28/11/2019 07:26 GMT+7
(lienminhbng.org) - Hà Nội đang có khoảng 115 không gian văn hóa sáng tạo và dẫn đầu cả nước về mô hình này. Đó là thống kê được đưa ra trong cuộc tọa đàm về không gian sáng tạo vừa được tổ chức vào cuối tuần qua.
Thực tế, vài năm qua, khái niệm “không gian sáng tạo” vẫn được chúng ta nhắc tới khá nhiều - nhất là khi Hà Nội vừa được UNESCO ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới (tháng 10/2019). Vắn tắt, dù gắn với mỹ thuật, thời trang, kiến trúc, công nghệ…đó đều là những không gian để cộng đồng những người làm công tác “sáng tạo” cùng chủ động kết nối, trao đổi và tạo điều kiện cho sản phẩm ra đời.
Một mặt, sự xuất hiện của những không gian sáng tạo này cho thấy bước phát triển của ngành công nghiệp văn hóa - vốn là lựa chọn tất yếu ở những đô thị tập hợp nhiều nguồn tri thức trên thế giới. Mặt khác, ngần ấy không gian sáng tạo cũng đi kèm với những thách thức để thật sự phát huy hiệu quả - khi mà mô hình này cũng vẫn còn tương đối mới tại Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà tại tọa đàm, báo cáo của Hội đồng Anh đã chỉ ra: Nhiều không gian sáng tạo tại Hà Nội vẫn mang tính tự phát, thiếu định hướng, gặp hạn chế trong hoạt động. Và không ít trong số đó rơi vào cảnh... chết yểu chỉ sau một thời gian ra đời.
***
Trong rất nhiều thách thức, bài toán “kinh điển” với mỗi không gian sáng tạo luôn là chuyện địa điểm - kèm theo quy mô của không gian. Bên cạnh các đòi hỏi đặc thù với đội ngũ “khởi nghiệp” như rẻ về giá thuê, ổn định về... chủ nhà (để có thể tồn tại lâu dài), mô hình này còn luôn đòi hỏi một diện tích đủ rộng, để các đơn vị sáng tạo có thể cùng làm việc, kết nối và tổ chức với quy mô lớn.
Đó cũng là vấn đề từng đặt ra với các không gian sáng tạo ở nhiều thành phố trên thế giới. Bởi thế, trong rất nhiều trường hợp, không gian sáng tạo được hình thành trên cơ sở tận dụng các khu phố bỏ hoang, hoặc nhà xưởng, khu công nghiệp cũ (đã di dời sau nhiều năm hoạt động) vốn có nhịp kết cấu khổ lớn, mặt bằng rộng và... giá thuê khá phải chăng. Khá nhiều trong số đó đã trở thành những không gian sáng tạo khá nổi tiếng - mà khu 798 (được hình thành từ một cụm nhà máy quân sự cũ tại Bắc Kinh, Trung Quốc) là ví dụ.
Thậm chí, tại Hà Nội vào năm 2013, khu Zone 9 - được hình thành với việc thuê lại diện tích của một cụm kho dược phẩm cũ trên phố Trần Thánh Tông - cũng có thể coi là một cách tiếp cận thành công theo hướng này. Ở thời điểm phát triển nhất, với hơn 60 đơn vị kinh doanh và hàng trăm nhân viên, khu vực này đã từng được coi là mô hình tổ hợp sáng tạo lớn nhất Việt Nam về nghệ thuật - cho dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần hạn chế.
Như chia sẻ của KTS Đoàn Kỳ Thanh (một trong những người sáng lập Zone 9) với người viết khi đó, mức giá thuê rẻ (có khu vực chỉ 50 ngàn đồng/m2/tháng), vị trí trung tâm nằm giữa Hà Nội và vẻ xưa cũ được “cách tân” bằng trang trí của các nghệ sĩ chính là những yếu tố gợi cảm hứng để người làm nghệ thuật tới đây “đóng đô”.
Bởi thế, trong bối cảnh dư luận đang băn khoăn trước việc các cao ốc và cụm chung cư nối nhau mọc lên ở nội đô, câu chuyện về việc thiết lập các không gian sáng tạo từ những nhà máy, nhà tập thể, khu sản xuất... cũ tại Hà Nội lại càng có ý nghĩa thời sự. Tất nhiên, ý tưởng ấy chỉ có thể được triển khai dựa trên những cơ chế và giải pháp đặc thù của thành phố.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất