18/06/2021 09:29 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kế worldometers.info, tính đến 8h ngày 18/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 178.182.367 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.857.429 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua có thêm 382.569 ca mắc mới và 8.521 ca tử vong.
Hiện có 162.680.725 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 11,64 triệu bệnh nhân đang điều trị.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.376.782 ca mắc và 616.422 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ đang giảm rõ rệt, với 10.420 ca mắc và 277 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tại Ấn Độ - quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai, số ca mắc mới theo ngày ở mức dưới 100.000 trong 10 ngày qua, thậm chí ngày thứ 4 liên tiếp ghi nhận dưới 70.000 ca.
Với 62.409 ca mắc và 1.310 ca tử vong trong 24 giờ qua, đến nay Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 29.761.964 ca mắc và 383.521 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 với tổng số ca mắc là 17.704.041 và 496.172 ca tử vong. Tuy nhiên, với 74.327 ca mắc mới trong vòng 24 giờ, hiện quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất thế giới.
Tính theo khu vực, châu Á có số ca mắc nhiều nhất thế giới, với 54.083.315 ca và 758.998 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 142.159 ca mắc mới và 2.565 ca tử vong. Đứng thứ hai là châu Âu với 47.343.330 ca mắc và 1.090.082 ca tử vong, ghi nhận 41.915 ca mắc mới và 848 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Trong đó, nước Anh ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua. Ngày 17/6, Anh ghi nhận 11.007 ca mắc mới, so với 9.055 ca ghi nhận một ngày trước đó - mức cao kỷ lục tại "xứ sở sương mù" kể từ ngày 19/2. Số ca mắc mới trong tuần qua tại Anh cũng tăng 34% so với tuần trước đó, với mức trung bình 7.888 ca/ngày trong 7 ngày. Đứng thứ ba là khu vực Bắc Mỹ với 40.274.367 ca mắc và 910.081 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 23.530 ca mắc mới và 583 ca từ vong.
Liên quan chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi sử dụng tất cả các loại vaccine hiện có. Theo đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) tuyên bố các nước thành viên EU phải sử dụng tất cả các loại vaccine phòng COVID-19 hiện có để chống lại dịch bệnh và hiện còn quá sớm để xác định loại vaccine nào là tốt nhất.
Hiện một số quốc gia đã quyết định hạn chế sử dụng các loại vaccine bào chế bằng công nghệ "vector virus" như AstraZeneca và Johnson & Johnson do liên quan chứng đông máu hiếm gặp, thay vào đó họ lựa chọn vaccine sử dụng công nghệ mRNA như vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna. Người phụ trách chiến lược vaccine tại EMA, ông Marco Cavaleri cho biết hiện nay đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và điều quan trọng là cần phải sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi quốc gia tự quyết định cách thức sử dụng "vì lợi ích tốt nhất của sức khỏe cộng đồng".
Trong khi đó, Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) của Canada khuyến nghị những người đã tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu tiên nên tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna mũi thứ hai.
Trước đó, NACI cho rằng những người tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu tiên có thể tiếp tục chọn loại vaccine này hoặc một vaccine sử dụng công nghệ mRNA cho mũi tiêm thứ hai. Hướng dẫn ngày 17/6 của NACI dựa trên cơ sở ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mũi tiêm thứ hai sử dụng vaccine mRNA tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Một lý do nữa là nguy cơ xảy ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca, mặc dù nguy cơ thấp.
Phương Hoa/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất