29/05/2018 07:03 GMT+7
(lienminhbng.org) - Mùa hè luôn là khoảng thời gian con trẻ háo hức mong chờ nhất trong năm. Đó là thời điểm chúng không còn gánh nặng bài vở, thi cử và được xả hơi theo sở thích.
Bởi thế, như một tất yếu, phim dành cho trẻ em vào mùa hè luôn là một nhu cầu có thật. Và không bao giờ đủ.
Nhưng, cách dán nhãn phim hiện tại thì trẻ em là những khán giả dưới 13 tuổi, nên chỉ có một hạng nhãn để xem là P - phim dành cho mọi đối tượng. Và, khi khảo sát những phim đang chiếu và sắp chiếu của các cụm rạp lớn thì ngoài phim hoạt hình trẻ em có rất ít phim để xem. Tất nhiên, phim Việt thì lại càng khan hiếm.
Hè năm 2017 có hơn 10 phim dành cho trẻ em, trong đó có hai phim Việt là Vú em tập sự (đạo diễn: Bùi Văn Hải) và Anh em siêu quậy (đạo diễn: Lê Bảo Trung). Năm nay dù Nhắm mắt thấy mùa Hè (đạo diễn: Cao Thúy Nhi) cũng dán nhãn P, nhưng không phải phim thực sự có chủ đề trẻ em.
Bởi thế, hiện tại, trẻ em muốn xem đúng thể loại của mình chỉ có thể là hoạt hình nhập ngoại, đang có các phim như Doraemon: Nobita và đảo giấu vàng, Giải cứu Tí Nị, Kikoriki du hành vượt thời gian, Leo Da Vinci: Truy tìm kho báu…
Một gương mặt được trông đợi là đạo diễn Lê Bảo Trung, người trong ba năm liên tiếp,đã có các phim trẻ em như Bảo mẫu siêu quậy (2015), Bảo mẫu siêu quậy 2 (2016), Anh em siêu quậy (2017). Vậy nhưng, Trung lại bảo rằng phải “né” World Cup 2018. Bởi, dù là phim trẻ em, nhưng thông thường bọn trẻ khó có thể thể tự đến rạp, mà phải có cha mẹ hoặc người lớn đi cùng. Mà người lớn, giống như anh, tất nhiên đã bị hút hồn vì… bóng đá.
Trung từng chia sẻ: “Anh em trong nghề ai cũng biết làm phim trẻ em rất khó. Bạn cũng thấy là ngay cả phim Mỹ cũng rất ít có phim dành cho các bé mà diễn viên chính từ 3 đến 6 tuổi. Vì để điều khiển các bé diễn theo đúng tâm lý nhân vật và diễn biến của kịch bản không dễ dàng chút nào. Cho nên phần lớn họ chuyển qua làm hoạt hình hết trơn rồi.”
Một người hoạt động trong giới phát hành phim (muốn giấu tên) nói rằng thực tế đã có nhiều phim dán nhãn P ở nước ngoài, nhưng khi nhập về Việt Nam phải dán nhãn C13 - phim dành cho khán giả trên 13 tuổi, nên cũng là một khó khăn. Đành rằng văn hóa và luật pháp mỗi nơi mỗi khác, nhưng điều này vẫn dễ khiến các nhà phát hành lo ngại khi nhập phim trẻ em nói riêng và phim C13 nói chung, nên nếu cần thì nhập phim hoạt hình. Đây là chưa nói những phim nhãn P thì thường khó đình đám, khó thu hút phòng vé.
Mà không chỉ dịp Hè, trong suốt một năm, các phim mà trẻ em có thể xem được cũng khá ít, đa số vẫn là C13 trở lên, thậm chí gần đây còn phổ biến C18 - phim dành cho khán giả trên 18 tuổi. Điều này có thể gián tiếp “đẩy” trẻ em lên mạng, vào trò chơi điện tử, điện thoại thông minh…, nơi mà sự kiểm soát nội dung sẽ khó hơn rất nhiều.
Năm 2016, có khoảng 40 phim Việt được sản xuất, chỉ có một phim cho trẻ em. Năm 2017 cũng vậy, có gần 60 phim Việt, chỉ có một phim trẻ em. Năm 2018 thì tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn.
Trước đây, khi các đài truyền hình lớn còn có chủ trương đặt hàng làm các phim truyền hình cho trẻ em, phim cổ tích, phim danh nhân…, hiện nay điều này khá khan hiếm. Các múi giờ dành cho gia đình ở các kênh giải trí chủ yếu là trò chơi truyền hình, hoặc các phim dài tập “lừa tình, lừa tiền”, “âm mưu làm giàu”, “trả thù”…
Vẫn biết, phim hè cho trẻ em là câu chuyện khó đủ bề. Nhưng chẳng lẽ, năm này qua năm khác, chúng ta cứ phải tặc lưỡi và đặt vào tay các em chiếc ipad để giải quyết câu chuyện ấy? Nên nhớ, nhiều kênh trên YouTube có lượng trẻ em xem khổng lồ, nhưng nếu xét theo tiêu chí dán nhãn thì lại không phù hợp.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất