Đèn kéo quân – sản phẩm “thuần Việt” cần phát triển

02/10/2009 12:43 GMT+7 | Yêu Hàng Việt

(Bài dự thi) - Tôi lớn lên ở  vùng trung du Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp. Suốt cả tuổi thơ chưa bao giờ biết đến hai chữ Trung Thu. Chỉ được mẹ bảo cho biết một năm có ngày Rằm tháng Tám gọi là Trung Thu.

Mùa Trung Thu có hồng có thị, có bưởi có na sắm từ vườn nhà. Sau này về nơi phố phường thấy trẻ đón Trung Thu có đèn ông sao, đèn tôm cua cá phất bằng giấy ngũ sắc, rồi cả cây đèn ông sư thắp nến đẩy trên mặt đất. Cũng chẳng hiểu sao người ta gọi cây đèn xoay tít dưới ánh nến phập phù là đèn ông sư. Chỉ khi thấy cái mũ của Đại sư trong ngày lễ chùa múa Lục cúng mới biết lai lịch của tên gọi ấy.

Nhưng có một cây đèn tôi chưa từng được nhìn thấy mà chỉ được nghe bố mẹ kể về nó đặc biệt ấn tượng, đó là đèn kéo quân. Đèn kéo quân được dùng để chơi trong ngày Tết, rằm Trung Thu và  những tháng ngày hội hè.

Ngày xưa không có điện đóm gì. Khi đĩa dầu lạc trong cây đèn thắp bấc được đốt lên, hơi nóng bốc làm xoay chong chóng ở nóc đèn thì vách đèn hiện lên cảnh voi chiến ngựa chiến, những ông tướng cầm gươm kéo theo đoàn quân chạy vòng tròn lúc đen nhức lúc xa mờ. Trong ánh sáng lu mu  tha hồ mà tưởng tượng.  Đó là trò chiếu bóng sơ khai của đất Việt quê mình.

Đèn kéo quân


Chơi đèn kéo quân không chỉ là thú chơi của trẻ con. Người lớn chơi đèn là chính. Trò ấy giống như  trò chơi diều. Cánh diều của trẻ con rộng vài gang tay, cánh diều của người lớn thì to dài hàng mét có sáo đơn sáo đôi. Dây diều của trẻ con là sợi chỉ, dây diều của người lớn gót bằng cật tre ngâm, dẻo to gần như sơi bún. Đèn kéo quân cũng vậy. Cây đèn phất  chơi  cho trẻ đơn sơ, nhưng đèn của người lớn vừa to vừa cầu kỳ, diêm dúa, trang trí các tua ngũ sắc vành ngoài.

Có đèn một tầng, có đèn nhiều tầng, ngoài voi ngựa lính chiến còn có các con giống gắn vào, chạy  mải miết theo vòng xoay rất vui mắt. Bố tôi kể đèn to nhất còn gọi là đèn bệ. Làm cây đèn bệ có cái  to gần bằng sập gụ, mất hàng tháng trời với thợ khéo tay. Chỉ những đại gia, những quan châu, quan huyện mới có tiền thuê làm những chiếc đèn ấy để đặt tại gian chính trong nhà. Mặt ngoài của đèn phất bằng lụa trắng để hình quân binh tướng, voi ngựa hiện lên lung linh. Bố bảo khi đèn đủ sức nóng cho chong chóng xoay đều, đoàn quân lao nhanh như xung trận, tưởng như nghe thấy tiếng voi gầm ngựa hí rung chuyển đất trời. Đó là hình ảnh chiến trận xưa vọng về. Cây đèn nhắc lại những cuộc chinh chiến miên man để giữ đất giữ nước trong lịch sử dài của dân tộc ta với phong kiến Bắc triều. Thì ra trong trò chơi dân ta cũng không quên được chuyện giặc giã.

Đèn kéo quân là sáng tạo khá độc đáo của người Việt, nó gần gũi với người dân quê trong cảm nhận về đời sống xã hội, khác hẳn với cây đèn lồng vương giả trong khuê phòng, chốn ăn chơi của phong kiến Trung Hoa du nhập vào ta.

Lâu nay  đèn lồng từ Hội An ra, từ biên giới phía Bắc về tràn lan, người ta lạm dụng những thứ đèn lồng ấy. Cây đèn kéo quân độc nhất vô nhị đặc sắc lại bị bỏ quên. Tôi nghĩ rằng từ bây giờ Hà Nội nên phát động một cuộc thi  làm đèn kéo quân, kể cả đèn bệ, để những nghệ nhân cuối cùng của cả nước có dịp trở lại trổ tài với cái nghề gần thất truyền này, để sang năm vào dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long có một cuôc trưng bày đèn kéo quân các cỡ  ở khắp các nơi trong năm cửa ô thì ấn tượng biết bao. Chiếc đèn kéo quân có hồn Việt chứa  chất trong đó.

Tôi chưa từng trông thấy đèn kéo quân, kể cả đèn bệ. Tất cả câu chuyện này nằm trong kí ức của tôi do bố mẹ kể lại. Cây đèn kéo quân rất  đáng được phục hưng, nhất là trong dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long.

Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm