08/10/2014 18:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Năm 1885, quân đội Pháp có ba xe ngựa kéo ở Hà Nội - theo một tài liệu, nhưng sau đó năm 1886, Hà Nội có hai chiếc ô-tô. Điều này chưa được kiểm chứng, vì có vẻ sớm quá, trong khi ở châu Âu, đây mới là thời điểm ra đời của ô-tô…
Người đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) từng nói: Làm ra của cải là đạo lý lớn. Không thể coi thường. Mặc dù xã hội Việt Nam có thương mại và sản xuất tiểu thủ công ở mức độ nhất định, nhưng tư tưởng “trọng nông ức thương” - trọng nông nghiệp, hạn chế thương nghiệp - vẫn là chủ đạo trong thời Nguyễn. Không ít trí thức, quan lại thời Nguyễn muốn khuyên can vua cải cách xã hội, đưa những phát kiến trí thức mới vào Việt Nam, như Nguyễn Trường Tộ, nhưng không được chấp nhận. Và khi người Pháp đem sang những công nghệ mới, làm thay đổi hoàn toàn cái xã hội phong kiến cổ xưa thì lúc đó người Việt muốn đứng ngoài cũng chẳng được.
Vài ba phương tiện thô sơ ban đầu: xe đạp, xe tay, xe xích lô và xe ngựa đóng kiểu phương Tây, chưa báo hiệu một sự thay đổi lớn lao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai đối với thế giới, nhưng máy ảnh, tàu hỏa đã rung lên hồi chuông báo hiệu mới và nhất là khi những tàu thủy chạy hơi nước vào tận sông Hồng, sông Sài Gòn, thì người Việt Nam thực sự nhìn thấy mình bất lực thế nào trước công nghệ phương Tây.
Phản ứng với văn minh phương Tây có rất nhiều thái độ: Thoạt tiên là do lòng yêu nước mà bài ngoại, nghĩa là tất cả những cái gì của Tây đều xấu xa và dã man. Người Việt cũng như người Trung Quốc tự thấy mình là văn minh còn giống Tây dương “bạch quỷ” kia là giống man rợ. Song thái độ đó không giữ được lâu, khi sau những trận chiến quân đông hơn gấp bội mà vẫn thua súng ngắn, súng dài của người phương Tây, kể cả nước lớn Mãn Thanh, thì ở phương Đông dẫn đến thái độ quay ngược hẳn lại: sùng bái kỹ nghệ và văn minh phương Tây. Cuối cùng là tìm cách hòa nhập, hô hào cách tân, như ở Việt Nam là học chữ quốc ngữ, cắt tóc ngắn, mặc âu phục. Trong thái độ này buộc người Việt phải nhận ra vấn đề, muốn yêu nước, giải phóng đất nước không thể không học tập khoa học kỹ thuật tiên tiến; và văn minh phương Tây cùng chủ nghĩa thực dân hoàn toàn có thể là hai vấn đề khác nhau.
Chiếc ô-tô đầu tiên được trông thấy ở Việt Nam có lẽ là của một linh mục người Pháp tên Puginier. Người ta cho rằng sự xuất hiện của chiếc ô-tô này vào năm 1901. Thời điểm đó, trong thành phố cũng chỉ có ít xe ngựa kéo, chủ yếu phục vụ cho quân đội Pháp. Việc xuất hiện xe ô-tô ban đầu vào năm 1885, người ta không đánh giá quá cao về tốc độ của nó so với xe ngựa, nhưng nó đã thực sự làm cho nhiều thành phố đỡ được cái nạn hót phân ngựa, mà điển hình như New York bình quân mỗi ngày là 10 ngàn tấn phân rơi vãi trên đường phố. Mặc dù có nhiều người làm việc để chế tạo xe hơi, nhưng bằng phát minh đầu tiên thuộc về Karl Benz ở Đức cho chiếc xe hơi chạy bằng động cơ xăng (động cơ Otto), năm 1885, (bằng được cấp 29/1/1886). Cũng từ năm 1886 - 1889 có nhiều nhà kỹ thuật cũng được cấp bằng cho phát minh về ô-tô (tham khảo Wikipedia). Việc phát minh ra xe ô-tô phụ thuộc vào phát minh động cơ đốt trong suốt trong thế kỷ 19, ít nhất từ năm 1806. Từ thời điểm 1885 đến 1900 có 15 năm, mà ô-tô đã xuất hiện ở Hà Nội, cũng là rất mau chóng rồi.
Sự xuất hiện của Nhà máy điện Yên Phụ cũng là thay đổi lớn với một thành phố dùng đèn dầu và nến thắp về đêm như Hà Nội, tất nhiên ban đầu nó phục vụ cho chính quyền và công chức Pháp. Có điện và động cơ điện, thì xe chạy điện chỉ còn là một bước. Tuyến xe điện nội thành Hà Nội bắt đầu hình thành từ những năm cuối thế kỷ 19. Năm 1899, Công ty Thổ địa Đông Dương đặt đường xe điện Hà Nội, lấy Bờ Hồ làm trung tâm, đi Bưởi dài 5,5 km, đi Bạch Mai dài 3,5 km, đi ấp Thái Hà dài 4,2 km (năm 1904 mới nối đến Hà Đông 10 km). Năm 1909, mở tuyến Yên Phụ - Kim Liên. Năm 1943, tuyến Kim Liên - Bạch Mai. Ngày 10/11/1901, tàu điện bắt đầu chạy ở Hà Nội. Và sau này thêm tuyến đi Cầu Giấy.
Trong bài Nhớ tàu điện Hà Nội của Ngô Văn Phú, (đăng trên trang www.soi.com.vn, ngày 28/9/2010, và lấy theo An ninh Thủ đô, 2007) có đoạn mô tả về tàu điện:
Tàu thường mắc hai toa hoặc ba toa. Toa đầu có lắp máy… Người Whatman (lái tàu điện) đứng ngay ở đầu toa. Máy đặt trong một khung sắt kín trên mặt là tay lái, có thể tháo rời ra, sau khi rút khỏi cái hộp số tốc độ.
Tay cầm lái, mắt ông ta nhìn thẳng về phía trước xem đường chỗ nào đi thẳng, chỗ nào rẽ trái rẽ phải, chỗ nào vào đường đợi tránh tàu… Chân người Whatman, thường đặt hờ lên cái cần chuông… Mỗi khi vào ga, hoặc xuất phát, qua ngã ba, qua chỗ đông người, ông ta lại giậm mấy cái: Keng… keng… keng… keng…
Người bán vé có cái cặp bằng da, trên để những xấp vé dài khoảng hai ngón tay khép lại. Khi nhận tiền xong thì xé vé, đưa cho người đi tàu và lưu cuống lại… Ông ta thường ít nói, nhìn thấy ông là lấy tiền ra rồi cầm vé. Có ai hơi mải chuyện hay lơ đãng là ông vỗ vai nhẹ một cái là khách hiểu ý ngay…
Ở hai đầu đất nước, xã hội phong kiến dần dà chứng kiến những thay đổi không cưỡng lại được và đối với nhiều người đó là cái gì không thể hiểu. Người dân thông thường thì nhanh chóng làm quen với tiện nghi. Sài Gòn có xe lửa và Hà Nội có tàu điện, há chẳng đi nhanh hơn xe ngựa và đi bộ hay sao?
Những chiếc ô-tô đầu tiên ở Hà Nội |
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất