Dịch Covid-19 ngày 7/7: Biến thể Delta đã trở thành biến thể lây lan chủ đạo trên toàn thế giới

07/07/2021 22:26 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 7/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 185.535.458 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.012.213 ca tử vong.

Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 7/7: Hàn Quốc lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 4

Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 7/7: Hàn Quốc lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 4

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8h00 sáng 7/7 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận tổng cộng 185.353.604 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.008.566 ca tử vong.

Hiện vẫn còn hơn 11,69 triệu bệnh nhân COVID-19 đang điều trị và hơn 169,82 triệu bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đang tiếp tục lây lan trên toàn thế giới và tại nhiều nơi, hiện đã trở thành biến thể lây lan chủ đạo. 

Tính theo khu vực, châu Á đang là lục địa dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19, với 56.862.228 ca mắc và 808.259 ca tử vong, trong đó dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Indonesia ngày 7/7 ghi nhận thêm 1.040 ca tử vong, cao hơn 300 ca so với ngày 6/7 và gần gấp đôi so với hai ngày trước đó. Đây là số ca tử vong trong vòng một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này vào tháng 3/2020.

Trong khi đó, số ca mắc mới theo ngày cũng ở mức cao kỷ lục với 34.379 ca, ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới tại Indonesia vượt mức 30.000 ca/ngày. Hiện Indonesia ghi nhận tổng cộng 2.379.397 ca mắc, trong đó 62.908 ca tử vong. Trước bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ hai diễn biến phức tạp, Indonesia đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 43 thành phố, và quận, huyện, bên ngoài đảo Java và Bali. Tổng thống Joko Widodo tuyên bố nếu các cơ sở y tế tại những khu vực trên bị quá tải vì dịch bệnh, các biện pháp hạn chế mới được áp đặt sẽ được nâng cấp lên "khẩn cấp" như đang được áp dụng hiện nay tại hai đảo Java và Bali. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 1/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia ghi nhận 981 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 57.103 ca. Đây là mức tăng gần gấp đôi con số khoảng 500 ca/ngày trong hai lần bùng dịch trước “sự cố cộng đồng ngày 20/2” vừa qua. Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận đến nay nước này có tổng cộng 798 ca tử vong vì COVID-19 sau khi có thêm 16 người không qua khỏi. Trong số những ca nhiễm mới, có 265 nhập cảnh, mức cao nhất từ trước đến nay, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ biến thể Alpha và Delta xâm nhập từ nước ngoài.  

Lào cũng lo ngại nguy cơ xâm nhập của biến thể Delta từ người nhập cảnh bất hợp pháp. Bộ Y tế Lào cho biết số ca mắc COVID-19 là lao động nước này trở về từ Thái Lan tiếp tục tăng cao trong bối cảnh quốc gia láng giềng này đang ghi nhận diễn biến dịch phức tạp với sự lây lan nhanh của các biến thể mới nguy hiểm hơn. Ngày 7/7, Lào ghi nhận 44 ca mắc mới, trong đó 42 ca là người lao động trở về từ Thái Lan được cách ly ngay và chỉ có 2 ca cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn.  

Thái Lan cho biết số bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng ở nước này đang gia tăng trong bối cảnh biến thể Delta lây lan ra nhiều tỉnh và được cho là sớm vượt qua biến thể Alpha để trở thành biển thể gây lây nhiễm chính. Thái Lan đang đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi do tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này khá cao, cứ 10 bệnh nhân cao tuổi thì có 1 người tử vong. Hiện số ca bệnh tại Thái Lan kể từ đầu mùa dịch đến nay đã vượt ngưỡng 300.000 ca sau khi Bộ Y tế nước này sáng 7/7 thông báo thêm 6.519 ca mới cùng 54 ca tử vong. Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca mắc mới và số ca tử vong cao nhất nước, với 1.549 ca mắc mới và 30 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Singapore cho biết nước này sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ ngày 12/7 tới, trong đó có việc cho phép nối lại các hoạt động ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng, trung tâm ăn uống, tối đa 5 người/nhóm. Theo Bộ Y tế Singapore, các nhà chức trách sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch vào khoảng cuối tháng 7. Ngoài ra, Singapore sẽ có các biện pháp nới lỏng đối với những người đã tiêm chủng, trong đó có việc cho phép tụ tập tối đa 8 người/nhóm. Cho tới nay, khoảng 3,7 triệu người, khoảng 65% dân số Singapore, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trong khi gần 2,2 triệu người đã hoàn thành việc tiêm chủng. Singapore đặt mục tiêu 75% dân số nước này tiêm đủ liều 2 vaccine đến trước ngày 9/8 tới.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 7/7 thông báo Trung Quốc đại lục có 57 ca mắc mới trong ngày 6/7, trong đó 15 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại Trung Quốc đại lục kể từ ngày 30/1 vừa qua. Tất cả các ca lây nhiễm trong cộng đồng nói trên đều được ghi nhận ở thành phố Thụy Lệ (Ruili) thuộc tỉnh Vân Nam (Yunnan), giáp biên giới với Myanmar. Từ ngày 5/7 vừa qua, chính quyền tỉnh Vân Nam đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với thành phố Thụy Lệ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Như vậy đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 91.949 ca mắc COVID-19 và 4.636 ca tử vong. 

Hàn Quốc ghi nhận 1.212 ca mắc mới, số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất ở Hàn Quốc kể từ đầu năm đến nay và làm dấy lên lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 4 ở nước này. Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết chính phủ sẽ gia hạn áp dụng các quy định giãn cách xã hội hiện hành thêm 1 tuần, nhưng sẽ cân nhắc nâng các biện pháp này lên mức cao nhất nếu tình hình dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát trong 2-3 ngày tới. Ông Kim cũng nhấn mạnh Hàn Quốc hiện đang ở trong tình trạng khẩn cấp đòi hỏi tập trung toàn bộ nguồn lực chống COVID-19.    

Chú thích ảnh
 Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 6/7/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo đã ghi nhận số ca mắc mới lần đầu tiên vượt trên 900 ca/ngày kể từ ngày 13/5, với tổng số 920 ca và 3 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, có tới 70% trong số này rơi vào độ tuổi từ 20 đến 40 và gần 10% nhiễm biến thể Delta, cho thấy xu hướng dịch bệnh tại thủ đô Tokyo đang gia tăng yếu tố phức tạp, nhất là sự lây nhiễm mạnh trong giới trẻ. Thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike cho rằng tình hình dịch bệnh đang rất khó lường, gây khó khó khăn cho công tác phòng chống và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vì hiện có tới gần 40% số bệnh nhân nặng ở độ tuổi 50.

Trong khi đó, ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với dịch COVID-19 cảnh báo nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh trong thời gian diễn ra Olympic và Paralympic tại Tokyo khi mà ngày càng xuất hiện nhiều ca nhiễm biến thể Delta và gia tăng mạnh ở giới trẻ. Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Y học Nhật Bản Toshio Nakagawa cho rằng trong bối cảnh này, chính phủ có thể sẽ phải cân nhắc các biện pháp quyết liệt từ nay đến khi diễn ra lễ khai mạc Olympic, trong đó có cả phương án ban bố tình trạng khẩn cấp.     

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp ngày 23/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở châu Âu, người phát ngôn Chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal ngày 7/7 thông báo biến thể Delta chiếm tới 40% số ca mắc COVID-19 tại Pháp. Ông cảnh báo làn sóng dịch bệnh thứ 4 sẽ sớm bùng phát tại quốc gia châu Âu này khi tỷ lệ các ca mắc COVID-19 đang ngày càng tăng cao hơn tại 11 tỉnh, thành ở Pháp, đặc biệt tại thủ đô Paris.    

Chính phủ Phần Lan thông báo tất cả du khách nước ngoài đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã mắc và khỏi bệnh trong 6 tháng qua, hoặc đến từ nước được xác định là "an toàn" đều có thể nhập cảnh nước này mà không phải xét nghiệm thêm. Trong khi đó, những người chưa được tiêm phòng đầy đủ theo yêu cầu, cũng như không có giấy tờ chứng minh đã khỏi bệnh, phải được xét nghiệm ngay khi đến.     

Truyền thông Anh đưa tin các công dân nước này trở về từ các nước trong danh sách "màu hổ phách", đã được tiêm đủ liều vaccine, sẽ không phải cách ly 10 ngày. Động thái trên sẽ được triển khai sớm nhất từ ngày 19/7. Dự kiến, các bộ trưởng Anh sẽ gặp nhau trong tuần này để thông qua chính sách này. Tính đến nay, 86,2% số người trưởng thành ở Anh đã tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 64,3% số người trưởng thành đã được tiêm đủ 2 liều.   

Tại Mỹ, một số bang của nước này đang chứng kiến sự gia tăng các ca mắc mới cũng như các ca phải nhập viện điều trị khi biến thể Delta đang không ngừng lây lan tại nước này. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, số ca nhiễm mới đang gia tăng tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp là Alabama, Arkansas, Louisiana và Mississippi. Hiện 25% số ca mắc mới tại Mỹ được xác định có liên quan đến biến thể Delta, tức tăng 6% so với hồi đầu tháng 6.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm