Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: 'Đường lên Điện Biên' sẽ có nhiều chi tiết lạ

07/03/2014 09:33 GMT+7 | Phim


(lienminhbng.org) - Không quá tham vọng làm về một cuộc chiến tranh vang dội năm châu, Đường lên Điện Biên của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng sẽ tập trung khai thác vào tính nhân văn và số phận con người (bộ đội việt minh, dân công hỏa tuyến).

“Quan niệm của tôi, dù là phim bình thường hay chiến tranh thì giá trị của một bộ phim là bộc lộ một cái nhìn mang tính văn hóa về chủ đề ta muốn kể. Chiến tranh chỉ là cái nền, và chúng ta sẽ kể cái gì, theo cách nào về câu chuyện mà ta muốn khán giả theo dõi”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết.

Trước Tết Nguyên đán một tháng, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khởi quay, hiện tại bộ phim đang trong giai đoạn hậu kỳ để chuẩn bị phát sóng vào tháng 4 năm nay. Những khán giả yêu thích phim chiến tranh bắt đầu “nóng ruột”. Sau Những người viết huyền thoại, họ tò mò muốn biết đạo diễn sẽ làm thế nào với phim truyền hình về đề tài chiến tranh.

* Teaser trailer Đường lên Điện Biên cho thấy phim có vẻ được đầu tư nặng tay?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng

- Đây là một phim quy mô với một bộ máy vận hành 60 - 70 người giống như một đoàn phim nhựa tầm cỡ. Chúng tôi không dám so sánh với những phim đặt hàng với kinh phí khổng lồ nhưng so với phim truyền hình, đây là một phim được đầu tư tốt. Nhà sản xuất đã đáp ứng mọi yêu cầu của tôi, dù thời gian sản xuất gấp nhưng chúng tôi cũng luôn cố gắng để đạt những hiệu quả cần thiết về độ hoành tráng, tính quy mô mà bộ phim đề cập.

* Trong phần quảng bá Đường lên Điện Biên trên Facebook, có đoạn “Chúng tôi đang trên đường hoàn thiện và phát triển dòng phim truyền hình về chiến tranh Việt Nam được sản xuất bởi người Việt và các hãng phim tại Việt Nam”. Chúng tôi ở đây là ai, kế hoạch tham vọng xây dựng dòng phim truyền hình về chiến tranh là thế nào, thưa anh?

- Là diễn viên, là những người làm đạo cụ, dựng cảnh, hiệu ứng khói lửa, hóa trang, phục trang, kỹ xảo, nhạc phim, trailer, poster…  và quan trọng nhất đối với tôi là họa sĩ thiết kế và quay phim. Ê-kíp chúng tôi đã làm với nhau cả chục năm rồi. Chúng tôi luôn muốn học hỏi khám phá và ngày càng hoàn thiện, tất cả đều nhiệt huyết và dám làm, làm đến cùng. Phải kể tới Phan Trọng Bích là một trong những người làm khói lửa tốt nhất miền Bắc hiện nay. Vũ Anh Tú là một trong những gạo cội, phim này anh đứng vai trò họa sĩ thiết kế. Giám đốc hình ảnh Lý Thái Dũng, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn là những nhà quay phim hàng đầu phía Bắc hiện nay, từng quay hàng chục phim chiến tranh.

Với phim này, đoàn làm việc rất căng, nhiều khó khăn, chịu nhiều áp lực trong đó thời gian là vấn đề lớn nhất. Tuy nhiên chúng tôi là lính chiến, đủ độ lỳ lợm, không bao giờ chịu lùi bước.

* Khán giả đã xem Những người viết huyền thoại đều đang chờ xem anh làm gì với Đường lên Điện Biên, nhiều người có vẻ kỳ vọng.

Cảnh trong phim Đường lên Điện Biên

Cảnh trong phim Đường lên Điện Biên

- Làm phim truyền hình sẽ khác nhiều so với phim điện ảnh đấy. Với phim màn ảnh rộng, người đạo diễn có thể triển khai những đại cảnh hoành tráng, còn truyền hình thì cách dàn dựng hoàn toàn khác. Dù bạn có làm gì thì cuối cùng người ta cũng chỉ là xem trên màn hình ti vi nhỏ xíu mà thôi. Vì thế tôi làm phim truyền hình thì thường thiên về đầu tư cho tình huống, chi tiết để khán giả được trải nghiệm nhiều cảm xúc đa dạng. Về phần hiệu ứng chiến tranh trong phim được đầu tư kỹ lưỡng, hoàn toàn làm trong nước.

Trong phim sẽ có nhiều chi tiết lạ mà ít khi khán giả thấy trong phim truyền hình. Chúng tôi cố gắng tái hiện đời sống của chiến sĩ, của anh chị em dân công hỏa tuyến với nhiều chi tiết ấn tượng... Làm phim truyền hình, ngoài đối thoại thì phần quan trọng nhất tạo nên tính hấp dẫn của bộ phim là ở những chi tiết.

* Làm cẩn thận chi tiết tới vậy, chắc chắn dàn diễn viên trẻ của anh phải rất vất vả để hóa thân được vào thời kỳ đó?

- Đây chính là thách thức lớn, vì diễn viên trẻ không có trải nghiệm nhiều, họ cũng ít khi nghiên cứu, đọc và tham khảo. Họ làm phim hiện đại quen cách hành xử hiện đại, có nhiều chi tiết trong diễn xuất nếu đạo diễn không để ý sẽ vuột ra khỏi tầm tay.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

“Đường lên Điện Biên” - lãng mạn và bi tráng

Một câu chuyện từ 1954 với những chàng vệ quốc đoàn hào hoa rời Thủ đô đi kháng chiến và những cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp nết na. Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí ngàn năm hội tụ ở một thế hệ cha ông được thể hiện bởi một câu chuyện lãng mạn mà bi tráng. Tổ quốc và tình yêu là chủ đề xuyên suốt của bộ phim.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm