Di tích và 'bản đồ hỏa hoạn'

08/11/2016 07:55 GMT+7

(lienminhbng.org) - Chỉ vài ngay sau vụ cháy khủng khiếp trên phố Trần Thái Tông, một đám cháy thứ hai lại diễn ra tại Hà Nội. Trong đêm 4/11, ngọn lửa bất ngờ bốc cao tại chùa Sải (Tĩnh Lâu) và thiêu cháy hoàn toàn khu nhà thờ Tổ rộng gần 300 mét tại di tích ven Hồ Tây này.

Với sự kinh hãi còn nguyên từ đám cháy ở Trần Thái Tông, không có gì lạ khi thông tin về vụ cháy chùa Sải lại lan truyền với tốc độ "siêu nhanh". Từ 1h ngày 5/11, khi một vài hình ảnh và clip ban đầu về sự việc được đưa lên mạng xã hội, rất nhiều người đã vừa chia sẻ những nuối tiếc, những hoài niệm về ngôi chùa này, vừa hồi hộp dõi theo diễn biến được cập nhật.


Ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ gian nhà tổ của ngôi chùa cổ. Ảnh: Otofun.net.vn

Để rồi, khi biết tin đám cháy chỉ kịp hủy hoại khu nhà Tổ mà chưa kịp lan sang những kiến trúc quan trọng xung quanh, ít nhiều người ta đã có thể thở phào. Và, sau cái thở phào ấy, rất có thể, đám cháy tại chùa Sải sẽ lại dần trôi vào sự lãng quên của những ai từng quan tâm, khi mà những phần giá trị nhất của ngôi chùa cổ này vẫn may mắn còn nguyên vẹn.

Nhưng, nếu liệt kê lại câu chuyện về sự xuất hiện của "bà hỏa" tại các di tích, hẳn chúng ta sẽ không còn được... nhẹ lòng như vậy.

***

Chục năm qua, những đám cháy tại các Di tích quốc gia vẫn diễn ra đều đặn. Đó là trường hợp của chùa Bút Tháp tại Bắc Ninh (2015), của đền thờ Lê Lai tại Thanh Hóa (2013), của chùa Hội Sơn tại TP.HCM và chùa Tắc Gồng tại Sóc Trăng (2012), của chùa Tảo Sách tại Hà Nội (2011)...

Ở đó, có những trường hợp di tích may mắn chỉ bị thiêu hủy một số kiến trúc, như trường hợp chùa Bút Tháp và chùa Sải. Và cũng không ít lần, toàn bộ di tích bị... xóa sổ trong sự chua xót của những người nghiên cứu di sản, như trường hợp chùa Hội Sơn, hay trước đó nữa là chùa Dơi tại Sóc Trăng.

Hàng chục lần, các chuyên gia đã "mỏi miệng" lưu ý dư luận về khả năng dễ bắt lửa mỗi khi gặp sự cố tại các di tích - vốn có cấu kiện chính là gỗ lâu năm quét sơn ta. Kèm thêm vào đó là vô vàn hạn chế khác về khuôn cửa hẹp tại đình chùa, về kết cấu so le khá phổ biến của các quần thể di tích (khiến xe cứu hỏa không vào nổi), về việc các hệ thống dây điện ở đây cần được bố trí lại theo những yêu cầu đặc thù nhằm đảm bảo an toàn.

Để rồi, cứ theo thời gian, chúng ta lại thấy "bản đồ hỏa hoạn" của di tích vẫn được bổ sung thêm, với những vụ cháy mới lần lượt xuất hiện tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Nam, TP.HCM....

***

Sẽ rất dễ để nói về trách nhiệm của ngành quản lý và những bên liên quan. Và cũng rất dễ, để đưa ra một kết luận theo kiểu "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nghĩa là các di tích phải chủ động lo ngăn chặn "bà hỏa" ngay từ bây giờ.

Nhưng, từ nói tới làm vẫn luôn là một khoảng cách khá dài. Nhất là khi, hàng ngàn di tích trên toàn quốc hiện nay vẫn còn đang được quản lý theo những mô hình rất khác nhau, với những điều kiện cũng rất khác nhau để xin kinh phí đầu tư hoặc thu hút xã hội hóa.


Hiện trường vụ cháy quán karaoke ở phố Trần Thái Tông. Ảnh: TTXVN

Hơn một tháng trước đám cháy tại quán karaoke phố Trần Thái Tông, một vụ việc tương tự cũng từng xảy ra tại phố Nguyễn Khang. Và bây giờ, đã có ý kiến nhắc lại việc dư luận khi đó quá quan tâm tới việc cười cợt một nữ nhân viên lấy áo lót chống sặc khói mà ít chú ý tới một thực tế: những quán karaoke rất dễ trở thành mồi ngon của "bà hỏa".

Còn bây giờ, khi chùa Sải không bị tổn hại quá nhiều, chí ít chúng ta cũng hãy nhớ tới một thực tế không hề vui: "bản đồ hỏa hoạn" tại các di tích vừa có thêm một điểm mới.


Video Chùa Sải cháy rực trời

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm