26/06/2014 16:00 GMT+7 | Ký sự World Cup
(lienminhbng.org) - Trong cái đất nước điên cuồng vì bóng đá này, hình như các BLV là những người điên nhất. Không điên sao được khi những tiếng hô của họ cũng gấp gáp theo nhịp chạy của các cầu thủ, và những tiếng hô “Vào” kéo dài hàng nửa phút đòi hỏi không chỉ thể lực và một buồng phổi tương đương với vận động viên lặn, mà còn phải có một tình yêu khủng khiếp với bóng đá nữa. Tôi, cũng là một BLV bóng đá (part-time thôi) ngả mũ trước họ.
Từ những tiếng “Gooooopool” được yêu và được ghét….
Nếu khoái cảm của bóng đá là những bàn thắng, thì khoái cảm của các BLV chắc chắn là những tiếng hô khi lưới rung lên trong một trận đấu. Tôi nghĩ, các BLV Nam Mỹ nói chung và Brazil nói riêng là những người hạnh phúc nhất thế giới, những người có thể khiến cả Pavarotti quá cố (cầu Chúa phù hộ ông!) và những Carreras hay Domingo, những giọng tenor siêu hạng của thế giới, phải ghen tị.
Cabin bình luận là sân khấu của họ. Hàng triệu khán giả ngồi sau tivi, dù là trong những ngôi nhà sang trọng hay rách rưới, những tivi màn hình phẳng hay những chiếc đen trắng cổ lỗ sĩ, là những người mà họ truyền cảm hứng, đúng hơn, truyền giáo bóng đá. 90 phút hoặc hơn thế nữa là cơn dâng tràn của biết bao cảm xúc, niềm vui cũng như nước mắt, niềm hạnh phúc mạnh mẽ và cả những cơn thống khổ nghẹn ngào trước những micro.
Họ gào lên như những đứa trẻ trong cả trận đấu, họ hò hét trong mỗi tình huống, họ rên rỉ sau mỗi cơ hội bị bỏ lỡ, họ thổn thức khi đội thất bại và họ phát rồ sau những bàn thắng, với những tiếng “Gooooooooooooooooooool” dài như bất tận trong cơn điên dại của cảm xúc bột phát, một cơn cuồng điên thực sự của người BLV. Nghe cái nhịp điệu nói mà người BLV thực hiện khi ngôi sao của ông đi bóng qua một cầu thủ, một người nữa, rồi một người nữa, và sau đó là bàn thắng mà sung sướng xiết bao, và ngôn ngữ của ông nói lúc đó, thực ra không cần phải dịch lại làm gì nữa, vì niềm hạnh phúc và sự bốc đồng không cần phải dịch.
Những tiếng reo dài và to đủ để khiến những giọng tenor khi lên đến cao độ thèm muốn. Xem các trận bóng đá trên tivi Brazil vào mùa World Cup trong một gia đình Brazil, một quán bia bình dân, một quán nhậu đồ nướng vỉa hè, mới thấy hết những cơn cuồng điên ấy lớn và có sức truyền cảm đến mức nào, nhất là khi ông chủ quán bật rõ to volume. Trong khi đám dân nhậu nhẩy cẫng lên, gào thét vì sung sướng, thì trên tivi, tiếng “Goooooooooooooool” to đến trăm decibel và kéo dài tầm nửa phút ấy vang khắp các ngõ phố, nghe như sấm rền, như động đất, như tiếng khoan đều đều đến nhức óc trên một công trường xây dựng, như tình yêu bất tận được đền đáp xứng đáng.
BLV nổi tiếng nhất của Brazil là Galvao Bueno, thuộc hệ thống Globo, đài truyền hình lớn nhất nước. Ngồi trước tivi và nghe ông nói mới thấy con người này thật vĩ đại, ở cả kích cỡ to béo lẫn giọng nói sang sảng. Cách tiếp cận những trận đấu của đội Brazil một cách nồng nhiệt và độc đáo của ông, với những ngôn từ bốc lửa, những ví von đầy màu sắc và bốc đồng, những tiếng hô ầm ỹ như kiểu đang thúc giục người xem phải đập phá một cái gì đó sau những bàn thắng khiến ông trở thành một BLV được yêu mến và cũng bị căm ghét nhất đất nước.
Có ngồi xem một trận đấu của đội tuyển vàng-xanh trong một gia đình Brazil mới thấy người ta chia rẽ vì ông và đến thế nào. Trong khi ông con trai muốn ông bố bật to tiếng để nghe Galvao hét, thì anh chỉ để volume rất thấp, và để lí giải cho việc đó, anh nói với tôi: “Thằng điên nó nói nhiều lắm, toàn nói nhảm thôi. Tôi phải kiềm chế mãi để không buông ra những câu chửi thề. Nhưng tôi không chịu được nữa. Xin lỗi anh, tôi nói nhé”. Thế là anh chửi thề, trong tiếng cười của tất cả.
Trên sóng, Galvao đang mô tả những động tác vờn bóng của Neymar là “điệu vũ ballet rực lửa của một con thiên nga trong nền nhạc Tchaikovski trên thảm cỏ xanh Brasilia” và những pha đỡ bóng của Fred là một “tuyệt phẩm mà Tạo hóa ban tặng” mà từ thời Falcao ông chưa thấy lại. Người đàn ông chửi thề lắc đầu. Anh bảo, điều mà khán giả cần không phải là những lời có cánh, mà là phân tích trận đấu. Trên thực tế, sau mỗi trận đấu của Brazil, Ronaldo-bây giờ béo gấp rưỡi hồi anh là Vua phá lưới World Cup 2002, xuất hiện trong vai trò của một BLV kĩ thuật. “Nhưng Ronaldo cũng như các cựu danh thủ khác của Brazil đá giỏi hơn là nói giỏi. Tôi chẳng hiểu họ nói cái gì trên tivi nữa”, người-chửi-thề nói.
... đến những tiếng “Goooooool” phòng ngủ và nỗi lo ngại Uruguay
Ở một đất nước mà người ta điên dại vì bóng đá như Brazil, ai cũng có thể là một HLV, và tương tự như thế, BLV. Có 200 triệu BLV như thế trên đất Brazil và người ta tranh nhau nói trước các tivi khi trận đấu diễn ra. Nhưng vai trò của một BLV chuyên nghiệp như Galvao thì chắc chắn khó ai có thể thay thế, dù có lúc, người ta bực ông đến mức trên các diễn đàn mạng, một phong trào tẩy chay Galvao có tên “Cala a boca Galvao” (Galvao câm đi!) xuất hiện vào năm 2010, sau khi Galvao có vài câu bay bướm hơi quá lời trên sóng Globo ở trận khai mạc World Cup năm ấy.
Với người Nam Mỹ nói chung và Brazil nói riêng, BLV không chỉ đơn thuần là một người “nói và hét” trong các trận đấu bóng đá, mà là một người vừa như xướng ngôn viên trong các trận đấm bốc tầm cỡ ở Las Vegas, kiểu Mike Tyson đấu với Evander Hollyfield; vừa như một người giải trí cho họ bằng những câu đùa ngớ ngẩn chọc lét; như là một linh mục cho các tâm hồn cuồng si vì bóng đá. Người linh mục-BLV ấy lúc thì rửa tội cho những đứa trẻ có ước mơ trở thành cầu thủ như Ronaldo sau những trận bóng trên hè phố, lúc lại thì thầm đọc kinh sám hối cho tất cả sau những thất bại. 95% gia đình Brazil có tivi, và xem tivi được coi là một hình thức tiếp cận với cuộc sống. Đấy cũng là cách mà các BLV đã đến tận phòng ngủ của các gia đình, hô lên những tiếng “Goooooooool” dài như những cơn khoái cảm của lứa đôi.
Hôm Uruguay thua Costa Rica ở trận ra quân, những BLV Brazil của nhà đài O Globo và cả ESPN Brasil đã không giấu nổi sự khoái trá khi gào tướng lên sau trận đấu “Uru…bye”. Galvao Bueno thậm chí còn kêu lên, rằng “Uruguay đã lấy đi của chúng ta chức vô địch năm 1950, và giờ họ khởi đầu World Cup Brazil thứ hai với một thất bại nhục nhã”. Trên màn hình sau đó là những hình ảnh tư liệu đen trắng về trận Uruguay đánh bại Brazil 2-1 trên sân Maracana tháng 7/1950, với những lời bình luận tuyệt vọng như khóc của một BLV nổi tiếng, nay không còn nữa. Thất bại ấy là một thảm họa quốc gia, một quả bom nguyên tử giáng vào niềm tự hào Brazil. Khi Uruguay thua, các BLV Brazil tự cảm thấy mình là những người đại diện cho những người hâm mộ khi thực hiện một sự trả thù bằng ngôn từ, một sự chế nhạo nặng nề hướng đến những những người hàng xóm Nam Mỹ đáng ghét ấy.
Hơn một tuần sau, trong buổi chiều mà Uruguay đánh bại Italy bằng một cú đánh vai của Godin, hai ông BLV trên kênh Globo im thít. Không ông nào gào tướng lên những tiếng “Gooooool” bất tận như thường nghe nữa. Họ không thích Uruguay vào sâu. Họ càng không muốn nhìn thấy Uruguay sẽ gặp lại Brazil một lần nữa, sau 64 năm, trên chính đất Brazil này, vì sợ một “Maracanazo” (thảm họa Maracana) tái diễn.
Nếu Brazil hạ Chile và Uruguay đánh bại Colombia ở vòng 1/8 cuối tuần này, họ sẽ đối đầu với nhau ở tứ kết chiều 4/7 ở Fortaleza. Điều gì sẽ xảy ra đêm hôm ấy, chỉ có Chúa mới đoán trước được. Nhưng ngay bây giờ, Ngài im lặng, và những con tim trước micro cũng như 200 triệu con tim khác trước tivi đang đập mạnh, như một sự dồn nén mạnh mẽ của mọi cảm xúc, từ những nỗi lo lắng, hồi hộp, kì vọng, để rồi sau một bàn thắng của ai đó, có thể Neymar, sẽ bùng lên thành 200 triệu tiếng hô “Goooooooool” làm rung chuyển Brazil, trong một đêm cuồng điên của chiến thắng…
Khi những tiếng hô “Vào” làm chấn động cả quốc gia
Ai là người đầu tiên “phát minh” ra những tiếng “Gooooooool” kéo dài bất tận và từ đó đi vào lịch sử của cái nghề không có trường lớp này? Vào năm 1942, Rebelo Junior, một BLV Brazil phát thanh, được cho là “ông tổ” của trường phái “Vào” cuồng nhiệt và đam mê đậm chất Nam Mỹ ấy khi hô vang trong một lần lên sóng. Từ ngày ông hô câu ấy, Rebelo được mệnh danh là “Người của tiếng Gooooooool bất tận”, và được hàng bao nhiêu thế hệ các BLV Brazil nói riêng và Nam Mỹ nói chung copy lại, biến tấu một chút với âm lượng và thanh âm của họ trong suốt 72 năm qua. Chẳng hạn Ary Barroso, một BLV điên rồ vì đội Flamengo, sau mỗi bàn thắng của đội này ông liền rút ra một cái còi và thổi như điên như rồ trong vòng gần một phút. Khi Flamengo bị thủng lưới, tiếng còi nhát gừng và nhạt toẹt như của một kẻ đang thở hổn hển mà lại thổi còi. Những tiếng hô của Rebelo ấy bây giờ được nhân rộng bằng sự mở rộng của hàng loạt kênh truyền hình và hàng nghìn đài phát thanh trên sóng cũng như trên internet, trở thành một thứ đặc sản của văn hóa bóng đá Châu Mỹ. Văn hóa ấy lan rộng đến mức, người Tây Ban Nha và người Ý cũng “nhập khẩu” vào các trận đấu của mình. Đương nhiên, với rủi ro rất cao, kể cả khi văn hóa “Goooooooool” ấy phù hợp với cách sống và tình yêu của người có dòng máu Latin, thì đôi khi cũng có những giới hạn nhất định. Như trường hợp của BLV số 1 Brazil Galvao Bueno, yêu ông và ghét ông bằng nhau. |
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất