11/02/2020 11:30 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, nhiều người đã tránh ra đường hoặc đến những điểm đông người. Vì vậy, các địa điểm kinh doanh như Trung tâm thương mại, siêu thị đều trong cảnh vắng vẻ. Nhiều chủ shop kinh doanh lo ngại, nếu tình trạng dịch bệnh vẫn diễn biến bất thường trong thời gian dài, rất có thể họ sẽ phải thanh lý cửa hàng.
Khảo sát tại phố Chùa Bộc, Bạch Mai và các trung tâm thương mại lớn như: Times City, Vincom, lượng khách đến mua hàng và vui chơi tại đây khá thưa thớt.
Tại phố thời trang Chùa Bộc, lượng khách tại đây không còn đông đúc như trước. Chị Trần Thu, chủ shop thời trang nữ nhập khẩu tại Chùa Bộc cho hay, vì lý do dịch bệnh, cùng với không khí mưa lạnh những ngày qua, khiến cho việc kinh doanh ế ẩm.
“Trước Tết, cửa hàng thanh lý giảm giá sâu được khoảng 50% lượng hàng còn tồn, nhưng cả tuần qua lại không bán được sản phẩm nào. Cứ tình trạng này, với chi phí thuê cửa hàng mỗi tháng hàng chục triệu, chúng tôi phải đối mặt với việc thanh lý toàn bộ, trả mặt bằng”, chị Thu cho hay.
Cùng chung cảnh ngộ trên, tại phố Bạch Mai, cửa hàng mỹ phẩm và làm đẹp Anna Nguyễn cũng trong tình trạng vắng người. Chị Nguyễn Thu Hường, chủ cửa hàng Anna Nguyễn bày tỏ, cửa hàng cung cấp các sản phẩm làm đẹp, dịch vụ làm đẹp cho chị em phụ nữ, nhưng những ngày qua, không có khách.
“Mỗi tháng chi phí thuê mặt bằng khoảng hơn 10 triệu, cộng với tiền công nhân viên, điện, nước,... Tình trạng này tiếp tục kéo dài, rất có thể tôi sẽ cân nhắc việc tạm dừng kinh doanh, hoặc chuyển hướng sang kinh doanh, làm dịch vụ qua mạng trực tuyến”, chị Hường nói.
Tại siêu thị Vinmart Liễu Giai, ngoài gian hàng mua sắm thực phẩm, rau củ quả có phần đông đúc thì hầu hết các quầy hàng hàng tại đây đều vắng khách.
Nhân viên cửa hàng tại đây cho biết, hầu hết người tiêu dùng tập trung vào các sản phẩm rau củ quả, thực phẩm tăng sức đề kháng trong thời điểm dịch do virus Corona và lượng hàng tại siêu thị luôn đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo anh Nguyễn Tuấn Vinh, Giám đốc kinh doanh hãng thời trang Balenga cho biết, tình hình kinh doanh rất kém tại các Trung tâm thương mại, lượng khách đến vui chơi ít chứ chưa nói đến việc mời khách mua hàng. Vì ế ẩm, doanh nghiệp đã phải tính tới việc cắt bỏ một điểm kinh doanh tại Vincom Hà Nội, chỉ giữ lại những vài điểm kinh doanh có hiệu quả tại các tỉnh, thành phố khác.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ tình nhân – Valentine 14/2. Những năm trước, các gian hàng mua sắm, quà tặng tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại đã bắt đầu tấp nập khách. Nhưng năm nay, lễ Valentine lại rơi đúng vào những ngày dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona. Điều này khiến nhiều cửa hàng lo ngại, việc mua bán sẽ không được cải thiện bởi tâm lý lo ngại dịch bệnh của người dân.
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ quán bò nướng Hương Hương tại Bạch Mai cho hay, mọi năm, các nhóm bạn trẻ đã đặt bàn trước cả 3-4 hôm để giữ chỗ cho ngày Valentine. Nhưng đến hôm nay, cửa hàng vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng nào. Do lo ngại dịch bệnh, mỗi ngày, cửa hàng chỉ bán được 2-3 bàn khách. Hi vọng trong một vài ngày tới, thời tiết ấm lên, giúp cho tâm lý người dân bớt lo hơn về dịch bệnh thì lượng khách sẽ tăng mạnh hơn
Valentine là ngày để các đôi tình nhân, vợ chồng tặng quà cho nhau, thế nhưng, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, nhiều người đã hạn chế đến những nơi đông người, những địa điểm vui chơi giải trí. Thay vào đó, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn việc mua sắm qua mạng trực tuyến, hoặc tự tổ chức xem phim, liên hoan tại nhà.
Theo bạn Nguyễn Mạnh Trường ở phố Hàng Vải, năm nay, đúng vào mùa dịch. Do vậy, bạn đã chọn mua sắm quà tặng cho bạn gái qua mạng online. Nếu được bạn gái đồng ý thì có thể sẽ tổ chức xem phim, liên hoan tại nhà. Còn nếu có ra ngoài vui chơi, ăn uống, chắc chắn cũng sẽ lựa chọn những địa điểm sạch sẽ và không đông đúc”.
Cùng với những lo ngại về dịch bệnh do virus Corona trong tuần tới, các bạn trẻ sinh viên sẽ tiếp tục được nghỉ học, vì vậy, dự báo lượng khách trẻ tuổi đến mua sắm và ăn uống tại các trung tâm thương mại, dịch vụ, các cửa hàng tại Hà Nội sẽ không được tấp nập như mọi năm.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch online thay vì giao dịch bằng tiền mặt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trực tuyến, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần nâng cao tính an toàn, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị; các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nâng cao chất lượng bảo mật ở mức cao nhất.
Đặc biệt, phải đảm bảo mức an toàn gần như tuyệt đối trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, tăng mức độ tin tưởng của người dân, thúc đẩy người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...
Đức Dũng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất