VAI TRÒ, VỊ THẾ VIỆT NAM - Nhìn từ nhiệm kỳ Đại hội XII:
Bài 5 - Mỗi người Việt Nam là một 'Đại sứ văn hóa'
(lienminhbng.org) - “Giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước” – Đó là định hướng quan trọng của Đảng được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trên tinh thần đó, công tác kết nối kiều bào và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả rõ nét.
* Phát huy nguồn lực kiều bào
Đảng ta xác định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tăng cường hơn nữa sự gắn bó của người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.
Những năm qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một trụ cột trong công tác đối ngoại của đất nước ta. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy truyền thống Việt Nam cũng như vận động thu hút nguồn lực kinh tế và tri thức từ cộng đồng kiều bào đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước, đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam; góp thêm tiếng nói, vận động nhiều nước tăng cường quan hệ với Việt Nam, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Trong 5 năm gần đây (từ 2015 đến 2019), với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD, chiếm khoảng 44% tổng kiều hối đạt được trong vòng 26 năm (từ năm 1993 đến hết năm 2019). Riêng năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kiều hối về Việt Nam đạt 15,686 tỷ USD, đứng thứ 9 trên thế giới về thu hút lượng kiều hối.
Cũng trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp ủng hộ khoảng 35 tỷ đồng, cùng nhiều vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Trong đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua, kiều bào đã quyên góp được khoảng 34 tỷ đồng, cùng nhiều hàng hóa nhằm hỗ trợ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Tại buổi trao tiền ủng hộ nước nhà phòng, chống đại dịch COVID-19, Chủ tịch tập đoàn New World Fashon Group (trụ sở tại London, Anh) đồng thời là Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Anh, ông Phạm Minh Nam chia sẻ, ông muốn đóng góp một phần nhỏ với cộng động và đây cũng là trách nhiệm của kiều bào đối với Tổ quốc. "Nếu như mình có điều kiện, tôi thấy mình cần phải làm những việc này khi đất nước đang gặp khó khăn", ông Nam nói.
Cũng như ông Nam, ông Nguyễn Bằng Lâm, Việt kiều sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, trong dịp trở lại quê hương đúng dịp Tết Nguyên đán 2020, đã xúc động chia sẻ: “Chúng tôi ở xa quê hương, nhưng không thể nào tách tâm hồn ra khỏi Tổ quốc, nhất là đối với người dân Việt Nam - những con người có truyền thống yêu nước, yêu Tổ quốc, hướng về tổ tiên, cha ông và Tổ quốc thân yêu”.
Nhìn lại công tác kiều bào 5 năm qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: “Những kết quả trên cho thấy, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang đáp ứng tốt hơn những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó, cũng như tình cảm, nguyện vọng của bà con kiều bào”.
* Giữ gìn, phát huy bản sắc Việt Nam
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Với nhận thức sâu sắc mỗi người Việt Nam là một “đại sứ văn hóa”, người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ý thức rõ hơn tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng Việt trong lòng xã hội sở tại. Cho đến nay, khoảng trên 500 hội đoàn thường xuyên liên hệ, phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động hướng tới cộng đồng, triển khai nhiều chương trình dạy và học tiếng Việt, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hàng chục điểm trường, lớp tiếng Việt được Nhà nước tài trợ các hội đoàn xây dựng, vận hành và quản lý; hàng trăm giáo viên được hỗ trợ lương, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm...
Qua công tác đối ngoại, tiếng Việt đã được công nhận và giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai ở các trường phổ thông tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ có đông người Việt. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thường xuyên được tổ chức để đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của kiều bào.
Ông Nguyễn Bằng Lâm, Việt kiều sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho con em thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra tại Thái Lan nói riêng, các nước khác trên thế giới nói chung. Qua đó, các cháu hiểu được tổ tiên, đất nước của mình, hiểu về âm thanh, ngữ nghĩa gửi gắm trong “tiếng mẹ đẻ”; nhắc nhở các cháu về nguồn cuội, gốc rễ để bồi dưỡng tâm hồn mỗi người về tình yêu quê hương, đất nước dù sinh ra và lớn lên ở bất cứ nơi đâu.
* Những chuyến bay nghĩa tình trong bão COVID-19
Người Việt Nam ở nước ngoài gia tăng và đa dạng về thành phần đã đặt ra những vấn đề khó khăn, phức tạp cho công tác bảo hộ công dân. Thống kê số liệu từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho thấy, số công dân được bảo hộ tăng dần qua từng năm: 2017 có 8.024 người (tăng 26% so với 2016); năm 2018 có trên 10.000 người; năm 2019 có 13.643 công dân và năm 2020 có số lượng các cuộc gọi của công dân Việt Nam cần tư vấn về các vấn đề liên quan đến bảo hộ công dân ở nước ngoài thông qua tổng đài điện thoại về bảo hộ công dân đã tăng gần 200%.
Số lượng công dân được bảo hộ tăng đi kèm với tính chất các vụ việc được bảo hộ cũng diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Nhiều vụ việc chưa từng có tiền lệ như việc các tàu biển của Việt Nam bị cướp biển tấn công và thuyền viên bị giữ làm con tin; việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng cho công dân Đoàn Thị Hương bị bắt và bị xét xử tại Malaysia; đoàn du khách Việt Nam thăm Ai Cập bị đánh bom dịp Tết Dương lịch 2019; vụ việc 39 người thiệt mạng trên một xe tải tại Đông Bắc London (Anh)...
Mặc dù số lượng công dân ở nước ngoài có nhu cầu bảo hộ ngày càng cao và tính chất các vụ việc gia tăng về độ phức tạp, song các cơ quan đại diện Việt Nam đã cử cán bộ lãnh sự đi đến tận nơi xảy ra vụ việc để tìm hiểu sự thật và tiến hành công tác bảo hộ cần thiết đối với quyền lợi chính đáng của công dân. Chính vì vậy, nhiều người đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan đại diện để được trở về nước một cách an toàn.
Đặc biệt, năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, việc tranh thủ các nguồn lực bên ngoài từ cộng đồng kiều bào cho phòng, chống dịch trong nước và công tác bảo hộ công dân đã được nâng lên một tầm cao mới, là một dấu ấn nổi bật của hoạt động đối ngoại năm cuối nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Những chuyến bay mang nặng nghĩa đồng bào giữa lúc bão COVID-19 hoành hành khắp toàn cầu đã thực sự làm lay động triệu triệu con tim. Mặc dù đất nước còn nghèo, khó khăn thách thức rất nhiều, nhưng Việt Nam là một trong số ít các nước đã có các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt về nước.
Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong, ngoài nước để tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước một cách an toàn, phù hợp với năng lực cách ly trong nước.
Tính từ tháng 4 đến hết năm 2020, Việt Nam đã triển khai 280 chuyến bay, đưa gần 80.000 công dân từ 59 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trở về nước an toàn. Đó là một đại chiến dịch chưa từng có trong lịch sử, được triển khai trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, nhưng đòi hỏi các quy định chống dịch phải tỉ mỉ, chặt chẽ, sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nỗ lực vượt bậc và phối hợp chặt chẽ của ngành Ngoại giao với các cơ quan chuyên trách khác.
“Chúng tôi cảm thấy mình may mắn và tự hào khi được chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để được trở về nhà.” Đây là lời chia sẻ của anh Vi Đ. Minh (Hà Tĩnh) khi anh cùng với 218 người khác là những lao động xa xứ, được Chính phủ tổ chức chuyến bay giải cứu từ Guinea Xích đạo trở về cuối tháng 7/2020. Chuyến bay giải cứu khi đó xác định có tới 50% ca dương tính với SARS-CoV-2 (129 người).
Để thực hiện thành công những chuyến bay giải cứu trên, có sự đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng của các cán bộ ngoại giao làm công tác bảo hộ công dân.
“Thời điểm đó, tất cả các đơn vị trong Cục Lãnh sự đều được đặt ở chế độ “trực chiến”, các phòng làm việc luôn có cán bộ túc trực gần như 24/24 giờ, ban ngày theo dõi thông tin trong nước và các nước trong khu vực, tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 ở các cấp, đến đêm kết nối, trao đổi với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ để nắm tình hình, các chính sách của sở tại, cập nhật số lượng công dân Việt Nam ở nước ngoài cần trợ giúp, bị mắc kẹt ở các sân bay…”, Đại sứ Vũ Việt Anh, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao chia sẻ những kỷ niệm cùng các cán bộ của Cục Lãnh sự thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.
Đề cập tới những khó khăn khi bảo hộ công dân và thu xếp những chuyến bay giải cứu công dân mùa dịch, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, ở tất cả các quốc gia, chính sách phong tỏa, giới nghiêm, hạn chế đi lại khiến cho mọi hoạt động giao lưu, giao thương bị gián đoạn. Chính sách xuất nhập cảnh của các nước thay đổi liên tục khiến việc tổ chức chuyến bay đưa công dân từ vùng dịch về nước của các cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới gặp nhiều bất trắc, khó lường.
“Chúng tôi thường gọi tên các đợt tổ chức chuyến bay đó là các chiến dịch vì để tổ chức một chuyến bay, cần sự chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các hãng hàng không, cơ quan y tế, cơ sở cách ly, các ban, ngành, sở tại… Chưa bao giờ công tác phối hợp lại quan trọng đến thế, thiếu một giấy phép, một ý kiến là toàn bộ chiến dịch có thể rơi vào bế tắc”, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Khi dịch bệnh hoành hành, khó khăn, thách thức bủa vây trăm bề, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đứng vững và trở thành điểm tựa cho đồng bào xa xứ. Những nhà ngoại giao làm việc âm thầm, miệt mài để thu xếp cho các chuyến bay đưa đồng bào hồi hương an toàn. Với những chính sách và hành động thiết thực, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã làm những người con xa xứ thêm “ấm lòng”, thêm yêu mến quê hương đất nước.
Việt Đức/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất