22/12/2016 07:01 GMT+7
(lienminhbng.org) - Bộ GD- ĐT vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học năm 2017. Trong đó, cơ quan đầu ngành này dự kiến bỏ quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (vẫn được gọi là điểm sàn) vốn đã tồn tại nhiều năm.
Có nghĩa, nếu dự thảo được thông qua,các trường sẽ có quyền tự quyết mức điểm đầu vào để lựa chọn thí sinh của mình – miễn là họ đã đỗ trong kì thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.Không có gì lạ, khi thông tin này gây sự chú ý đặc biệt từ dư luận, thay vì chỉ giới hạn ở gia đình những sĩ tử sẽ xét tuyển vào Đại học trong năm tới.
Bởi trên lý thuyết, với cách xét tuyển ấy, chỉ cần tốt nghiệp Trung học phổ thông, mỗi thí sinh đều có thể ấp ủ hi vọng bước vào ngưỡng cửa Đại học, rồi từ đó từng bước tạo dựng tương lai cho mình. Dù không xuất sắc để đạt được mức điểm cao trong kỳ thi này, họ vẫn có thể ngóng về một trường Đại học đưa ra mức điểm chuẩn... không cao.
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi
Có nhiều yếu tố tích cực đã được nhắc tới quanh sự thay đổi này. Và người viết cũng tin rằng, trong tương lai, chúng ta cũng sẽ tới lúc sẽ phải "mở rộng" đầu vào (và siết đầu ra)của các trường Đại học.
Tuy nhiên, thời điểm áp dụng một cơ chế sẽ ảnh hưởng rất mạnh trong phân luồng lao động đã đến chưa?
Câu trả lời là chưa!
***
"Thừa thầy, thiếu thợ" là điệp khúc chúng ta đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, trong các kỳ cuộc hội thảo, tọa đàm về việc làm. Điển hình, đó là con số hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ đã qua đào tạo đang thất nghiệp. Báo chí đã phản ánh, nhiều người trong số đó đã học lại trung cấp để tìm việc làm, thậm chí là tạm lựa chọn những công việc lao động chân tay.
Bây giờ, khi "quả bóng điểm sàn" được "chuyền vào chân" các trường Đại học, các trường tốp trên có lẽ vẫn giữ được kiểm soát. Song những trường tốp dưới, đặc biệt những trường ngoài công lập, việc hạ điểm sàn sát sạt để hút học viên, thu lợi nhuận để hoạt động là nguy cơ đang được nhiều chuyên gia chi rra.
Bởi, có cầu là có cung. Và căn tính "đại học bằng mọi giá" của các gia đình, các sĩ tử vẫn đang là một ám ảnh quá nặng nề trong xã hội bây giờ.
Liệu, những ai sẽ muốn học tại các trường trung cấp, trường dạy nghề trở thành người thợ, dù xã hội đang rất cần những người thợ lành nghề như vậy?
***
Thời gian vừa qua, ngành giáo dục đã có rất nhiều giải pháp thể hiện mong muốn đổi mới tích cực. Một số trong đó đã có những bước chạy đà rất tốt. Song, cũng có những thời điểm, do chưa tính toán kĩ một vài yếu tố, công cuộc cải cách trở thành "vỡ trận".
Sự rối loạn trong đợt nộp hồ sơ xét tuyển Đại học năm 2015, với câu chuyện về thí sinh phải dùng xe cứu thương chạy từ Nghệ An ra Hà Nội để "cấp cứu" nộp hồ sơ là ví dụ điển hình.
Nói lại chuyện cũ để thấy ngành giáo dục tác động tới rất nhiều người dân, cũng như bất cứ chuyển biến nào dù là nhỏ nhất trong kì thi Đại học cũng sẽ tác động sâu rộng tới toàn xã hội.
Nên, với phương án bỏ điểm sàn Đại học, tất cả chúng ta đều hi vọng ngành giáo dục đã có sự nghiên cứu cân nhắc và lường tới mọi khả năng phát sinh.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất