Ra mắt bản dịch kiệt tác của Marcel Proust ở Việt Nam: 'Sách cấm' đối với độc giả dễ dãi

25/11/2013 11:03 GMT+7 | Đọc - Xem


(lienminhbng.org) - Nhóm dịch giả cao tuổi gồm Lê Hồng Sâm, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh và Đặng Anh Đào khẳng định bộ tiểu thuyết 7 tập Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust dành cho một nhóm độc giả thiểu số tinh hoa.

Tập sách đầu tiên trong bộ tiểu thuyết là cuốn Bên phía nhà Swann do cả 4 dịch giả cùng chuyển ngữ vừa ra mắt tại Hà Nội. Năm nay cũng là kỷ niệm 100 năm tác phẩm Bên phía nhà Swann, được kỷ niệm rầm rộ tại quê nhà của Proust, nước Pháp.

Các dịch giả Việt Nam không muốn cuốn sách hoàn toàn "đóng cửa" với độc giả phổ thông nhưng một thế kỷ tồn tại của Đi tìm thời gian đã mất đã chứng minh: cuốn sách chưa bao giờ có đông đảo người đọc. Có thể nói, Đi tìm thời gian đã mất là kiệt tác bất tử của số ít.

Nhóm dịch giả của Bên phía nhà Swann (từ trái qua): Đặng Anh Đào, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm.

"Đời quá ngắn mà Proust lại quá dài"

Theo nhóm dịch giả, trong thế kỷ 20, có 3 nhà văn tạo nên bước ngoặt của tiểu thuyết thế giới, gồm Franz Kafka (CH Czech), James Joyce (Ireland) và Marcel Proust (Pháp).

Tác gia đầu tiên đã được dịch khá trọn vẹn ở Việt Nam, bản thân Kafka cũng là một nhân vật rất nổi tiếng với độc giả yêu văn chương Việt Nam. Nhưng 2 tác gia còn lại hầu như vẫn bí ẩn. Nay thì Proust đến trước Joyce. Riêng về Joyce, có vẻ như còn lâu mới ra mắt độc giả Việt Nam.

Dịch giả Lê Hồng Sâm trích câu nói nổi tiếng của nhà văn đàn anh của Proust là Anatole France: "Đời quá ngắn mà Proust lại quá dài". France nói câu này khi đã xấp xỉ 80 tuổi. Sinh thời, Proust rất ngưỡng mộ France nhưng với Đi tìm thời gian đã mất thì ông đã giành được sự ngưỡng mộ của đàn anh.

Cũng theo Lê Hồng Sâm, trong 100 năm qua, văn chương Proust được tiếp nhận bởi một nhóm nhỏ tinh hoa ở các quốc gia trên thế giới. Ông là tác gia viết ra kiệt tác ít người đọc, nếu so với dân số thế giới, nhưng những ai đã tiếp nhận được tác phẩm thì đều rất sâu sắc.

4 người dịch một cuốn sách và ai sẽ đọc?

Số lượng 4 dịch giả cho một tập sách được tính là nhiều, nhưng theo Lê Hồng Sâm, điều đó sẽ không lặp lại ở các tập sau.

Nhưng nếu tính cả bộ tiểu thuyết thì khi hoàn thành, có thể số lượng dịch giả sẽ còn tăng lên. Trước mắt, nhóm dịch đã đề nghị nhà nghiên cứu trẻ Giáng Hương, đang là nghiên cứu sinh ngành văn học tại Pháp, tham gia.

Giam mình để viết kiệt tác

"Từ đầu mùa hạ 1909, Proust sống ẩn dật, giam mình trong phòng riêng cửa đóng kín, sàn nhà, các bức tường, và trần cao đều được lót những lớp bần, không để lọt một tiếng động. Ông muốn từ nay chỉ sống cho tác phẩm lớn, duy nhất, của đời mình" (trích phần Giới thiệu của cuốn Bên phía nhà Swann, Lê Hồng Sâm viết).

Theo dịch giả Đặng Anh Đào, sẽ có 2 nhóm dịch già và trẻ. Nhóm già dịch từ trên xuống (từ tập đầu) và nhóm trẻ dịch từ dưới lên (từ tập cuối). Đến lúc nào nhóm già "dừng lại" thì nhóm trẻ sẽ tiếp tục công việc. Dịch Đi tìm thời gian đã mất ở bất cứ quốc gia nào, đều là một sự nghiệp lâu dài.

Tác giả của bộ sách, Proust, cũng đã qua đời ngay sau khi viết xong 7 tập sách này và trước khi bộ sách được xuất bản trọn vẹn. Ông qua đời năm 1922, đến các năm 1923, 1925 và 1927 thì 3 tập cuối của sách mới được ra mắt.

Còn một vấn đề: những độc giả "lười biếng" của thời công nghệ số sẽ đọc Proust như thế nào đây? Theo Đặng Thị Hạnh: "Tôi hy vọng sách sẽ… không có nhiều người đọc ở Việt Nam". Còn "Cuốn sách cấm độc giả dễ dãi" là câu nói của dịch giả Dương Tường.

Đến lúc ký tặng sách cuối buổi, vì thấy có nhiều độc giả trẻ, Dương Tường nói với Đặng Thị Hạnh: "Tôi đã bảo bà là không ít người đọc đâu mà". "Tôi chỉ nói là sẽ không nhiều thôi" – nữ dịch giả, con gái GS Đặng Thai Mai, đáp lời.

Bên phía nhà Swann dày 471 trang, do Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm