Dịch thuật trong thực tế xuất bản: Sai sót, thảm họa, và 'ném đá'

09/05/2013 09:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Tình trạng dịch thuật Việt Nam có đáng bị gọi "thảm họa"? Tọa đàm Dịch thuật trong thực tế xuất bản sáng 8/5 chưa trả lời câu hỏi đó, mà mở ra một vấn đề khác: các dịch giả không đồng tình với cách phản hồi “ném đá”.

Tọa đàm Dịch thuật trong thực tế xuất bản sáng 8/5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, diễn ra trong gần 3 tiếng đồng hồ với sự có mặt của những dịch giả "cây đa cây đề" như Lê Hồng Sâm, Trịnh Lữ. Tọa đàm kết thúc để lại nhiều nuối tiếc vì thời gian có hạn và nhiều vấn đề chưa được bàn sâu.

Dịch giả Lê Hồng Sâm (trái) và dịch giả Trịnh Lữ tại tọa đàm Dịch thuật trong thực tế xuất bản tại Hà Nội sáng 8/5

Những thứ họ mang có sai sót

Tranh cãi xung quanh tập truyện ngắn Những thứ họ mang (tác giả Tim O’Brien, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng) là nguyên cớ để Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm này, nhưng tại tọa đàm dịch giả này không có mặt và tác phẩm cũng ít được nhắc đến.

Không xuất hiện trong tọa đàm, dịch giả Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam trao đổi với TT&VH: “Về Những thứ họ mang, các lỗi dịch sai như trên mạng đã chỉ ra là hoàn toàn đúng”.

Ngoài ra, ông Dân cho biết: “Tôi không đồng ý với quan điểm coi lỗi sai trong dịch thuật là bình thường. Lỗi sai sao lại bình thường được? Đó là điều không thể chấp nhận. Khái niệm “bình thường” ở đây cũng khó giải thích. Dù thế nào thì sai sót xảy ra là do dịch giả chưa đủ trình độ, và điều đó phải khắc phục. Có những dịch giả có chuyên môn cao làm ra những bản dịch gần như đúng hoàn toàn cơ mà”.

Trong tọa đàm, dịch giả Lê Hồng Sâm có nói: “Các dịch giả tiền bối rất ít sai sót. Có nhiều lý do. Thứ nhất là họ giỏi, rất giỏi. Thứ hai, tuy không ra nước ngoài nhưng họ thực sự đọc, sống và cảm nhận sâu sắc nền văn hóa của đất nước đó, chẳng hạn Pháp, qua văn chương, qua tiếp xúc. Thứ ba là họ làm việc rất cẩn thận, trách nhiệm, phần vì chỉ phải dịch ít, nhiều năm mới ra một quyển, lại được độc giả chờ đợi nên làm công phu hơn”.

Riêng đoạn “con mặt l**…” gây tranh cãi thì ông Nguyễn Văn Dân cho rằng, nên dịch là “một con đĩ đần độn” chứ không cần dịch tục đến thế.

Nhưng dịch giả Nguyễn Duy Bình, giảng viên tiếng Pháp ở Đại học Vinh, từng dịch cuốn Lời hứa trước bình minh của Romain Gary lại cho biết: "Tôi cũng sẽ dịch như Trần Tiễn Cao Đăng".

Anh nói: "Tôi đang dịch tiểu thuyết Bài giảng về sự sụp đổ của La Mã của nhà văn Jérôme Ferrari, tác phẩm này đoạt giải Goncourt năm 2012. Trong cuốn này có từ "la chatte", cũng là một từ rất tục trong tiếng Pháp chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ. Việc anh Trần Tiễn Cao Đăng bị "ném đá" do bản dịch Những thứ họ mang khiến tôi thấy cũng ái ngại, nhưng tôi đã quyết định sẽ dịch giống như anh Đăng, tức là dịch thành từ "l**" (không viết tắt) trong tiếng Việt, vì theo tôi cách dịch đó là đúng”.

Cũng tại tọa đàm, biên tập viên Trần Lê Thùy Linh của công ty Nhã Nam cho biết, các bản dịch gặp phản hồi là có sai sót đều được công ty lưu lại và sửa chữa trong lần in sau.

Trong giới dịch giả cũng có những quan điểm trái ngược về đúng sai trong dịch thuật. Trong ảnh là một số bản dịch gây tranh cãi của công ty Nhã Nam: Những thứ họ mang, Lolita, Bản đồ và vùng đất, Đoàn hộ nhẫn

Các dịch giả lo cho… chính mình

Trái với dự đoán tọa đàm sẽ là nơi "mổ xẻ" những bản dịch bị cho là "thảm họa", tọa đàm là nơi hàng loạt dịch giả bày tỏ băn khoăn trước những phê phán dịch sai. Không chỉ các diễn giả Lê Hồng Sâm, Trịnh Lữ, Lương Việt Dũng, mà còn có những dịch giả ở hàng ghế khán giả như: Trần Thiện Đạo, Đặng Thị Hạnh, Phạm Tú Châu, Nguyễn Bích Lan...

Lê Hồng Sâm nêu lên một thực tế không công bằng: "Mọi người thích thú với việc chê chứ ít ai khen một chi tiết dịch hay làm họ nhớ mãi. Dịch giả rất thèm một thái độ thưởng thức như vậy".

Bà lấy ví dụ về trường hợp bà dịch tên truyện ngắn A Simple Heart (tên khi dịch sang tiếng Anh) của Gustave Flaubert thành Một tấm lòng chất phác và có một độc giả đã tìm gặp để khen ngợi cách dịch đó, khiến bà rất hạnh phúc. Nhưng, việc dịch giả nhớ rõ lời khen cũng cho thấy những trường hợp như vậy rất hiếm, còn khi chê, người ta nhiệt tình hơn, và cũng vỗ mặt hơn.

Còn dịch giả của Triệu phú khu ổ chuột là Nguyễn Bích Lan thì hỏi: "Tôi là một dịch giả, đến một ngày nào đó cũng có thể bị "ném đá". Ở đây có dịch giả nào từng bị "ném đá" vì bản dịch gây tranh cãi không, anh chị có thể chia sẻ tâm trạng của mình khi đó không?". Đó không phải là một câu hỏi, Nguyễn Bích Lan đang bày tỏ sự thông cảm của chị, và có lẽ là cả sự bức xúc nữa, vì cách "ném đá" nhiệt tình của dư luận có thể gây ra những tổn thương mà họ không thể nào biết được. Chỉ tiếc là, không có dịch giả từng bị “ném đá” nào có mặt tại tọa đàm.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ: “Không thể chỉ vì vài ba lỗi sai mà "hất tung" cả bản dịch, không khác gì hất tung cả chậu nước khi có vài hạt bụi bẩn. Đáng lẽ nói là "phê bình", thì bây giờ người ta toàn dùng từ "bị đánh", "bị ném đá", cách dùng từ đó cũng đã thể hiện thái độ phê bình nặng nề như thế nào”.

Kỳ sau: “Việt hóa” trong dịch thuật – nên hay không?

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm