Man United: Ai dám nói Van Persie đã hết thời?

31/10/2014 07:25 GMT+7

(lienminhbng.org) - Sự nghiệp của Robin van Persie ở Manchester United đang sa sút? Hoàn toàn không đúng. Những con số thống kê gần đây cho thấy anh đang ở đỉnh cao.

Thoạt trông, những gì mà tiền đạo người Hà Lan đang trải qua ở Old Trafford có thể được tổng kết qua một hình dung nổi tiếng của cựu HLV ĐT Anh Sven-Goran Eriksson về những gì Tam sư thể hiện: “Hiệp 1 tốt, hiệp 2 không tốt lắm”.

Hiệu suất đáng nể

Chúng ta đều đã chứng kiến “sự sa sút” của Van Persie: từ chỗ là tiền đạo một tay đưa Man United tới chức vô địch Anh thứ 20 ngay mùa đầu tiên ở CLB mới, anh đang trở thành sự nghi ngờ của tất cả mọi người trong giai đoạn khởi đầu mùa giải này. Những pha dứt điểm hỏng nhiều hơn, những chấn thương thường xuyên hơn và những bàn thắng ngày càng ít đi, hay rất rõ ràng là ít hơn so với những ngày đầu của anh ở Man United.

Nhưng sự thật thì sao? Sự nhẹ nhõm mà Van Persie thể hiện khi ghi bàn gỡ hòa ở những phút bù giờ vào lưới Chelsea hôm Chủ nhật không phải là điển hình cho những đóng góp tuyệt vời của tiền đạo người Hà Lan trên thực tế cho Man United. Về mặt thống kê, sự nghiệp của Van Persie ở Man United hiện là “hiệp 1 tốt, hiệp 2 còn tốt hơn”.

Với bàn thắng vào lưới Chelsea hôm Chủ nhật, Van Persie đã lọt vào danh sách 50 chân sút xuất sắc nhất mọi thời của Man United. Với 51 bàn và ở tuổi 31, anh sẽ không bao giờ đuổi kịp kỷ lục 249 bàn của Sir Bobby Charlton, nhưng tỉ lệ bàn thắng ghi được mỗi trận của anh tốt hơn so với cả 3 người ở Top 3 danh sách đó, Charlton, Denis Law và Wayne Rooney.

Chỉ Tommy Taylor (0,69 bàn/trận), Ruud van Nistelrooy (0,68) và Dennis Viollet (0,61) là làm tốt hơn tỉ lệ 0,60 bàn/trận của Van Persie trong lịch sử Man United. Law, xếp thứ 2 trong danh sách tổng bàn thắng sau Charlton với 237 bàn, đứng ngay sau Van Persie về hiệu suất, với 0,58 bàn/trận.

Những thống kê đó không nói lên tất cả, khi nhiều CĐV vẫn có thể cho rằng tỉ lệ ghi bàn của Van Persie ấn tượng là nhờ khởi đầu khó tin của anh ở Man United sau khi chuyển tới từ Arsenal hồi năm 2012. Nhưng trên thực tế, hiệu suất của tiền đạo người Hà Lan trong thời gian gần đây, ngay cả dưới thời David Moyes, không hề kém hơn so với những tháng đầu ấn tượng của anh ở Old Trafford.

25 bàn đầu tiên trong mùa giải ra mắt ấn tượng với Man United cần tới 43 trận. 25 bàn tiếp theo, bất chấp những chấn thương và sự sa sút chung của cả đội dưới thời Moyes, chỉ mất 38 trận. Van Persie đá 28 trận cho Man United mùa trước, những đã ghi tới 18 bàn, bao gồm một hat-trick ở Champions League vào lưới Olympiakos.

Hợp hơn với vị trí tiền đạo cắm

Mùa này, bàn thắng của anh vào lưới Chelsea là bàn thứ 3 sau 8 trận, một giai đoạn mà tân HLV Louis van Gaal thừa nhận là đáng thất vọng với trung phong cắm của ông. Nhưng trước Chelsea, màn trình diễn toàn diện của Van Persie là sự gợi ý quan trọng rằng anh sẽ trở lại với đỉnh cao như những ngày đầu ở Man United.

Trong trận đấu đó, chân sút này đã được chơi ở vị trí quen thuộc: một mình trên hàng công, và anh đã dẫn dắt Man United rất hiệu quả, dẫn tới phần thưởng xứng đáng là bàn thắng gỡ lại 1 điểm cho đội chủ nhà vào cuối trận. Lần gần nhất Man United ghi một bàn thắng như thế: làm thay đổi kết quả và ở phút bù giờ, là cú đá phạt của Van Persie vào lưới Manchester City tháng 12/2012.

Có lẽ màn trình diễn của anh hôm Chủ nhật cho thấy Van Persie hợp hơn với vai trò tiền đạo cắm đơn độc, vị trí anh đã chơi ở mùa giải Man United vô địch, nhưng chỉ xét về số bàn thắng, phong độ của anh không hề sa sút. Mùa giải 2012-13, các dữ liệu khác của Van Persie, số pha chạy nước rút, khoảng cách di chuyển, chuyền bóng, tranh cướp, đều thấp hơn, cũng là tình hình chung của Man United.

Nhưng dưới thời Van Gaal, những tín hiệu tích cực đang lớn dần và sẽ là quá vội vã nếu kết luận rằng Van Persie đã hết thời ở Old Trafford.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm