34 người nghi phơi nhiễm HIV: Bi kịch của lòng tốt

04/07/2017 07:24 GMT+7

(lienminhbng.org) - Một câu chuyện đáng buồn vừa diễn ra: trong vụ tai nạn giao thông tại Kon Tum, 10 người dân và 24 bác sĩ, y tá bị nghi phơi nhiễm HIV sau khi cấp cứu cho nạn nhân.

Cụ thể, tại Kon Tum vào trưa 30/6, một vụ tai nạn giao thông giữa 2 ôtô đã diễn ra khiến 4 người tử vong. Trong số đó, có một người phụ nữ bị nhiễm HIV (được phát hiện sau đó vìcó mang giấy khám và toa thuốc theo người).

Trong quá trình vận chuyển - cấp cứu cho người phụ nữ này, những người dân tự nguyện hỗ trợ và các y, bác sĩ kể trên đã tiếp xúc trực tiếp với máu của chị. Như vậy, trên lý thuyết, họ là những người có nguy cơ phơi nhiễm HIV và phải được uống loại thuốc ARV đặc trị để phòng ngừa.

Một câu chuyện như vậy, tất nhiên thu hút sự quan tâm và xót xa của người đọc. Nhưng, dư âm của nó còn được đẩy cao hơn ở diễn biến tiếp theo.

Chú thích ảnh
10 người dân và 24 bác sĩ, y tá bị nghi phơi nhiễm HIV. Ảnh: cắt từ clip

Cụ thể, trong số 7 người dân tham gia cứu nạn bị nghi phơi nhiễm HIV, một thanh niên đã lên facebook cá nhân để chia sẻ câu chuyện của mình. Anh là người đã trực tiếp bế nạn nhân và để máu chị vấy lên vết xước trên tay mình.

Theo lời kể, khi biết tin về việc nạn nhân nhiễm HIV, anh tìm tới cơ sở y tế địa phương để xin thuốc và được cho biết: theo quy định,loại thuốc chống phơi nhiễm này chỉ được cấp miễn phí cho người làm nhiệm vụ. Còn trường hợp của anh, do là dân thường, thì phải bỏ tiền túi để mua với giá hơn một triệu đồng.

Chia sẻ của người thanh niên này lập tức gây ra một làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Để rồi, sau can thiệp khẩn cấp của Bộ Y tế, anh được cấp phát thuốc và điều trị miễn phí.

***

Đó là một tin vui với dư luận. Nhưng, cũng chỉ là vui một chút.

Bởi, chuyện về sự cứng nhắc (thậm chí là thiếu trách nhiệm) của cơ quan y tế địa phương ấy xem ra nhỏ hơn rất nhiều so với hiệu ứng mà cả câu chuyện mang lại: sự thiếu may mắn của những người đang làm điều tốt.

10 người dân như anh thanh niên kể trên đã hỗ trợ cấp cứu, chăm sóc nạn nhân một cách hồn nhiên, bởi họ nghĩ rằng đấy là việc phải làm. 24 y, bác sĩ đã vội vã tham gia cấp cứu cho nạn nhân, bởi đó không chỉ là công việc mà còn là lương tri thiên bẩm của người thầy thuốc.

Để rồi, bây giờ, họ sẽ phải trải qua một chuỗi ngày cực kỳ căng thẳng và mệt mỏi, để sau 6 tháng nữa (theo lý thuyết) mới biết mình có hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ bị nhiễm HIV sau khi cứu người.

Có lẽ, sẽ không ai trong chúng ta đủ nhẫn tâm để nói rằng hành động của họ là dại dột. Nhưng, trong thời đại mà lòng tin đang bị thất thoát ở mọi nơi chốn, sự không may mắn của họ hẳn cũng đủ để người ta có thêm chút dè dặt, lo lắng khi muốn cứu giúp những người gặp tai nạn trên đường.

VIDEO: 24 người phơi nhiễm HIV khi cứu người bị tai nạn giao thông ở Kon Tum

VIDEO: 24 người phơi nhiễm HIV khi cứu người bị tai nạn giao thông ở Kon Tum

7 người dân và 17 y bác sĩ tham gia cấp cứu người bị tai nạn ở Kon Tum nghi phơi nhiễm HIV.

Những người đi đường thiếu kinh nghiệm, thiếu biện pháp và kỹ năng tự bảo vệ khi cứu người là điều có thể hiểu được. Nhưng, đội ngũ y bác sĩ bị đẩy vào tình thế đáng buồn ấy, đó lại là câu chuyện của sự thiếu phòng vệ trong an toàn lao động.

Hàng ngày, trong nghề nghiệp, những y bác sĩ luôn phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm và lây nhiễm. Bởi vậy, trong y giới, những quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động đã được chuẩn hóa và trở thành kĩ năng mà bất cứ ai trong số họ cũng phải nghiêm túc thực hiện để giữ an toàn cho mình. Để xảy ra nguy cơ phơi nhiễm trong vụ tai nạn tại Kon Tum, đó là một điều vô cùng đáng tiếc. Có thể là khắt khe, nhưng tôi tin rằng: việc cứu người không có nghĩa là được phép sơ suất với việc giữ an toàn tính mạng của những người đang làm công việc ấy.

Giống như trong xã hội, những người chống tiêu cực đích thực cũng phải được bảo vệ, chứ không thể để họ sa vào cảnh thân bại danh liệt. Bởi, những con người ấy mang theo mình niềm tin của cả cộng đồng.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm