16/03/2020 15:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - (LTS) - Truyện tranh rất gần gũi với đông đảo bạn đọc. Họ đọc từ thuở nhi đồng, thiếu niên đến cả khi “đã toan về già” vẫn mê truyện tranh như điếu đổ. Tuy vậy, không phải ai cũng nhìn nhận truyện tranh theo một hệ thống và là một yếu tố quan trọng của nền văn hóa đương đại, mà thường coi truyện tranh là phương tiện giải trí đơn thuần.
Với loạt bài “Đi vào thế giới truyện tranh”, chúng tôi xin đem đến cho bạn đọc những thông tin đầy đủ, thú vị nhất về truyện tranh: ở cả bình diện lịch sử - văn hóa, lẫn góc độ giải trí của thể loại này, từ “Truyện tranh Việt Nam: Lợi thế, thành quả và những thiếu sót” đến những chân trời truyện tranh Đông - Tây, mà những chân trời ấy đâu chỉ có truyện tranh Mỹ, Nhật?
Ngày nay, truyện tranh đã quá quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Không chỉ phổ biến ở lứa độc giả trẻ tuổi, các bậc ông bà, cha mẹ cũng biết tới truyện tranh như một thể loại giải trí không thể thiếu của con cháu mình. Có sức hút là vậy, nhưng truyện tranh xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ và tại sao lại phổ biến, đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Vì vậy, hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời...
Những ấn tượng khó quên
Nhắc đến truyện tranh, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có thể nhắc đến một vài cái tên gần gũi như Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, Itto (còn được biết đến rộng rãi hơn với cái tên Jindo)... Đây quả thực là những bộ truyện đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, đồng thời cũng là người bạn đồng hành với nhiều lứa độc giả 8X, 9X ngày nay. Nhiều người cho rằng, những bộ truyện này cũng là nguồn ảnh hưởng, tác động và khai sinh ra nền truyện tranh Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng.
Thực tế là, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật vào năm 1973, đến năm 1992, Doraemon mới được Nhà xuất bản Kim Đồng mua bản quyền và xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam với cái tên Đôrêmon. Doraemon cũng là bộ truyện tranh Nhật Bản đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ những năm 1930, ở Việt Nam đã có truyện tranh rồi. Đó là những chùm truyện biếm họa kể về ba nhân vật chính: Xã Xệ - Lý Toét - Bang Bạnh, bộ ba chức dịch quê mùa xuất hiện trên báo chí Bắc Kỳ thập niên 1930.
Nhóm tác giả của chùm truyện biếm họa này là Đông Sơn (Nguyễn Tường Tam, còn được biết đến rộng rãi hơn với cái tên Nhất Linh), Bút Sơn, Rigt (Nguyễn Gia Trí), Nguyễn Thứ Lễ (Lê Ta), Tô Ngọc Vân (Tô Tử, Ái Mĩ), Nguyễn Tường Long (Tứ Ly). Nhóm tác giả vẽ truyện tranh để châm biếm, đả kích xã hội Đông Dương, không từ đẳng cấp nào, lúc đầu là để mua vui cho bản thân, về sau các câu chuyện đả kích chính trị - xã hội thiết thực mới được thêm vào.
Sự xuất hiện ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước đã cho thấy truyện tranh Việt Nam ngay từ buổi ban đầu đã có sự ảnh hưởng của những bức tranh biếm họa trên báo, tạp chí Pháp. Hình thức tranh biếm họa trên tạp chí cũng vô cùng phổ biến ở các quốc gia như Nhật, Pháp (đều chịu ảnh hưởng của biếm họa trên báo chí Mỹ). Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo ảnh hưởng trên.
Những năm từ 1959 đến 1977, trên báo Thiếu niên Tiền phong xuất hiện chuyên mục phóng sự, ghi chép dài kỳ được rất nhiều độc giả nhỏ tuổi thích thú, với hai nhân vật minh họa bằng tranh là Bóng Nhựa và Bút Thép. Trong đó, nhân vật Bóng Nhựa có đầu tròn như quả bóng, và nhân vật Bút Thép có đầu nhọn hoắt của ngòi bút mực. Các bài viết trong chuyên mục phóng sự ấy do nhiều phóng viên viết nên, nhưng hai cây bút chính gắn liền với chuyên mục là nhà văn Cửu Thọ - Bóng Nhựa và nhà báo Mạnh Chuẩn - Bút Thép.
Ở đây, chúng ta không đề cập đến các cuốn sách tranh với lời dẫn truyện đã phổ biến ở Việt Nam từ lâu, mà chỉ quan tâm đến những tập truyện chia sẻ điểm chung với truyện tranh thế giới: có nhiều nhân vật, truyện được chia thành các khung hình với các bong bóng lời nói khác nhau.
Như vậy, trước khi truyện tranh Nhật Bản đổ bộ vào Việt Nam từ sau năm 1973, ở Việt Nam đã có sẵn những di sản truyện tranh trên các tờ báo, tạp chí với lối vẽ và kể chuyện hài hước theo phong cách Tây phương. Điều này diễn ra dưới ảnh hưởng văn hóa kể từ thời Pháp thuộc. Đến nay, lối vẽ theo phong cách Nhật Bản ngày càng chiếm ưu thế, song không thể vì thế mà bỏ quên đi những tác phẩm nổi tiếng đã tồn tại một thời.
Thế giới truyện tranh bùng nổ tại Việt Nam
Cùng với sự bùng nổ của hiện tượng Doraemon, ở Việt Nam, cũng trong năm 1992, có một bộ truyện của tác giả Việt Nam rất được các bạn nhỏ yêu thích là Dũng sĩ Hesman của họa sĩ Hùng Lân. Dũng sĩ Hesman được họa sĩ Hùng Lân phóng tác từ bộ phim hoạt hình Voltron - Defender Of The Universe, xuất bản liên tục từ năm 1992 đến 1996, với độ dài 159 tập.
Nội dung của Dũng Sĩ Hesman kể về một robot khổng lồ do năm con mãnh sư ghép lại mà thành. Với thanh gươm ánh sáng vô cùng lợi hại, Dũng Sĩ Hesman đã giúp đỡ các bạn của mình chống lại các thế lực xấu nhằm bảo vệ hòa bình cho vũ trụ và hành tinh Arus xinh đẹp. Dù mới chỉ là phóng tác, song Dũng sĩ Hesman xứng đáng được coi là bộ truyện tranh khoa học viễn tưởng đầu tiên tại Việt Nam.
Trong suốt thời kỳ từ 1992 cho đến trước khi Việt Nam gia nhập công ước quốc tế Berne về bản quyền vào năm 2004, có một lượng lớn truyện tranh ồ ạt xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh các bộ truyện tranh Nhật Bản quen thuộc tạo thành hiện tượng như Doraemon, Dấu ấn rồng thiêng, Thám tử lừng danh Conan, Thủ lĩnh thẻ bài, Nữ hoàng Ai Cập, Thủy thủ Mặt trăng... các bộ truyện tranh châu Âu như Lucky Luke, Cuộc phiêu lưu của Tintin cũng ra mắt bạn đọc.
Tuy nhiên, số lượng truyện tranh lớn nhất là những đầu truyện tranh được in lậu qua các bản tranh trên mạng hoặc xử lý kỹ thuật đơn giản và bày bán công khai tại Việt Nam. Đi đầu trong lĩnh vực xuất bản lậu truyện tranh với chất lượng giấy kém và bản in đóng gáy xộc xệch, dễ bung tróc có thể kể đến như Kotaro, Mắt quỷ Kyo, các đầu truyện của tác giả Hàn Quốc như Hwang Mi Ri, Han Yu Rang,... Chỉ đến khi công ước Berne được ký kết và luật bản quyền được thi hành tại Việt Nam, vấn nạn in và buôn bán sách, truyện lậu mới được hạn chế.
Trong bối cảnh đó, truyện tranh Việt Nam vẫn đi con đường phát triển riêng. Năm 2002, tác giả Lê Linh hợp tác với công ty Phan Thị, cho ra mắt bộ truyện tranh nổi tiếng mang tên Thần đồng đất Việt, đưa truyện tranh Việt Nam tiến đến gần hơn với lãnh địa của những câu chuyện được khắc họa bằng các khung tranh.
Suốt một thời gian kéo dài hơn 10 năm từ 1992 - 2004, Việt Nam trở thành một mảnh đất màu mỡ: vừa tiếp nhận hạt giống truyện tranh từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, ở cả con đường chính thống và phi chính thống; lại vừa tự ươm mầm và sản sinh ra những tác phẩm truyện tranh của riêng mình.
Nếu trong hơn 10 năm này, các tác giả truyện tranh Việt Nam như Hùng Lân, Lê Linh đa phần đều là những họa sĩ hoặc tay ngang chuyển ngạch sang làm truyện tranh, thì từ những năm 2004 đến nay, thế hệ họa sĩ truyện tranh thứ hai lại là những bạn trẻ được đào tạo bài bản, có chiến lược về hội họa và nền công nghiệp truyện tranh. Sự khác biệt này đã tạo ra một thế hệ họa sĩ vừa trẻ trung, vừa thấm nhuần một thời kỳ truyện tranh đã qua do họ đã từng là người đọc, lại vừa có thế chủ động hơn trong việc tìm kiếm và tiếp nhận những tinh hoa kĩ thuật truyện tranh trên thế giới.
Kỳ sau: “Cuộc sống hiện đại - Muôn màu truyện tranh”
Nguyễn Hoàng Dương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất