Dương Tường và Bức thư của người đàn bà không quen: 'Tôi vừa dịch vừa khóc' (*)

01/07/2013 14:06 GMT+7 | Đọc - Xem


(lienminhbng.org) - LTS. Ngày 2/7/2013 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Áo tại Việt Nam sẽ tổ chức cuộc hội thảo “Văn học Áo ở Việt Nam”. Đây là cuộc hội thảo đầu tiên nhằm nhìn lại quá trình giao lưu văn học giữa hai nước và mở ra những phương hướng hợp tác mới. Nhân dịp này TT&VH xin đăng bài viết của dịch giả Dương Tường về những kỷ niệm của ông khi dịch tác phẩm của Stéfan Zweig.

Với tôi, cái tên Stéfan Zweig, ngoài biểu tượng văn chương tuyệt đỉnh của loài người, còn gợi cho tôi nhiều kỉ niệm về quá khứ, về tuổi trẻ, về chiến tranh...

Sách là chiến lợi phẩm

Tôi “biết” Stéfan Zweig từ khá sớm: thuở mười tám đôi mươi, tức là hơn sáu mươi năm trước. “Biết” đây tất nhiên không hiểu theo nghĩa cụ thể - quen biết - bởi chúng tôi cách nhau bao xa cả về thời gian lẫn không gian, mà là có cơ hội tiếp xúc với tác phẩm của ông. Vậy thì có thể nói là chúng tôi “gặp” nhau trong một khung cảnh không lấy gì làm thơ mộng: một đồn địch vừa bị diệt, từng đám lửa còn ngùn ngụt...

Tôi cần nhắc lại, như tôi đã đôi lần kể, hồi ấy tôi là một phóng viên báo Trung đoàn, thường được phái đi làm tường thuật những trận công đồn. Thường mỗi khi diệt một đồn giặc, trong khi anh em lính chiến đấu thu dọn chiến trường, gom chiến lợi phẩm, thì tôi đi lùng sách. Sách là chiến lợi phẩm của tôi. Không phải đồn nào cũng có sách hay, phần lớn là báo lá cải, sách giải trí, sách trinh thám... Nhưng cũng đôi khi có của hiếm: cuối năm 1949, ở đồn Hói Đào (Nam Định), tôi vớ được cuốn À l’Ouest, rien de nouveau (Phía Tây không có gì lạ) của E. M. Remarrque. Và năm 1951, trong chiến dịch Hà Nam Ninh, cũng ở một đồn Tây khác, đồn Chùa Cao (Ninh Bình) mà chúng tôi phải đánh tới hai lần, tôi “gặp” Stefan Zweig: tôi tìm thấy trên bàn giấy của viên đồn trưởng một cuốn sách nhan đề Amok, ou le fou de Malaisie (Amok hay gã điên ở Malaysia). Đó là một tập gồm 3 truyện vừa: Amok, Bức thư của người đàn bà không quen Ngõ hẻm dưới ánh trăng. Tôi bắt đầu “mê” Zweig từ dạo ấy.

Nhưng mãi tới gần 30 năm sau tôi mới dịch S. Zweig. Trong tiểu sử của tôi, có một giai đoạn hơn chục năm, từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970, tôi gọi là “thời kì thư viện”. Thế hệ tôi thuộc lứa “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, rời bỏ ghế nhà trường từ rất sớm để đi theo cách mạng và kháng chiến. Hoà bình lập lại, cởi áo lính, bọn tôi muốn bù lại những năm lỡ dở “sách đèn”; và bọn tôi lao đến khai thác những mỏ sách: thư viện. Nhớ câu thơ xưa Quang Dũng như một lời hẹn hò:

Chúng mình dăm gã vào thư viện

Chân nhẹ xôn xao động lá vàng...


Bản dịch hài lòng nhất

Có thể nói thư viện trở thành trường đại học của tôi. Dĩ nhiên là tôi trở lại với S. Zweig, tôi tìm đọc tất cả những tác phẩm của Zweig có trong thư viện. Chính trong thời gian này tôi đã dịch Zweig. Tôi làm việc này như một cố gắng lấy lại thăng bằng sau khi dịch - phải nói cụ thể là dịch thuê kiếm sống - một tài liệu chính trị quá ớn đối với tôi. Tôi phải trở về với những gì tôi yêu. Tôi chọn Bức thư của người đàn bà không quen của S. Zweig. Tôi dịch ngay tại chỗ, tại phòng đọc của thư viện. Tôi viết thẳng vào một cuốn sổ tay, ngòi bút cứ như tự động lia đi. Liền một mạch 3 ngày. Những trang cuối, tôi vừa dịch vừa khóc.

Dịch xong, đọc lại, hầu như không sửa một đoạn nào. Lúc ấy, tôi không nghĩ đến việc đưa xuất bản, mà chỉ làm như để giải toả một kìm nén. Sau này, khi nhà xuất bản đề nghị in, tôi cứ đưa nguyên cuốn sổ tay cho đánh máy lại. Cho tới nay, bản dịch đã được tái bản có lẽ không dưới 10 lần, theo nhiều dạng khác nhau: in riêng, gộp cùng một, hai truyện khác. in với hình ảnh minh hoạ trích từ phim dựng theo truyện, tuyển tập...

Cho tới nay, trong số gần 60 tác phẩm dịch, Bức thư của người đàn bà không quen vẫn là một trong những bản dịch tôi hài lòng nhất.

(*) Tít bài do TT&VH đặt

Dương Tường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm