12/09/2022 12:14 GMT+7 | Văn hoá
Trong nhiều năm qua, bằng sự quan tâm vào cuộc sát sao của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, các lực lượng xã hội và toàn thể nhân dân, trên cơ sở quy định của pháp luật, Bắc Ninh từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách đặc thù về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trên cơ sở đó đã nhận diện, xác định tương đối đầy đủ, toàn diện giá trị của các loại hình di sản văn hóa để triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Theo kết quả kiểm kê mới nhất, Bắc Ninh có 1.589 di tích, trong đó 643 di tích được xếp hạng gồm: 4 di tích quốc gia đặc biệt; 204 di tích quốc gia, 435 di tích cấp tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Ngoài ra, có 49 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó 4 di sản được UNESCO ghi danh; 8 di sản đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Một số chính sách đặc thù nổi bật mà Bắc Ninh đang áp dụng như: Quy chế quản lý và sử dụng di tích lịch sử văn hoá; Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh; chế độ hỗ trợ nghề nghiệp và bồi dưỡng đối với nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và nhân viên phục vụ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia trên địa bàn tỉnh...
Thời gian qua, tỉnh hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp gần 700 lượt di tích với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Riêng giai đoạn từ năm 2011- 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện 22 dự án trùng tu, tu bổ di tích, với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng. Nhiều di tích lịch sử cách mạng cũng được đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để tu bổ, chống xuống cấp. Ngoài ra, để bảo vệ di tích, các địa phương trong tỉnh còn huy động hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Việc trùng tu tôn tạo cơ bản được thực hiện giám sát theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình theo đúng cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Tỉnh đầu tư kinh phí hàng trăm tỷ đồng cho công tác tuyên truyền quảng bá về di sản; xây dựng Đề án sản xuất phim tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu; hỗ trợ đầu tư tu bổ, xây dựng thiết chế văn hoá và trang thiết bị liên quan.
Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước có chính sách đặc thù riêng với những người trực tiếp tham gia giữ gìn, thực hành và trao truyền di sản. Từ năm 2010 đến nay, Bắc Ninh 3 lần phong tặng nghệ nhân loại hình di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh, với 202 nghệ nhân được vinh danh, trong đó có 4 Nghệ nhân Nhân dân, 18 Nghệ nhân Ưu tú và 180 nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh ở các loại hình. Theo đó, các nghệ nhân này sẽ được tặng tiền thưởng một lần bằng 7 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Đối với nghệ nhân thuộc loại hình di sản được UNESCO vinh danh được hưởng thêm chế độ đãi ngộ hàng tháng.
Đạt nhiều kết quả ý nghĩa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhưng là địa phương có số lượng và mật độ di sản văn hóa đậm đặc, phong phú nên vẫn còn những vấn đề tồn tại đặt ra, cần được tháo gỡ như: Nguồn kinh phí đầu tư hàng năm chưa đủ để giải quyết triệt để tình trạng xuống cấp của di tích; vẫn còn hiện tượng vi phạm trong tu bổ, tôn tạo di tích, mất cắp cổ vật; vẫn xảy ra tình trạng tu bổ di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa nhưng thiếu đội ngũ giám sát, thi công chuyên nghiệp nên chưa bảo đảm chất lượng; việc cung tiến và tiếp nhận hiện vật không phù hợp đưa vào di tích, tô vẽ lại tượng Phật, hoành phi, câu đối cũng chưa được khắc phục triệt để... Một số di sản văn hóa phi vật thể cũng đang dần mai một, thiếu nguồn kinh phí để tiến hành kiểm kê chuyên sâu, phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị.
Di sản văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc là tài sản quý giá của cộng đồng cư dân trong tỉnh, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc.
Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa quan trọng của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững, thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý di sản văn hóa, đặc biệt là các lớp đào tạo về trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích; tăng cường đầu tư kinh phí trong việc triển khai thực chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, như kinh phí tu bổ tôn tạo, chống xuống cấp di tích; kinh phí sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ bị mai một...
Thảo Phương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất