29/06/2018 15:11 GMT+7 | Quán tốt-Món ngon
(Du lịch - lienminhbng.org) - Bún cá, nấm tràm, bánh thốt nốt hay cà xỉu là những món ngon lạ miệng, quen thuộc và rất phù hợp với du khách khi có dịp du hí đến Kiên Giang
Nấm tràm
Loại nấm này là đặc sản của đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Sau khi hái nấm tràm về, người ta gọt bỏ lớp vỏ dính bùn đất, rửa thật sạch và luộc chín nấm, sau đó ngâm nước lạnh.
Khi nấu, người dân thường phi tỏi thật thơm, sau đó mới cho nấm vào, nêm nếm vừa ăn. Bạn có thể ăn nấm xào, hoặc nấm nấu thịt băm, thịt gà và trứng đều ngon.
Nấm cũng được xào chung với tép bạc, các loại rau củ, tôm, mực cũng rất hấp dẫn.
Nấm tràm nấu canh bí là món ăn quen thuộc dễ tìm, khi ghé Phú Quốc bạn có thể thưởng thức tại các quán cơm bình dân.
Bún cá
Bún cá có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây nhưng mỗi vùng miền lại có cách nấu món bún này khác nhau. Bún cá Kiên Giang ngon nhất phần thịt cá tươi, đó là những con cá lóc béo tròn được bắt trên các dòng sông, đồng ruộng.
Cá thường được luộc chín, cắt lát và róc hết xương. Nước dùng khá đơn giản là dùng nước luộc cá cùng với hành tỏi phi thơm và một ít gạch tôm tạo màu bắt mắt.
Khi thưởng thức người nấu sẽ đổ nước nóng cho rau, giá sống cho chín tái. Sau đó bỏ ít thịt tôm đã xào săn vào tô và cho bún cùng nước dùng lên. Món này sẽ ăn cùng với nước mắm ớt và chanh.
Quán ăn trên đường Mạc Cửu, hay gần chùa Quán Đế chính là địa chỉ được nhiều người tìm đến khi muốn thưởng thức món ăn này.
Bánh thốt nốt
Nước dùng ngọt thanh vị đường thốt nốt, béo của cốt dừa cùng những sợi bánh canh trắng múp, dai dẻo và cả vị bùi bùi của đậu phộng, sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ bụng hơn. Món ăn đặc biệt này ở Kiên Giang chắc chắn sẽ làm hài lòng thực khách khó tính nhất.
Để có những loại bánh đặc biệt này, người dân miền Tây xay gạo thành bột mịn. Sau đó, vo thành những cục bột nhỏ và cán dẹt bột vào thành chai thủy tinh. Đây là công đoạn tỉ mỉ thể hiện sự khéo léo của mỗi người khi vừa phải cầm cổ chai, vừa lăn vòng, lại đưa lưỡi dao xắt từng miếng bột thành sợi nhỏ vào nồi nước đang sôi. Cái tên bánh canh gạo xắt được người địa phương gọi món ăn này có lẽ vì như vậy.
Sợi bánh đạt chuẩn khi ra thành phẩm là những sợi dài, dầy vừa phải. Sau đó người dân mua thêm dừa ngoài chợ, nạo dừa và vắt nước cốt, bã bỏ riêng
Cho phần nước cốt vào nồi pha thêm chút nước đun đến khi sôi thì cho vài cục đường thốt nốt vào chờ cho đến lúc đường tan chảy hết rồi lược hỗn hợp bỏ cặn đường. Sở dĩ phải nấu với đường thốt nốt mà không thể nấu với đường cát vì thốt nốt sẽ cho màu vàng óng ánh làm nồi bánh canh bắt mắt hơn.
Để món bánh canh thêm đậm đà khi nhấc nồi xuống người nấu thường cho thêm chút muối và một nhúm đậu phộng giã nhuyễn. Người dân ở đây thường dùng món bánh cho bữa sáng và xế chiều. Món này không nên ăn quá no bởi vị ngọt béo sẽ gây cảm giác ngán, nên ăn chỉ một chén lưng lưng bụng, vừa thòm thèm, vừa cảm nhận vị ngon mới thấy hết tinh hoa ẩm thực đất Kiên Giang.
Cà xỉu
Cà xỉu có vẻ bề ngoài giống hải sản vì có hai mảnh vỏ nhưng cũng lại có nét giống loài côn trùng vì có hai râu dài. Thoạt nhìn món này, người ta có cảm giác sợ vì hình dáng kì quái. Cà xỉu thường được dùng để làm mắm ăn rất đưa cơm.
Cà xỉu ăn ngon nhất là khi bạn muối buổi sáng và xào vào bữa cơm buổi tối, lúc đó, vị mặn của muối chưa ngấm.
Có cà xỉu ngon, bạn chỉ cần phi thêm tỏi thật thơm, nêm gia vị đảo đều, thêm chút tiêu, đường cho vừa miệng. Khi ăn, bạn chú ý chỉ tách lớp vỏ bên ngoài và ăn thịt bên trong, ngon và bổ nhất vẫn là phần râu ăn rất giòn.
Cà xỉu chỉ cần ăn với cơm trắng dẻo cũng đủ ngon miệng, đây cũng chính là món ăn lạ bạn nhất định phải thử khi tới Kiên Giang.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất