11/05/2014 14:00 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Đỗ Ca Sơn vừa được NXB Kim Đồng ấn hành hồi ký Người lính Điện Biên kể chuyện. Khác với nhiều cuốn sách viết về Điện Biên Phủ, Người lính Điện Biên kể chuyện vẫn thể hiện hồi ức của một người lính của 60 năm trước nhưng bằng văn phong gần gũi với giới trẻ.
NGƯT Đỗ Ca Sơn sinh năm 1932 tại làng Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, nguyên cán bộ giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Ông được biết đến khi đã chuyển ngữ Hai vạn dặm dưới biển xuất bản từ những năm 1970, Người cá và nhiều giáo trình cho sinh viên. 60 năm trước, chàng trai Đỗ Ca Sơn là một chiến sĩ của Trung đoàn 174, đánh đồi A1 tại Điện Biên Phủ năm 1954.
Chuyện xưa kể lại bằng văn phong trẻ
Dù viết lách khá lâu bằng các tác phẩm dịch thuật nổi tiếng, song NGƯT Đỗ Ca Sơn vẫn chọn nhà báo trẻ Kiều Mai Sơn để chuyển tải lại những hồi ức của mình cho gần gũi với bạn đọc trẻ hôm nay. Chính điều này đã khiến cuốn hồi ký - một thể loại mang nhiều dấu ấn cá nhân nhớ về một thời “xa lơ xa lắc” - không “xa lạ” với người đọc trẻ hôm nay.
Thật vậy, hồi ký Người lính Điện Biên kể chuyện chỉ dày 104 trang gồm cả các tranh minh họa. Có thể nói, đây là cuốn hồi ký thuộc loại “mỏng nhất” so với rất nhiều cuốn hồi ký xuất bản hiện nay. Tuy nhiên, dung lượng mà cuốn sách này mang lại cho người đọc không hề mỏng chút nào.
Ở tuổi ngoài 80, NGƯT Đỗ Ca Sơn vẫn xúc động khi kí ức những ngày đêm lịch sử Điện Biên ùa về vẹn nguyên. Ông chia sẻ:“Tôi không kể lịch sử chiến dịch, không kể về những diễn biến của chiến dịch, mà tôi kể những mẩu chuyện những người lính chúng tôi ở Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã chiến đấu như thế nào, đã sống như thế nào trong 56 ngày đêm ấy”.
Nhà báo trẻ Kiều Mai Sơn chia sẻ khi “chấp bút” cuốn sách này: “Ngoài những lời kể trực tiếp của bác Đỗ Ca Sơn, khi bắt tay vào thực hiện cuốn sách, tôi đã đọc, nghiên cứu rất nhiều tài liệu, đi thực tế chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, nghe lại những câu chuyện về chiến trường từ những cô dân công một thuở”.
Đọc Buồn ơi chào mi từ hàng tiếp viện của Pháp
Những câu chuyện về Điện Biên Phủ ta có thể gặp ở nhiều cuốn sách, tư liệu, nhưng những câu chuyện của nhà giáo Đỗ Ca Sơn vẫn có sức cuốn hút thật đặc biệt. Đó là câu chuyện về những nắm cơm mà để đến được đồi A1, những người lính anh nuôi đã phải hi sinh thân mình; những giọt nước mắt mặn chát khi chứng kiến cảnh “máu trộn bùn non”, phải dẫm lên xác đồng đội dưới chiến hào; những câu chuyện bông đùa của các anh chiến sĩ về các cô dân công, sự mộng mơ của chàng trai trẻ Hà thành khi nhớ về Hà Nội…
Có chi tiết khá thú vị khi trong hàng tiếp viện do quân Pháp thả xuống lòng chảo Điện Biên có cả tác phẩm Buồn ơi, chào mi! của văn sĩ lừng danh F.Sagan. Tất nhiên những cuốn tiểu thuyết này bay lạc về phe ta và các chàng trai Hà Nội chuyền tay nhau đọc.
Những chàng trai Hà Nội một thời từng học trường Pháp nên ít nhiều có cảm tình với văn hóa Pháp là điều dễ hiểu. Trong ngày chiến thắng, khi chàng lính trẻ xông lên bắt tay một hàng binh Pháp và “suýt bị kỉ luật” cũng là một kỷ niệm không thể nào quên được cuốn hồi ký này nhắc lại. Những câu chuyện của nhà giáo Đỗ Ca Sơn vì thế chạm được vào trái tim người đọc.
NGƯT Đỗ Ca Sơn, chia sẻ: “Tôi biết, có nhiều người lo ngại “câu chuyện cổ tích” Điện Biên Phủ sẽ chỉ còn là một cái tên. Nhưng tôi không tin như vậy. Bằng chứng là vẫn có rất nhiều người trẻ mắt ngấn lệ khi nghe tôi kể về chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. Và vì thế, tôi tin ngọn lửa Điện Biên Phủ sẽ vẫn được tiếp nối”.
Nhân kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 29/4 vừa qua, NXB Kim Đồng phối hợp với Cục Xuất bản và Thư viện tỉnh Điện Biên tổ chức giao lưu giới thiệu cuốn sách Người lính Điện Biên kể chuyện tại Thư viện tỉnh Điện Biên với sự tham gia của nhà báo Kiều Mai Sơn, họa sĩ Nguyễn Trường (Etcetera Nguyen) và ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Kim Đồng. Rất tiếc vì tuổi cao, sức yếu, NGƯT Đỗ Ca Sơn không tham dự được. |
TRẠC TUYỀN
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất