03/03/2020 20:39 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Việc vận trên mình bộ áo dài nam 5 thân – bộ y phục truyền thống của Việt Nam - tưởng như đã nâng tầm vóc người đàn ông lên vài phần. Tuy vậy chưa đủ, áo dài 5 thân nam vẫn còn cần đến chiếc khăn đội đầu. Vì phạm vi giới hạn nghiên cứu, tác giả chỉ tập trung vào cách “đội đầu” của người dân tộc Kinh (Việt).
Nếu như căn cứ vào 2 cách truyền thống - nam đội khăn xếp, nữ đội khăn vành vấn tóc và khăn vuông đội đầu, ra ngoài - cách thức này dường như cố định trong suốt thế kỷ 20, tất nhiên không kể đến những kiểu thức hiện đại, có đôi phần thái quá, lố lăng như hiện nay.
Thực tế thì trước thế kỷ 20, đàn ông không hẳn đội khăn xếp như sau này. Trong các bản vẽ của người phương Tây ở Việt Nam từ thế kỷ 17, đàn ông Việt đôi khi vấn khăn thành một búi lớn như cái mũ của người Ấn Độ. Binh lính trong quân đội Tây Sơn, mặc quần lửng qua đầu gối tí chút, áo dài quá hông và vấn khăn đầu lớn như vậy.
Hàng ngày, đàn ông ở nhà thường búi tó củ hành, do tất cả không cắt tóc. Tóc được búi thấp về phía sau gáy như một củ hành Tây lớn, khi đội khăn họ búi cao hơn lên phía đỉnh đầu. Những bức tượng võ sĩ trong lăng mộ thế kỷ 18 cho thấy do tóc họ quá dày, búi tó lớn nên phải đội những chiếc mũ thuôn về phía sau gáy như một quả dưa hấu. Đàn ông nào cũng có 2 tấm vải dài có khi đến hàng chục thước (1 thước = 40cm), khổ vải hẹp bằng một khuỷu tay, một cái để đóng khố, một cái để đóng khăn đầu và gọi rõ là đóng khăn hay khăn đóng.
Từ khăn lượt, khăn vấn (khăn quấn)…
Sang trọng, cầu kỳ thì vấn khăn. Xuề xòa thì quấn khăn. Khổ vải thông thường là 10cm - 12cm, gấp đều hai bên mép vải lại, còn 5 - 6cm, được là phẳng thành nếp. Độ dài của khăn vấn thường từ 5 - 6m. Chất liệu được dệt từ tơ tằm - lụa tơ tằm (nhiễu có độ nhám bám vào tóc).
Gọi là khăn lượt vì chất liệu thường là loại vải lượt. Có thể được thay thế bằng loại vải mềm khác như nhiễu màu “tím tam giang” (Phá Tam Giang ở Huế hội tụ 3 con sông lớn. Khi chiều xuống, những vạt nắng cuối cùng khuất dạng đổ lên mặt nước một màu tím sẫm - tím tam giang).
Có 2 cách vấn khăn: Một cách vấn hình chữ NHÂN (人). Trên Youtube “Cách tự quấn khăn khi mặc áo dài truyền thống của nam giới”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt đã hướng dẫn cách vấn khăn rất bài bản. Nay chỉ xin lạm bàn đôi chút về chữ NHÂN – NGƯỜI.
Người và con vật khác nhau cơ bản ở hành vi có ý thức (được giáo dục) nhờ lao động, ngôn ngữ và tư duy mang tính xã hội. Đầu – vỏ não – trung khu thần kinh – chứa các hành vi mang tính Người (CHÂN – THIỆN – MỸ). Khi vấn khăn hình chữ NHÂN trên đầu, tổ tiên chúng ta đã ngầm muốn truyền đạt thông điệp ấy đến muôn đời con cháu.
Để vấn được chữ NHÂN (人), tấm vải nhiễu, vải lượt phải được bắt đầu từ phía trên của tai trái. Đầu khăn có thể bắt đầu đặt từ thùy chẩm (điểm nhô cao nhất) sau gáy, vắt cao khăn lên trước trán (điểm nhô cao nhất của trán) để khi quấn được một vòng rưỡi sẽ gặp giao điểm vắt chéo giống hình chữ NHÂN. Khâu tạo hình khăn rất quan trọng vì nó tôn trang cho khuôn mặt thêm vuông vức, lộ ra vầng trán rộng thanh tú, thông minh sáng sủa. Mỗi nếp khăn cách nhau từ 5 - 7 li (0,5 - 0,7cm) và dừng lại ở 7 nếp - con số lẻ tượng trưng cho số dương (người Việt rất trọng Âm - Dương, Ngũ hành). Mỗi nếp khăn phía trước trán được đưa lên cao bao nhiêu thì phía sau gáy nếp khăn được hạ thấp xuống cổ bấy nhiêu để tạo nên sự cân xứng trước sau, ôm sát vào đầu cho chắc khỏe, vững chãi.
Cách vấn khăn thứ 2 theo hình chữ NHẤT (-), có cách gọi khác là hình lưỡi con trai (ao, hồ, sông). Về biểu tượng, chữ NHẤT tượng trưng cho sự chân thành, cương trực của đấng nam nhi. Thanh niên trẻ ưa dùng cách vấn này vì cách vấn đơn giản hơn, đặt tấm vải ở đằng sau gáy phía tai phải hay tai trái không còn là vấn đề cần phải lưu ý nữa vì hình chữ NHẤT, chỉ cần xếp ngang từ phần đỉnh cao nhất của trán, song song với hai mắt, mày là được. Các nếp cũng xếp cách đều giống cách vấn khăn hình chữ NHÂN.
Dù vậy, vấn khăn hình chữ NHÂN hay chữ NHẤT cũng đều khá cầu kỳ, tốn thời gian và buộc phải ngồi trước gương để vấn sao cho đều nếp lên xuống nhịp nhàng. Soi gương có 2 tầng nghĩa. Ở tầng nghĩa thứ nhất chỉ chú trọng đến phần hình thức cân đối của chiếc khăn đội đầu nhưng ở tầng nghĩa thứ hai lại bao hàm cốt cách, nhân phẩm, đạo đức của người đang vận lên mình bộ y phục truyền thống này. Y phục xứng với kỳ đức chính là ở điểm soi gương này đây.
Tới chiếc khăn đóng sẵn và chuyện buồn về “áo the, khăn xếp”
Do xã hội phát triển, để giản tiện hơn, từ những năm 30 của thế kỷ 20 trở lại đây, xu thế đóng khăn sẵn ngày một phổ biến. Kể thì cũng chẳng có gì đáng nói vì “thời thời thế thế thời phải thế” nhưng câu chuyện “áo the, khăn xếp” bắt đầu bị biến cải, rời xa truyền thống và gây tranh cãi trong xã hội.
Trong khi chiếc khăn vấn với kiểu dáng bó sát ôm lấy đầu và che khéo mái tóc, tạo ra sự cân đối hài hòa, nền nã với chiếc áo dài ngũ thân vận trên người thì chiếc khăn đóng hiện đại, không tuân thủ tính hài hòa, đóng thành nhiều vòng nếp, tầng tầng lớp lớp xếp chồng lên nhau khiến cho cái đầu trở nên bé xíu và cái khăn lại to bành ra, tạo ra sự mất cân đối. Các màu sắc khăn đóng bây giờ chúng ta vẫn thường thấy trên sân khấu chèo cải biên, quan họ, tuồng, thời trang, điện ảnh đều đã bị cách điệu hóa đến mức xa rời tính dân tộc.
Bước vào thời hiện đại, áo dài nam 5 thân bị mất chỗ đứng trong xã hội? Nó bị đánh đồng với…phong kiến cổ hủ. Lúc này, những kỷ vật cuối cùng của chiếc áo dài nam 5 thân, khăn đóng chỉ còn tồn tại trong các viện bảo tàng, trong văn học đương đại, sân khấu điện ảnh, nghệ thuật hội họa và trong tiềm thức của những người cao niên.
Về mặt sắc diện của khăn, màu sắc được lựa chọn cho khăn đóng và vấn phải tuân thủ quy tắc sẫm màu. Màu đen là hợp nhất với màu da của người Việt, tôn cho nước da sáng lên. Thêm nữa, màu trắng và màu đen là 2 màu tổ tiên chúng ta ưa dùng vì nó phổ thông, đại chúng, nhẹ nhàng, khiêm nhường, giản dị, kín đáo nhưng không kém phần cứng cáp, rắn rỏi. Chứ không màu sắc đồng bóng, lòe loẹt và phô trương như hiện nay. Trang phục áo màu gì thì khăn đóng màu đó. Xanh, đỏ, tím, vàng đủ cả. Tôi e mỹ cảm của không ít người là có vấn đề.
Cũng cần nói thêm, khăn đóng ngoài Bắc hiện bộc lộ vài nhược điểm, vì nó là sản phẩm thay thế nhờ tính tiện dụng, nhanh gọn nên người nghệ nhân hoặc nhà may, nhà thiết kế thời trang đã lược đi mất công năng quan trọng nhất, đó là khâu tạo hình. Đối với khăn vấn, tấm vải nhiễu ôm sát vào đầu, khiến chiếc khăn được giữ nguyên vị trí lâu dài, có thể suốt cả ngày. Trong khi đó khăn đóng, vòng trong cùng tiếp xúc với đầu được tạo khuôn bởi một miếng sắt tôn mỏng có khả năng uốn dẻo với bề rộng chừng 4 - 5cm, đường kính bằng đầu người đội, vì không được tạo khuôn lõm để khi đội vào khăn ôm sát vào trán và phần thùy chẩm sau gáy nên khi cúi xuống rất rễ bị rơi khăn đóng ra ngoài, xộc xệch. Thêm nữa, nếu như khăn vấn che được mái tóc (dài hay ngắn) một cách thuận lợi, trong khi đó, đối với khăn đóng, vì lòng trong phẳng khó giấu được tóc nên phần tạo hình không được gọn gàng.
Ở trong Nam, nghệ nhân trẻ Trần Nguyễn Trung Hiếu, bằng sự mày mò và sáng tạo, mới đây đã phục dựng lại được chiếc khăn đóng của vua Bảo Đại. Vì được tạo khuôn lõm ôm sát vào trán, phần sau gáy đuổi sóng nên nó bám chắc vào đầu. Đây là sự thành công đáng ghi nhận.
Tôi thích ngồi tự vấn khăn cho mình Đối với nam giới, khi mặc chiếc áo dài 5 thân không thể thiếu vắng chiếc khăn vấn hoặc khăn đóng bởi nó không những chỉn chu về mặt tạo hình cân xứng mà chiếc khăn đội đầu đã che được mấy nhược điểm của người đàn ông trung niên trở lên, đó là hói đầu hoặc tóc hoa râm. Dù biết thời buổi công nghiệp, ai cũng quý trọng thời gian. Nhưng riêng cá nhân, khi đã vận trên mình bộtrang phục áo dài 5 thân đến điểm hẹn, tôi vẫn thích ngồi tự vấn khăn cho mình. Phần vì thể hiện sự nâng niu bộ “Quốc phục”, phần vì trân trọng người tiếp xúc hoặc nơi mình sẽ đến. Ở đó, mình mặc bộ y phục truyền thống đâu phải chỉ vì cái thân giả tạm này? |
(Còn tiếp)
Đinh Hồng Cường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất