Dũng cảm lên, Moyes United!

26/11/2013 12:46 GMT+7

(lienminhbng.org) - Man United đã kéo dài chuỗi trận bất bại trên mọi mặt trận lên con số 10. Nhưng để khẳng định đó là dấu hiệu của phong độ ổn định thì không chính xác. Sự thực là Quỷ đỏ chỉ đang cố gắng gồng mình để đối phó với nỗi lo thất bại.

Trận hòa Cardiff City là lần thứ hai ở mùa giải này, Man United “chết lặng” vào cuối trận sau khi bị gỡ hòa 2-2 ở phút bù giờ đầu tiên. Tháng trước, họ cũng từng đánh mất 2 điểm trước Southampton khi để Lovren gỡ hòa ở phút 89, ngay tại Old Trafford.

Trả giá vì quá thận trọng

Không thể phủ nhận rằng David Moyes phải chịu áp lực rất lớn trong việc kế tục Sir Alex, và tâm lý thận trọng cũng là điều dễ hiểu. Việc Man United đã trải qua một mùa hè chuyển nhượng tương đối im lìm so với những đối thủ cạnh tranh càng khiến cựu HLV Everton trở nên e dè trong các trận đấu của mình.

Tất nhiên, chiến lược gia người Scotland cũng có những quyết định thể hiện dấu ấn riêng, như việc phát hiện tài năng trẻ Januzaj, làm hồi sinh Rooney, cũng như sử dụng tương đối hiệu quả Phil Jones (nhất là ở trận gặp Arsenal). Nhưng nhìn chung, Man United dưới thời Moyes thường chỉ “dám” chơi tấn công mạnh mẽ trong hiệp một, và ngay sau khi có bàn dẫn trước là họ sẵn sàng lui về để cố gắng bảo toàn thành quả, bất kể đối thủ yếu hay mạnh, được chơi trên sân nhà, hay sân khách. 

Pha bỏ lỡ đáng trách của Rooney trước Cardiff.

Trận hòa trước Southampton hồi tháng trước là một minh chứng khi Man United phải nhận bàn thua chỉ 2 phút sau khi Moyes tung Smalling vào sân thay Wayne Rooney và kéo đội hình lùi sâu xuống chịu trận. Tại Cardiff, Man United đã kết thúc hiệp một với lợi thế dẫn trước 2-1, song đó rõ ràng là một tỷ số rất mong manh, và pha bấm bóng dội xà ngang của Fraizer Campbell ở phút 55 là một lời đe dọa. Nhưng thay vì cố gắng nâng cao cách biệt, Moyes đã chỉ đạo các học trò giảm nhịp độ trận đấu, bằng cách chơi chậm lại. Ông tung rút Chicharito ra, đưa Giggs vào để thiết lập phòng tuyến phòng ngự từ xa cùng Fellaini và Cleverley. Welbeck vào thay Januzaj để tăng sức mạnh tranh chấp, trong khi Rooney, người cũng có thiên hướng lùi sâu kiếm bóng, thì đá cao nhất trên hàng công.

Tâm lý sợ thua của Moyes, khi cách biệt rất mong manh, đã khiến họ trở nên bị động trước những tình huống gây sức ép của đối phương. Việc Rio Ferdinand mắc lỗi kèm người trong tình huống Kim Bo-kyung ghi bàn ở phút bù giờ thứ hai là một minh chứng. Nên nhớ, anh là người giàu kinh nghiệm nhất nơi hàng thủ Man United.

Rooney, người hùng hay tội đồ?

Gọi Rooney là người hùng cũng đúng, nhưng tội đồ cũng không sai. Ở Cardiff, anh là người mở tỷ số, và sau đó đá phạt góc để Patrice Evra đánh đầu nâng tỷ số lên 2-1. Nhưng cũng chính anh đã đá văng 2 điểm sau tình huống bỏ lỡ đáng trách ở phút bù giờ thứ hai.

Đó là một pha xử lý mà có lẽ chính Rooney cũng không hiểu tại sao mình lại quyết định như vậy. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi phải quyết định giữa dứt điểm hay chuyền bóng trong pha đối mặt với thủ thành Marshall, Rooney đã chọn cách thứ hai. Ít người nghĩ rằng đó là một pha xử lý quá ư đồng đội. Hầu hết đều cho rằng đó là tình huống Rooney đã cảm thấy không đủ tự tin để tung ra một cú dứt điểm quyết đoán, dù trước mắt anh chỉ là thủ thành Marshall, và khoảng cách 7m32 giữa hai khung gỗ. Vấn đề có lẽ sẽ không bị đào xới nếu như đường chuyền của anh chuẩn xác và Welbeck ghi bàn, nhưng thật đáng buồn, Rooney đã tiếp bóng lỗi và khiến mọi nỗ lực do chính anh gây dựng trước đó đổ sông, đổ bể.

Và có một thực tế rất rõ ràng: nếu trọng tài Nei Swarbrick không xử lý nhẹ tay với tình huống Rooney đánh nguội với Jordon Mutch ở ngay phút thứ 8 (chỉ phạt một thẻ vàng), thì anh đã không thể ở lại sân. Ở tuổi 28, những tưởng Rooney đã trưởng thành hơn, nhưng không, anh vẫn chưa bỏ được sự thiếu kiềm chế về tính cách. Việc “số 10” chỉ trích BLB nổi tiếng Martin Tyler, người đã phân tích rất chính xác pha bóng ấy, là một minh chứng.

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm