy phần nào nhu cầu quan trọng của nghệ thuật biểu diễn chính là cần có sự trẻ trung, xinh đẹp. Một dàn nghệ sĩ múa ở lứa tuổi đôi mươi sau 20 năm có thể những nghệ sĩ đó có rất nhiều kinh nghiệm nhưng về yếu tố mỹ học thì không còn nữa khi thể chất bên ngoài không thể đáp ứng yêu cầu về cái đẹp. Sẽ khó có thể tiếp nhận khi một nghệ sĩ tuổi 45, 50 lại đóng vai một em bé 16 tuổi.
Chúng tôi thường nhắc đến cụm từ “đặc thù” cho nghệ thuật biểu diễn thế nhưng tính đặc thù ấy vẫn chưa được thể hiện vào thực tế qua chế độ, chính sách hiện nay mà nhà nước đang áp dụng. Nghệ sĩ biểu diễn vẫn đang hưởng các chế độ lương bổng cũng như về hưu một cách “cào bằng” như mọi đối tượng khác là bất hợp lý. Xếp hạng năng lực, trình độ của một nghệ sĩ như những đối tượng lao động bình thường trong xã hội là rất bất ổn. Theo tôi nhà nước cần khoanh vùng từng đối tượng trong đó nghệ sĩ biểu diễn phải có những giải quyết đặc cách để nghệ sĩ có tuổi về hưu trước, tìm những công việc thích hợp sau khi cống hiến nghệ thuật. (NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam).
Lương thấp, nghệ sĩ không muốn kéo dài tuổi làm việc…
Đối với những viên chức hành chính thì thuận lợi khi kéo dài độ tuổi nghỉ hưu nhưng với nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ truyền thống không phải ai cũng muốn nâng tuổi nghỉ hưu. Một trong những lý do là hiện nay mức lương đối với nghệ sĩ quá thấp nên tâm lý không ai muốn ở lại. Hơn thế, nghệ thuật tuồng cũng là một loại hình sân khấu đặc thù, với nam giới thì có thể đóng vai lão khi có tuổi nhưng với nữ giới thì sức khoẻ giảm sút, ở độ tuổi 60 rất khó trụ lại với nghề bởi tính chất đặc thù tập luyện, biểu diễn là rất nặng nhọc. Cũng có những nghệ sĩ có sức khoẻ và năng lực cống hiến thì việc kéo dài thời gian làm việc ở nhà hát lại là thuận lợi khi tài năng của họ đã đạt độ chín trong nghề. Vì vậy, theo tôi cách tính tuổi nghỉ hưu cho nghệ sĩ biểu diễn phải sát thực tiễn và linh hoạt, phụ thuộc vào sức khoẻ, điều kiện sức khoẻ của từng người và nhu cầu của từng đơn vị nghệ thuật. (Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam).
Đối với nghệ thuật thì không thể không nhắc đến cụm từ “thầy già con hát trẻ”. Điều đó cho thấy phần nào nhu cầu quan trọng của nghệ thuật biểu diễn chính là cần có sự trẻ trung, xinh đẹp. Một dàn nghệ sĩ múa ở lứa tuổi đôi mươi sau 20 năm có thể những nghệ sĩ đó có rất nhiều kinh nghiệm nhưng về yếu tố mỹ học thì không còn nữa khi thể chất bên ngoài không thể đáp ứng yêu cầu về cái đẹp. Sẽ khó có thể tiếp nhận khi một nghệ sĩ tuổi 45, 50 lại đóng vai một em bé 16 tuổi. (NSƯT XUÂN BẮC, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) |
Theo Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất